Tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 17/11/2019. Cập nhật tin tức công nghệ 24h chi tiết và hấp dẫn trên trang Đời sống & Pháp luật.
Apple “cấm cửa” ứng dụng liên quan thuốc lá điện tử
Apple cấm các ứng dụng có liên quan tới thuốc lá điện tử tham gia App Store. Ảnh minh họa |
Ngày 15/11, Hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ Apple thông báo cấm các ứng dụng liên quan tới thuốc lá điện tử xuất hiện trong kho ứng dụng App Store của hãng này trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại rằng việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể gây bệnh về phổi hoặc thậm chí dẫn tới tử vong.
Apple cho biết thời gian qua, các chuyên gia từ Trung tâm kiểm soát và phòng tránh dịch bệnh Mỹ (CDC) hay Hiệp hội Tim mạch Mỹ đều cho rằng một loạt các ca bị tổn thương phổi hoặc tử vong vì bệnh về phổi có liên quan tới thuốc lá điện tử.
Giới chuyên gia còn gọi đây là cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng và một dịch bệnh trong giới trẻ đồng thời cảnh báo về việc tuyên truyền cho những sản phẩm này. Apple hoàn toàn nhất trí với những nhận định và lời kêu gọi trên và mới đây đã cập nhật quy định đánh giá trong App Store nêu rõ các ứng dụng khuyến khích hoặc phục vụ cho việc sử dụng những sản phẩm này sẽ không được phép tham gia.
Apple cũng đã rút 181 ứng dụng liên quan đến thuốc lá điện tử khỏi App Store trên toàn thế giới. Các sản phẩm thuốc lá và đầu lọc thuốc lá điện tử lâu nay đã bị cấm trong App Store và tới nay cả những ứng dụng mạng xã hội, tin tức, trò chơi, phần cứng hoặc cửa hàng có liên quan đến những sản phẩm này cũng bị cấm.
Những người đã tải các ứng dụng có liên quan tới thuốc lá điện tử mới bị Apple cấm sẽ vẫn có thể sử dụng những ứng dụng này. Giám đốc điều hàng của Hiệp hội Tim mạch Mỹ Nancy Brown đã hoan nghênh quyết định của Apple.
Trong tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ gặp gỡ các đại diện của ngành sản xuất thuốc lá điện tử trong trước khi ra quyết định có nên cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá điện tử có hương vị sau khi xuất hiện nhiều ca bệnh phổi có liên quan tới sản phẩm này hay không.
Ngành sản xuất thuốc lá điện tử tại Mỹ đang đứng trước những thách thức lớn chưa từng có trong bối cảnh xuất hiện căn bệnh phổi có liên quan tới các loại sản phẩm này. Tổng cộng 39 người thiệt mạng và hơn 2.000 người khác, chủ yếu là người trẻ tuổi, mắc bệnh trên toàn nước Mỹ.
Galaxy A50s sạc 10 phút để nhắn tin, xem bóng đá suốt 3 giờ
Galaxy A50s sạc 10 phút để nhắn tin, xem bóng đá suốt 3 giờ. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Từ khi Galaxy A50s báo pin yếu, người dùng chỉ cần cắm sạc 10 phút để tiếp tục thực hiện nhiều tác vụ xem bóng đá, chỉnh ảnh, lướt Facebook, nhắn tin… trong 3 giờ liên tục.
Smartphone tầm trung có thể đa nhiệm mượt mà nhiều tác vụ, đóng vai trò như thiết bị tất cả trong một; thay thế TV để xem đá bóng với hình ảnh sắc nét, hoặc lướt web nhanh như laptop. Tuy nhiên, khả năng đa nhiệm cũng đòi hỏi thiết bị sở hữu dung lượng pin đủ lớn để đáp ứng tất cả nhu cầu giải trí của người dùng.
Trong phân khúc smartphone tầm trung, số lượng thiết bị có thể đáp ứng cùng lúc cả khả năng đa nhiệm và dung lượng pin lớn không nhiều. Galaxy A50s nằm trong số này, với dung lượng pin lớn, sánh ngang các smartphone thuộc phân khúc cao cấp của Samsung.
Máy được trang bị viên 4.000 mAh. Đây là dung lượng khá ấn tượng, trong điều kiện sử dụng nghe gọi thông thường, người dùng có thể yên tâm sử dụng máy trong 2 ngày không cần sạc. Còn với trường hợp 3G/Wi-Fi luôn mở, người dùng thực hiện đầy đủ các tác vụ, máy có thể hoạt động trong một ngày.
Bên cạnh đó, Galaxy A50s còn được tích hợp thêm tính năng sạc nhanh 15 W. Tính năng này hỗ trợ kịp thời khi điện thoại hết pin nhưng người dùng đang có nhu cầu sử dụng gấp.
