Apple khó bán Vision Pro ở Trung Quốc
Vision Pro trùng tên với thương hiệu được Huawei đăng ký bản quyền. Do đó, Apple có thể không thể bán bộ kính thực tế ảo ở thị trường Trung Quốc nếu vẫn sử dụng tên gọi này.
Là một tập đoàn công nghệ hàng đầu, Apple luôn phải cẩn trọng với mọi sản phẩm của mình ngay từ khâu đặt tên. Cùng một tên gọi nhưng ở những quốc gia khác nhau có thể sẽ có ý nghĩa khác hoặc đã được một công ty khác mua bản quyền. Sơ suất trong khâu chọn tên có thể dẫn đến kiện tụng hoặc tranh cãi vi phạm bản quyền rắc rối.
Tuy nhiên, sản phẩm kính thông minh đầu tiên Apple Vision Pro đã vướng phải rắc rối này ở Trung Quốc. Huawei đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Vision Pro từ 4 năm trước.
Cụ thể, theo tìm hiểu của Mạng lưới Thương hiệu Trung Quốc, Huawei đã hoàn thành thủ tục đăng ký bản quyền Vision Pro vào ngày 16/5/2019 với số hiệu 38242888, thuộc nhóm hàng hóa số 9.
Hàng hóa nhóm 9 bao gồm những thiết bị liên quan đến nhiếp ảnh, điện ảnh, thiết bị ghi, truyền và tái tạo âm thanh hoặc hình ảnh… Thời hạn bản quyền kéo dài từ 28/11/2021-27/11/2031, cho phép sử dụng cho toàn bộ sản phẩm và dịch vụ từ TV màn hình LCD, thiết bị đeo thực tế ảo, thu phát sóng…
Điều này đồng nghĩa với việc Apple có thể sẽ không được sử dụng tên Vision Pro cho sản phẩm mới của mình ở thị trường tỷ dân. Tập đoàn Mỹ sẽ phải nghĩ một tên gọi mới khi ra mắt kính thực tế hỗn hợp ở quốc gia này.
Huawei hiện đã có hai sản phẩm thuộc dòng Vision là kính thông minh Vision Glass và màn hình thông minh Huawei Vision Smart Screen. Do đó, tên gọi Vision Pro có thể được đăng ký bản quyền để sử dụng cho dòng Vision Smart Screen sắp tới.
Meta phát triển ứng dụng mới đối đầu Twitter
Sau khi tỉ phú Elon Musk hoàn tất việc mua Twitter vào tháng 10/2022, Meta được cho là bắt đầu phát triển thêm một ứng dụng nền tảng truyền thông xã hội riêng, có tên mã là Project 92.
Theo Engadget, trong một cuộc họp toàn công ty mới đây, Giám đốc sản phẩm Chris Cox của Meta đã giới thiệu một bộ mô hình giao diện người dùng đến các nhân viên tham dự, nội dung này nhanh chóng bị rò rỉ trực tuyến.
Tên nội bộ của ứng dụng truyền thông mạng xã hội mới là “Project 92”, trong khi các tin đồn cho thấy tên chính thức có thể là “Threads”.
Sự tồn tại của Project 92 lần đầu tiên được xác nhận chính thức vào tháng 3 khi công ty nói với các phóng viên rằng "Chúng tôi đang khám phá một mạng xã hội phi tập trung độc lập để chia sẻ các cập nhật văn bản. Chúng tôi tin rằng có cơ hội cho một không gian riêng biệt, nơi những người sáng tạo và nhân vật của công chúng có thể chia sẻ các cập nhật kịp thời về sở thích của họ".
Đánh cắp công nghệ của Samsung, xây nhà máy tại Trung Quốc
Theo Business Korea, ngày 12/6, các công tố viên quận Suwon, Hàn Quốc truy tố một cựu giám đốc điều hành Samsung với cáo buộc ăn cắp bản thiết kế nhà máy và công nghệ bán dẫn của hãng từ năm 2018 đến 2019. Người này không được nêu tên, hiện 65 tuổi và cũng từng là phó chủ tịch SK Hynix, một nhà sản xuất bán dẫn lớn của Hàn Quốc.
Ông cũng được cho là đã lên kế hoạch xây dựng một nhà máy bán dẫn tại Tây An, Trung Quốc, chỉ cách nhà máy hiện tại của Samsung chưa đến 1,6 km. Để thực hiện điều đó, ông thuê 200 nhân viên SK Hynix và Samsung để lấy cắp bí mật thương mại của hai hãng.
Tuy nhiên, kế hoạch trên không thành khi đối tác - một nhà sản xuất Đài Loan - không thực hiện cam kết đầu tư 6,2 tỷ USD. Dù vậy, cựu giám đốc của Samsung vẫn huy động được 358 triệu USD từ các nhà đầu tư Trung Quốc để phát triển nguyên mẫu chip tại một nhà máy ở Thành Đô vào năm ngoái. Theo các công tố viên, nhà máy này cũng được xây dựng bằng cách sử dụng bản thiết kế bị đánh cắp của Samsung.
Văn phòng công tố cho biết vụ đánh cắp có quy mô phạm tội và mức độ thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay khi so với các vụ rò rỉ công nghệ bán dẫn trước đó. Đây cũng là đòn nặng vào an ninh kinh tế của Hàn Quốc, gây thiệt hại ước tính ít nhất 230 triệu USD cho Samsung. Ngoài cựu giám đốc điều hành, 5 người khác cũng bị cáo buộc với tội danh tương tự nhưng không bị giam giữ.
Hàn Quốc đang nỗ lực giành vị trí số một thế giới về sản xuất chip. Để chạy đua cùng Trung Quốc và Mỹ, nước này lên kế hoạch đầu tư 450 tỷ USD phát triển năng lực sản xuất chip lớn nhất thế giới. Trong đó, riêng Samsung Electronics dự kiến chi 230 tỷ USD trong 20 năm tới để xây dựng cơ sản xuất chất bán dẫn hàng đầu gần Seoul.
Hoàng Yên (T/h)