Thêm một quốc gia cấm cửa TikTok
Mới đây, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã tuyên bố sẽ cấm TikTok trên mọi thiết bị di động thuộc chính phủ vì lo ngại vấn đề an ninh mạng, quyền riêng tư và nạn tin giả. Cụ thể, nền tảng chia sẻ video ngắn sẽ tạm thời bị xóa khỏi mọi thiết bị do chính phủ liên bang Bỉ mua trong vòng 6 tháng.
Thủ tướng Alexander De Croo cho biết lệnh cấm tại Bỉ được đề ra giữa bối cảnh xuất hiện hàng loạt cảnh báo từ các dịch vụ bảo mật của các bang và trung tâm an ninh mạng. Các cơ quan này cho rằng TikTok sẽ thu thập dữ liệu người dùng và biến thuật toán thành công cụ thao túng thông tin và nội dung mà họ tiếp cận.
Cơ quan an ninh của Bỉ còn cảnh báo rằng TikTok có thể chính là gián điệp của chính phủ Bắc Kinh.
“Chúng ta đang ở bối cảnh địa chính trị hoàn toàn mới khi các chiêu trò gây sức ép và giám sát giữa các quốc gia đang dần lan đến thế giới ảo. Chúng ta không thể quá ngây thơ bởi TikTok là một công ty Trung Quốc và phải sử dụng những công nghệ, dịch vụ của nước này. Đây chính là thực tế. Do đó, việc cấm TikTok trên các thiết bị chính phủ là điều hiển nhiên”, Thủ tướng Bỉ khẳng định.
Phản hồi về vấn đề này, TikTok bày tỏ sự thất vọng với lệnh cấm và cho rằng những nguyên nhân Thủ tướng Bỉ đưa ra chỉ dựa trên những thông tin sai lệch. Nền tảng video Trung Quốc sẵn sàng gặp mặt các chính khách để giải quyết mọi khúc mắc và làm sáng tỏ những hiểu lầm.
Musk được đề nghị mua lại Silicon Valley Bank
Trên mạng xã hội hôm 11/3, Min-Liang Tan, nhà đồng sáng lập và CEO của hãng thiết bị chơi game Razer, gợi ý Twitter mua lại Silicon Valley Bank (SVB) để trở thành một ngân hàng số. Ý kiến được đưa ra sau khi SVB bên bờ sụp đổ vì mất khả năng thanh khoản.
"Tôi cởi mở với ý tưởng này", Elon Musk trả lời dưới tweet của Tan. Phản hồi này sau đó nhận hàng nghìn ý kiến, bao gồm cả ủng hộ và phản đối.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội hiếm hoi để có thể sở hữu một ngân hàng. Đặc biệt sự việc diễn ra không lâu sau khi Musk đề cập kế hoạch biến Twitter thành "tổ chức tài chính lớn nhất thế giới", nơi người dùng có thể chuyển tiền cho nhau một cách dễ dàng. Trong một khảo sát với hơn 8 nghìn người bình chọn dưới dòng tweet mới của Musk, 67% đồng tình, trong khi 32% phản đối.
Bị trừ tiền công vì sử dụng ChatGPT
Bùi Thùy Trang, 23 tuổi ở Hoàng Mai, chuyên viết bài quảng cáo trên một nền tảng quốc tế. Cô đánh giá ChatGPT là công cụ hỗ trợ tốt cho những người làm nội dung, giúp đưa ra ý tưởng marketing trong đa lĩnh vực. Thay vì phải tốn nhiều thời gian để tìm tòi, cô có thể nhờ siêu AI gợi ý, sau đó phát triển sâu hơn dựa trên những thông tin thô sơ đó.
Trong một lần gửi sản phẩm, khách hàng nước ngoài hỏi cô về vấn đề sử dụng ChatGPT để dựng dàn bài. Trang thành thật xác nhận. Tuy nhiên, điều cô bất ngờ là khách nói bài viết sao chép và không xứng nhận tiền công. Sau nhiều bước xử lý, cô mới đạt được thỏa thuận thanh toán 50% số tiền.
Trang cho biết ChatGPT chỉ là công cụ hỗ trợ, giúp tổng hợp thông tin nhưng cô lại bị gán mác đạo nhái, làm việc không dựa trên chất xám của bản thân. "May mắn là nền tảng có chính sách bảo vệ cho các freelancer nên tôi mới nhận được một nửa số tiền", Trang nói.
Sơn Bách, 28 tuổi ở Bình Định, chuyên dựng kịch bản cho khách hàng trên YouTube, cũng gặp tình cảnh tương tự. "Tôi từng không được nhận tiền thù lao cho một kịch bản được dựng từ gợi ý của ChatGPT vì bị cho là thiếu tính sáng tạo", anh nói.
Nhiều người dùng ở Việt Nam và trên thế giới đang sử dụng ChatGPT và những chatbot AI khác trong việc nghiên cứu, tìm ý tưởng hoặc nâng cao năng suất. Tuy nhiên, theo Major Impact Media, khi khách hàng vô tình phát hiện ra thành quả họ nhận về có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo, họ sẽ có tâm lý không coi trọng và từ chối trả tiền cho sản phẩm.
Hoàng Yên (T/h)