Sạc nhanh đặc biệt hữu ích khi người dùng đi du lịch, công tác vào đúng lịch thi đấu của đội tuyển Việt Nam trong mùa SEA Games, không có TV hoặc laptop để xem, chỉ theo dõi được qua smartphone. Nếu điện thoại chỉ còn 10% pin ngay thời khắc trận bóng chuẩn bị bắt đầu, bạn có thể cắm sạc 10 phút để có 3 giờ sử dụng liên tục. So với 90 phút trận đấu, thời gian này khá dư giả để người dùng thực hiện thêm hàng loạt tác vụ khác như lướt web, nghe nhạc, chơi game…
Tính năng này được nhiều người trẻ yêu thích, bởi nó phù hợp với nhu cầu giải trí cao của nhóm người dùng này. Trong một trận bóng, họ không chỉ theo dõi những kỹ thuật chuyền bóng điêu luyện, pha ghi bàn đẹp mắt, mà còn bàn luận sôi nổi về chúng.
Tín đồ bóng đá còn thể hiện tình yêu với đội nhà bằng cách bình luận, đăng trạng thái, story liên tục lên Facebook, Instagram. Thậm chí, họ sử dụng phần mềm trên điện thoại để chế những hình ảnh ngộ nghĩnh, vui nhộn và chia sẻ với bạn bè. Với cường độ xem video, lướt web, thao tác cao và liên tục như vậy, smartphone pin lớn, trang bị tính năng sạc nhanh như A50s sẽ hỗ trợ người dùng đắc lực.
Yahoo Japan và Line sẽ thông báo kế hoạch sáp nhập vào tuần tới
Yahoo Japan và Line sẽ thông báo kế hoạch sáp nhập vào tuần tới. Ảnh minh họa |
Các nguồn tin thân cận ngày 16/11 cho hay tập đoàn SoftBank Corp., nắm quyền kiểm soát Yahoo Japan Corp., và nhà cung cấp ứng dụng nhắn tin Line Corp đang cân nhắc sáp nhập một số mảng hoạt động của mình vào cuối năm 2020.
Theo các nguồn tin này, Z Holdings Corp, nhà điều hành Yahoo Japan, và Line sẽ thông báo kế hoạch sáp nhập vào tuần tới. Z Holdings là một đơn vị kinh doanh mảng điện thoại di động thuộc Tập đoàn SoftBank.SoftBank và Line hy vọng sẽ mở rộng mảng kinh doanh internet, bao gồm bán lẻ trực tuyến, quảng cáo và dịch vụ điện thoại di động.
Trong năm tài chính 2018 (kết thúc tháng 3/2019), Z Holdings đã thông báo doanh thu đạt 954,7 tỷ yen (8,76 tỷ USD), trong khi Line ghi nhận mức doanh thu 207,1 tỷ yen trong năm kinh doanh kết thúc vào tháng 12/2018.
Nếu việc sáp nhập thuận lợi, Yahoo Japan và Line sẽ ghi nhận mức doanh thu kết hợp lớn nhất trong số các nhà khai thác kinh doanh trực tuyến của Nhật Bản, vượt qua cả doanh nghiệp thương mại điện tử khổng lồ Rakuten Inc.
Line hiện có khoảng 164 triệu người dùng ứng dụng nhắn tin tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Đông Nam Á, trong khi có hơn 50 triệu người truy cập trang web Yahoo Japan mỗi tháng.
Z Holdings và Line có kế hoạch vận hành riêng các dịch vụ thanh toán điện tử thông qua điện thoại thông minh sau khi đẩy mạnh đầu tư phát triển trong thị trường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đang cạnh tranh khốc liệt này. Dịch vụ thanh toán của Z Holdings có 19 triệu người dùng, trong khi Line Pay có 37 triệu người dùng.
Các bên cũng sẽ xem xét có nên sáp nhập mảng thanh toán kỹ thuật số hay không, tùy thuộc vào kết quả của cuộc đánh giá chống độc quyền.
Trong khi đó, các nguồn tin khác cho hay SoftBank và Naver Corp của Hàn Quốc, công ty mẹ của Line, đang xem xét sáp nhập các đơn vị này dưới một công ty chung mới.
Line đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang mua sắm trực tuyến và phân phối nhạc. Trong thời gian từ tháng 1-9/2019, Line đã bị lỗ ròng 33,9 tỷ yen do chi phí tăng. Nhà cung cấp ứng dụng nhắn tin này hy vọng sẽ nhận được một khoản đầu tư vốn từ SoftBank để cải thiện tình hình tài chính của mình.
Gần đây, Z Holdings đã đầu tư khoảng 400 tỷ yen để mua lượng lớn cổ phần của công ty bán lẻ hàng may mặc trực tuyến Zozo Inc.
Vũ Đậu(T/h)