Tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 16/8/2019. Cập nhật tin tức công nghệ 24h chi tiết và hấp dẫn trên trang Đời sống & Pháp luật.
iOS 13 beta 7 tiết lộ ngày ra mắt iPhone 11
Mô hình iPhone 11 dựa trên các tin đồn. Ảnh: Cnet |
Ở màn hình chính iOS 13 beta 7, icon lịch hiển thị thứ ba (ngày 10/9). Hình ảnh này gắn nhãn HoldForRelease.
Theo trang Tomsguide, đây có thể là thời gian ra mắt iPhone 11. “Việc ra mắt iPhone mới vào ngày 10/9 không phải là một bất ngờ. Trên thực tế, các mẫu iPhone trước đây cũng được ra mắt trong khoảng thời gian này”, biên tập viên Caitlin McGarry của trang Tomsguide nhận định.
Ngày 10/9 cũng trùng khớp lịch trình đặt hàng, giao máy hàng năm. Trong năm nay, Apple có thể lên kệ iPhone 11 vào ngày 20/9. Suốt 7 năm qua, khách hàng có thể mua dòng iPhone bình thường vào thứ sáu, tuần thứ ba của tháng 9, tức một tuần rưỡi sau sự kiện ra mắt.
Dựa trên những tin đồn gần đây, thay đổi lớn nhất trên iPhone 11 nằm ở cụm camera sau hình vuông, trong đó iPhone 11R có 2 camera còn iPhone 11 và 11 Max có đến 3 camera.
Camera thứ 3 là cảm biến 3D ToF (Time-of-Flight) để nhận diện chiều sâu bên cạnh camera chính và telephoto quen thuộc từ iPhone 7 Plus đến nay.
Mặt lưng kính của iPhone 11 phủ lớp sơn mờ, thay vì kính trong như iPhone XS Max và chữ "iPhone" sẽ bị loại bỏ. Nhà phân tích Ming-Chi Kuo, nhân vật chuyên đưa ra dự đoán chính xác đối với các sản phẩm của Apple, cũng từng đề cập đến kính mờ ở mặt lưng iPhone mới, nhưng chi tiết về việc loại bỏ chữ "iPhone" thì hoàn toàn mới.
Nhân viên Foxconn còn xác nhận cổng Lightning tiếp tục có mặt trên iPhone 11. Có vẻ như Apple chưa sẵn sàng cho việc đổi hình thức kết nối trên thiết bị quan trọng này.
Ngoài ra, bộ nhớ trong của máy có sẵn các tùy chọn 64 GB, 256 GB và 512 GB, công suất sạc vẫn giữ nguyên như thế hệ trước. Riêng phiên bản cao cấp nhất, iPhone 11 Max, có viên pin 3.969 mAh, được cung cấp bởi 2 công ty Huizhou Desai và Xinwangda.
Apple bị cáo buộc ăn cắp công nghệ trên camera kép iPhone XS Max
Apple bị cáo buộc vi phạm bản quyền sáng chế camera kép trên hai mẫu iPhone 7 Plus và XS Max. Ảnh: GadgetMatch |
Theo trang Apple Insider, công ty Corephotonics kiện Apple ở tòa án bang California (Mỹ). Trong đơn kiện, công ty này khẳng định Apple đã vi phạm 10 bằng sáng chế riêng biệt về hệ thống camera kép trên các mẫu iPhone là 7 Plus và XS Max.
Trong đó, một số bằng sáng chế liên quan đến việc lắp ráp ống kính cho camera kép, kỹ thuật zoom quang học, phương pháp hợp nhất hình ảnh từ ống kính góc rộng với ống kính tele để tạo ảnh chụp chất lượng.
Công ty Corephotonics được thành lập vào năm 2012 bởi tiến sĩ David Medlovic, giáo sư Đại học Tel Aviv và cựu giám đốc khoa học của chính phủ Israel.
Corephotonics tuyên bố họ đã có thỏa thuận trong việc thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với Apple. Việc trao đổi giữa 2 bên diễn ra trong một thời gian nhưng không bao gồm việc cấp phép công nghệ ống kính kép của Corephotonics.
Công ty này nhấn mạnh công nghệ camera khẩu độ kép của Corephotonics có hai ống kính tiêu cự cố định bao gồm góc rộng và ống kính tele. Đây chính là công nghệ Apple sử dụng trong những mẫu iPhone là 7 Plus và iPhone X.
