(ĐSPL) - Sử dụng hóa chất cực độc để tẩy trắng nhộng, chế biến mỡ bẩn không rõ nguồn gốc hay dùng hóa chất làm sa tế, sốt lẩu Thái là những thông tin an toàn thực phẩm đáng chú ý ngày 24/11.
Dùng hóa chất "phù phép" nhộng
Chỉ sau 3 phút, từ những con nhộng đen thối đã được "phù phép" thành những con nhộng non, vàng. |
Chỉ sau 3 phút, từ những con nhộng đen thối đã được "phù phép" thành những con nhộng non, vàng chỉ bằng một loại hóa chất thần kì.
Theo chỉ dẫn của lái buôn, pv VTC đã tìm hiểu về loại hóa chất này và phát hiện ra chợ Núi, Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh bày bán loại hóa chất này.
Theo quan sát đây là một dạng thuốc bột màu trắng có mùi hắc thường được các lái buôn mua dùng để tẩy nhộng và các thực phẩm.
Ông Nguyễn Duy Thịnh (Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - ĐH Bách khoa HN) cho rằng, loại hóa chất mà thương lái dùng để "phù phép" nhộng đen thành vàng đó là chất độc, pha với nước uống thậm chí có thể chết ngay lập tức.
"Nổi da gà" với hàng loạt các vụ chế biến mỡ bẩn không nguồn gốc
Toàn bộ số sản phẩm này được thu gom mỡ bẩn từ các lò mổ trong vùng, sau đó được nấu thành sản phẩm và chở đi tiêu thụ tại Hà Nội. |
Báo Chất lượng Việt Nam đã đưa tin, tối 21/11, Thượng úy Ngô Anh Tuấn - Đội trưởng đội CSĐTTP về hình sự kinh tế ma túy CA huyện Nghĩa Đàn cho biết: Lực lượng chức năng huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An vừa "tóm sống" một cơ sở chế biến mỡ bẩn mang ra Hà Nội tiêu thụ. Hộ gia đình này là ông Phạm Xuân Liên (SN 1941, trú xóm Đông Phong, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An).
Trong khi ông Liên đang sản xuất dầu mỡ thành phẩm từ đun nấu mỡ động vật được thu gom trong khu vực thì công an huyện Nghĩa Đàn ập vào bắt quả tang. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ 17 bao tải dầu mỡ thành phẩm với trọng lượng hơn 7 tạ; 2 thau chứa dầu mỡ đang sản xuất chưa đóng bao bì và nhiều kg mỡ nước đang chế biến. Hiện chúng tôi đã bàn giao tang vật cho Chi cục thú y Nghĩa Đàn xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng theo lực lượng chức năng, tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ không xuất trình được các giấy tờ liên quan về hoạt động chế biến mỡ động vật cũng như giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng minh nguồn gốc, xuất xứ mỡ động vật.
Theo lời khai ban đầu của ông Liên, toàn bộ số sản phẩm này được thu gom mỡ bẩn từ các lò mổ trong vùng, sau đó được nấu thành sản phẩm và chở đi tiêu thụ tại Hà Nội.
Dùng hóa chất không nguồn gốc làm sa tế, sốt lẩu Thái
Hóa chất không nguồn gốc làm sa tế, sốt lẩu Thái. |
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương ngày 22/11 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thị xã Thuận An (Bình Dương) kiểm tra cơ sở sản xuất chất phụ gia do chị Trịnh Thị Nga (27 tuổi, khu phố 2, phường An Phú, thị xã Thuận An) làm chủ, Báo Tri thức trực tuyến cho hay.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện hàng nghìn chai, lọ nhựa chứa chất lỏng. Bên ngoài có nhãn hiệu sốt lẩu Thái, sa tế tôm, nước màu dừa với thương hiệu An Phát food, Gia Hưng Phát food.
Theo nhà chức trách, thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở cùng nhân công đang sử dụng các loại hóa chất không nguồn gốc để pha chế, nấu thành chất lỏng rồi đổ vào chai, lọ. Làm việc với lực lượng chức năng, Trịnh Thị Nga không xuất trình được giấy phép kinh doanh. Người này không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc các loại hóa chất làm nguyên liệu.
Điều 6. Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (Luật An toàn thực phẩm năm 2010) 1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. 2. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật này hoặc các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 3. Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật. 4. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định tại Điều này. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
Hoàng Hà (Tổng hợp)