Google cảnh báo chatbot AI có thể bịa đặt
Prabhakar Raghavan, đứng đầu mảng Google Search, cho rằng các chatbot AI hiện tại có thể tạo ra cạm bẫy về thông tin với người dùng.
"Loại trí tuệ nhân tạo mọi người đang đang thảo luận đôi khi có thể dẫn đến một thứ gọi là ảo giác", Raghavan, Phó chủ tịch cấp cao của Alphabet và lãnh đạo bộ phận tìm kiếm Google Search, trả lời Welt am Sonntag (Đức) ngày 10/2. "Điều này thể hiện qua việc máy móc có thể cung cấp câu trả lời thuyết phục nhưng hoàn toàn bịa đặt".
Raghavan cho biết Google nhận thấy sự cấp bách khi giới thiệu Bard AI, nhưng cũng muốn tỏ ra thận trọng vì "không muốn đánh lừa công chúng".
Nhận xét của Raghavan được đưa ra trong bối cảnh Google vừa ra mắt Bard AI, chatbot với các tính năng tương tác giống con người và được xem là đối thủ của ChatGPT. Dù không nhắc đến, Reuters cho rằng Raghavan có vẻ đang ám chỉ sản phẩm của OpenAI.
Điện thoại sạc pin từ 0% lên 100% trong 10 phút
Realme là nhà sản xuất điện thoại Android có trụ sở tại Thâm Quyến - Trung Quốc. Hãng mới trình làng mẫu điện thoại thông minh mới có tên GT Neo 5.
Mẫu điện thoại GT Neo 5 được giới thiệu có thể sạc pin từ 0%-50% trong 4 phút và từ 0%-100% trong vòng chưa đầy 10 phút.
"Realme tự tin tuyên bố GT Neo 5 là điện thoại sạc pin nhanh nhất thế giới hiện tại, nhờ có hỗ trợ sạc nhanh 240W" - theo chuyên trang công nghệ Gizmodo.
GT Neo 5 đang sử dụng pin Li-Po dung lượng 4600 mAh, người dùng không thể tháo rời và thay pin mới.
Bên cạnh khả năng sạc nhanh, điện thoại GT Neo 5 có hệ thống camera với cảm biến chính Sony IMX890 50MP, camera góc rộng 8MP và cảm biến macro 2MP. Camera selfie có độ phân giải 16MP. Khả năng quay tối đa 4K/60fps, cùng với chống rung quang học OIS.
Được biết, điện thoại GT Neo 5 hiện mới chỉ có trên thị trường Trung Quốc và phiên bản 240W có giá khoảng 3.199 nhân dân tệ (khoảng 470 USD).
Mã độc đánh cắp thông tin hơn 3 triệu bệnh nhân ở Mỹ
Thông tin trên được chuyên trang công nghệ The Register (Anh) tiết lộ hôm 11-2. Theo đó, tin tặc đã xâm nhập hệ thống nhiều cơ sở y tế tại California hồi tháng 12 năm ngoái, để đánh cắp thông tin nhằm gây sức ép đòi tiền chuộc.
Giới chức bang California tiết lộ những kẻ tống tiền đã đánh cắp thông tin cá nhân của 3.300.638 bệnh nhân. Các thông tin bị đánh cắp gồm: tên bệnh nhân, số an sinh xã hội, địa chỉ, ngày sinh, thông tin chẩn đoán và điều trị, kết quả xét nghiệm, dữ liệu kê đơn, báo cáo chụp X-quang, số thành viên chương trình sức khỏe và số điện thoại.
Cơ quan y tế bang California cho biết đang thực hiện các bước thông báo cho các bệnh nhân có khả năng bị mã độc ransomware đánh cắp thông tin.
Tuy nhiên, giới chức y tế bang California từ chối trả lời câu hỏi của The Register rằng ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc dữ liệu bị đánh cắp, số tiền mà nhóm tin tặc yêu cầu để "mua sự im lặng" và liệu mạng lưới y tế có trả tiền chuộc hay không.
Hoàng Yên (T/h)