Trước đây, Corephotonics từng kiện Apple vào tháng 11/2017 và tháng 4/2018. Lần kiện thứ 3 này, công ty Israel nhắm vào hai model iPhone XS và XS Max. Tuy nhiên, Apple vẫn chưa lên tiếng phản hồi về vụ kiện.
Theo các nguồn tin rò rỉ, tháng 1/2019, Samsung đã tìm cách mua lại Corephotonics với giá từ 150-160 triệu USD. Tuy nhiên, cả hai công ty vẫn chưa lên tiếng về thương vụ này.
Rò rỉ dữ liệu nhận diện khuôn mặt và vân tay ở quy mô lớn
Một khối lượng dữ liệu lớn trên hệ thống sinh trắc học Biostar 2 đã bị rò rỉ, ảnh hưởng đến hàng ngàn khách hàng. Ảnh: Sky News |
Theo Sky News, có khoảng hơn một triệu dấu vân tay cùng tên người dùng và mật khẩu truy cập đã bị rò rỉ thông qua cơ sở dữ liệu không bảo mật lưu trữ trên một hệ thống chuyên dụng, trong số các khách hàng của họ có cả Cục Cảnh sát Hoàng gia London.
Các nhà nghiên cứu tuyên bố, họ phát hiện ra các thông tin này của hệ thống Biostar 2 lưu trữ trên nền tảng bảo mật của một công ty có tên là Suprema (Hàn Quốc) lại rất dễ bị truy cập công khai qua giao thức web. Công ty này được mô tả là “một hãng dẫn đầu thế giới về các giải pháp bảo mật và sinh trắc học”, họ cũng đã chào bán và cung cấp các dịch vụ của mình cho hàng ngàn tổ chức trên khắp thế giới, trong đó có cả các doanh nghiệp, ngân hàng lớn và cả sở cảnh sát London.
Biostar 2 là một hệ thống bảo mật cho phép sử dụng các công nghệ sinh trắc học để cấp quyền cho người dùng truy cập vào các tòa nhà và các khu vực hạn chế trong các công ty và tổ chức cần độ bảo mật nhất định. Nó chịu trách nhiệm lưu trữ một lượng lớn dữ liệu nhận diện sinh trắc học, bao gồm dấu vân tay và khuôn mặt, kết hợp với tên người dùng và mật khẩu liên kết với chúng.
Các nhà nghiên cứu bảo mật internet là Noam Rotem và Ran Locar trực thuộc vpnMentor cho biết, họ đã phát hiện hệ thống Biostar 2 bị xâm phạm vào ngày 5.8 và lỗ hổng này không hề được vá trong suốt những ngày qua. vnpMentor tuyên bố: "Đây là một rò rỉ dữ liệu quy mô lớn, gây nguy hiểm cho cả các doanh nghiệp và tổ chức có liên quan cũng như các nhân viên của họ. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã tiếp cận tới hơn một triệu hồ sơ dấu vân tay và thông tin nhận diện khuôn mặt, kết hợp với các chi tiết cá nhân như tên người dùng và mật khẩu, qua đó có nhiều khả năng bị lạm dụng vào các mục đích tội phạm và lừa đảo”.
Ngoài ra, vnpMentor cho biết phía Suprema đã tỏ ra "rất bất hợp tác" kể từ khi nhận được cảnh báo của họ về việc hơn 27,8 triệu hồ sơ với tổng dung lượng khoảng 23 GB dữ liệu không bảo mật và dễ dàng bị rò rỉ, trong đó có cả các thông tin nhạy cảm khác như thời gian ra vào, địa chỉ nhà và email. Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, các dữ liệu bảo mật sinh trắc học mới là mối quan ngại lớn nhất vì một khi bị đánh cắp, chúng không thể thay đổi và nạn nhân sẽ mãi bị mất khả năng bảo mật sinh trắc học.
Các chuyên gia bảo mật uy tín đã mô tả quy mô của vụ rò rỉ là rất đáng lo ngại. Theo chuyên gia bảo mật Piers Wilson thuộc công ty an ninh mạng Huntsman Security, "thật ngạc nhiên khi họ mắc phải những lỗi cơ bản như vậy, bao gồm việc không mã hóa dữ liệu bảo mật sinh trắc học”. Cùng quan điểm, John Sheehy, Giám đốc dịch vụ bảo mật chiến lược tại công ty nghiên cứu IOActive cho rằng, “bản thân các tổ chức càng có độ bảo mật cao thì các chuỗi cung ứng của họ càng hấp dẫn đối tượng tấn công”.
Vũ Đậu(T/h)