Twitter chính thức bị "khai tử"
Twitter từng là công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán, cho đến khi Elon Musk mua lại và biến thành công ty tư nhân. Giờ đây, Elon Musk đã gây sốc khi chính thức "khai tử" Twitter.
Twitter sẽ không còn tồn tại dưới tư cách một công ty độc lập, mà Elon Musk đã quyết định sáp nhập Twitter vào một tập đoàn có tên gọi X Holdings Corp.
X Holdings Corp là tập đoàn mới được Elon Musk thành lập để trở thành tập đoàn mẹ trong tương lai của những công ty mà Musk đang sở hữu, bao gồm Twitter, Tesla, SpaceX, Neuralink và The Boring Company.
Việc thành lập tập đoàn X Holdings Corp và sáp nhập các công ty con, bao gồm Twitter, chưa được Elon Musk chính thức công bố, nhưng thông tin về tập đoàn này mới được công khai thông qua hồ sơ nộp lên tòa án bang California, về vụ kiện của nhà hoạt động chính trị cực hữu Laura Elizabeth Loomer nhằm vào mạng xã hội Twitter.
Chưa rõ sự thay đổi này có ý nghĩa gì với Twitter. Tuy nhiên theo Bloomberg, Musk từng gợi ý việc mua lại mạng xã hội sẽ giúp ông nhanh chóng tạo ra siêu ứng dụng X.
Elon Musk đã ngầm xác nhận thông tin về việc mình thành lập tập đoàn mới khi đăng tải lên trang Twitter cá nhân đoạn thông điệp với nội dung đơn giản: "X". Trong khi đó, Twitter chưa đưa ra bình luận gì về thông tin công ty này đã bị "khai tử".
Người giàu thứ hai thế giới muốn X giống WeChat của Trung Quốc, gồm những tính năng như mạng xã hội, nhắn tin và thanh toán. Dù vậy, chưa rõ X sẽ mang đến hiệu quả kinh doanh ra sao cho Musk.
Mỹ bắt đầu nghiên cứu quản lý ChatGPT
ChatGPT của OpenAI gần đây thu hút sự chú ý đặc biệt từ công chúng nhờ khả năng trả lời nhanh chóng trước nhiều loại câu hỏi. Nó cũng khiến các nhà lập pháp Mỹ lưu tâm vì là ứng dụng cá nhân phát triển nhanh nhất lịch sử, với hơn 100 triệu người dùng hàng tháng.
Mới đây, Cục Quản lý Thông tin và Viễn thông Quốc gia, một cơ quan của Bộ Thương mại Mỹ đã tư vấn cho Nhà Trắng về chính sách viễn thông và thông tin, muốn có ý kiến đóng góp vì "sự quan tâm pháp lý ngày càng tăng" đối với "cơ chế trách nhiệm giải trình" của AI.
Cơ quan này muốn biết, liệu có biện pháp nào có thể được đưa ra để đảm bảo "rằng các hệ thống AI là hợp pháp, hiệu quả, có đạo đức, an toàn và đáng tin cậy hay không."
“Các hệ thống AI có trách nhiệm có thể mang lại những lợi ích to lớn, nhưng chỉ khi chúng ta giải quyết được những hậu quả và tác hại tiềm ẩn của chúng. Để các hệ thống này phát huy hết tiềm năng, các công ty và người tiêu dùng cần có thể tin tưởng chúng,” Quản trị viên NTIA Alan Davidson cho biết.
'Mặt Trời nhân tạo' của Trung Quốc đạt đột phá mới
Theo Tân Hoa Xã, lò phản ứng Tokamak siêu dẫn tiên tiến thử nghiệm (EAST), được Trung Quốc gọi là “Mặt Trời nhân tạo”, đã đạt mốc giữ plasma ở nhiệt độ cao trạng thái ổn định trong 403 giây vào ngày 12/4, một bước tiến quan trọng hướng tới việc phát triển một lò phản ứng nhiệt hạch.
Thời lượng này đã cải thiện đáng kể so với kỷ lục thế giới ban đầu 101 giây do EAST thiết lập năm 2017.
EAST được đặt tại Viện Vật lý Plasma thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (ASIPP) ở Hợp Phì, tỉnh An Huy. Mục tiêu cuối cùng của EAST là tạo ra nhiệt hạch hạt nhân giống như Mặt Trời, sử dụng các chất liệu dồi dào ở biển để cung cấp nguồn năng lượng sạch ổn định.
Viện trưởng ASIPP Tống Vân Đào (Song Yuntao) cho biết ý nghĩa chính của bước đột phá này nằm ở trạng thái giữ plasma ở nhiệt độ cao ổn định. Theo ông, nhiệt độ và mật độ của các hạt nguyên tử đã tăng lên đáng kể trong quá trình giữ plasma, qua đó đặt nền tảng vững chắc cho việc cải thiện hiệu quả sản xuất điện của các nhà máy điện nhiệt hạch trong tương lai và giảm chi phí.
Theo các chuyên gia, trái với nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên, vốn hạn chế về nguồn cung và tác động lớn đến môi trường, “Mặt Trời nhân tạo” của Trung Quốc chỉ cần các nguyên liệu thô với nguồn cung gần như không hạn chế trên Trái Đất. Năng lượng nhiệt hạch được đánh giá là an toàn và sạch hơn, vì vậy là năng lượng lý tưởng trong tương lai.
Hoàng Yên (T/h)