Bình Định: Chủ tịch tỉnh khen thưởng cho nam sinh lớp 8 cứu người đuối nước
Ngày 27/4, thông tin với Pháp luật Việt Nam, bà Đào Thị Thanh Diệu, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tăng Bạt Hổ (thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân), cho hay Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tặng bằng khen em Lê Văn Phát (học sinh lớp 8A4, Trường THCS Tăng Bạt Hổ) về hành động dũng cảm cứu người bị đuối nước. Cùng với đó, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cũng có giấy khen cho em Phát.
Trước đó, vào khoảng 20h ngày 14/4, trong lúc đi dạo cùng nhóm bạn, thấy mọi người đang tập trung xung quanh khu vực hồ sinh thái Bàu Đưng (thị trấn Tăng Bạt Hổ), Phát tới xem và phát hiện có người đuối nước, sau đó em nhảy xuống cứu được nạn nhân.
Nhờ hành động dũng cảm cứu bạn đuối nước của Phát, em Lê Nguyễn Anh Tú (học sinh lớp 11 thôn Liên Chiểu, thị trấn Tăng Bạt Hổ) được cứu kịp thời. Sau đó, em Tú được đưa tới Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân cấp cứu, hiện sức khoẻ đã hồi phục.
Bình Dương: Khuyến khích người dân, doanh nghiệp tố giác hành vi nhũng nhiễu của cán bộ
Ngày 29/4, theo Tiền phong, thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh vừa yêu cầu tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặc biệt quan trọng và là tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Dương yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đến người dân, doanh nghiệp; xử lý ngay những người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà; công khai kết quả xử lý; nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng đề nghị các đơn vị cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ việc được dư luận quan tâm cho cơ quan báo chí để tuyên truyền kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát hiện và nhân rộng nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến và các sáng kiến, mô hình hay trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời tổ chức biểu dương tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp xây dựng, thực hiện văn hóa liêm chính trong kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong khu vực ngoài nhà nước và các hành vì nhũng nhiễu, hối lộ của cán bộ, công chức, viên chức.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo theo quy định; cương quyết xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà và có chế tài xử lý nghiêm minh đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực với người dân, doanh nghiệp khi đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật.
Thanh tra tỉnh Bình Dương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.
Hơn 500 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy rừng ở Kiên Giang
Tin tức trên Sài Gòn giải phóng, vào khoảng 11h trưa 28/4, lửa phát sinh tại khu rừng tràm ở xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành. Do thời tiết nắng nóng gay gắt, thực bì dày, gió lớn nên lửa cháy lan rất nhanh. Sau hơn 1 giờ xảy ra cháy, lửa đã lan rộng ra hàng ngàn mét vuông.
Nhận tin báo, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang đã điều động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ của Công an tỉnh Kiên Giang, Sư đoàn 330 (Quân khu 9), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang, Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang… cùng với 35 máy bơm nước chuyên dùng, 2 vỏ máy, 1 ca nô, 2 flycam nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai các phương án dập lửa.
Các lực lượng chữa cháy vừa bơm nước dập lửa, vừa nỗ lực tạo đường băng ngăn lửa, tuy nhiên đến chiều 29-4, vẫn chưa thể khống chế được đám cháy.
Trong chiều 29/4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Cơ quan Bộ Chỉ huy, Trung đoàn 893 và Ban Chỉ huy Quân sự các huyện Giang Thành, Hòn Đất tăng cường thêm 173 cán bộ, chiến sĩ và nhiều phương tiện khác tham gia chữa cháy.
Đến 15h ngày 29/4, đã có 400ha rừng bị cháy rụi.