Đà Nẵng thu giữ lô bánh trung thu "đến từ tương lai"
Tin tức trên Dân trí, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) phát hiện gần 1.500 bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lô bánh này trên bao bì sản phẩm đều không có nhãn mác, tên cơ sở sản xuất.
Đáng chú ý, trên bao bì ghi ngày sản xuất không đúng với thực tế. Thời điểm kiểm tra là ngày 20/9, nhưng ngày sản xuất ghi trên bao bì là 24/9.
Quá trình kiểm tra, chủ cơ sở là bà D.T.H không xuất trình được giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy công bố chất lượng sản phẩm, không có hóa đơn chứng từ.
Chủ cơ sở khai nhận, lô bánh này được vận chuyển từ Hà Nội vào. Hàng sẽ được phân phối lại cho các đơn vị khác để đóng hộp và dán nhãn thành bánh trung thu có thương hiệu và bán ra thị trường.
Cơ quan chức năng đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ lô hàng để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hà Nội hỗ trợ các nạn nhân vụ cháy chung cư mini hơn 9,2 tỷ đồng
Theo Tờ trình của UBND thành phố Hà Nội đề xuất 7 nhóm nội dung hỗ trợ với tổng kinh phí dự kiến 9,26 tỷ đồng từ ngân sách thành phố Hà Nội và ngân sách quận Thanh Xuân.
Theo đó, hỗ trợ người phải cấp cứu và điều trị tại cơ sở y tế, ngoài các chính sách hỗ trợ đã thực hiện, chính quyền thành phố đề xuất hỗ trợ, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/người, trong đó 4,4 triệu đồng kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 21 của Chính phủ; 3 triệu đồng từ nguồn ngân sách quận Thanh Xuân và 22,6 triệu đồng từ ngân sách thành phố cho 42 người với tổng kinh phí là 1,26 tỷ đồng.
Hỗ trợ kinh phí cấp cứu và điều trị nạn nhân tại các cơ sở y tế, theo báo cáo của Sở Y tế, các bệnh viện của Trung ương và Hà Nội đã tiếp nhận và điều trị khoảng 50 bệnh nhân được ngân sách thành phố thanh toán theo chi phí cấp cứu và điều trị thực tế (ngoài Bảo hiểm y tế thanh toán) 2,5 triệu đồng/người Sở Y tế chi trả các khoản kinh phí điều trị cho các cơ sở y tế trực tiếp cấp cứu và điều trị nạn nhân,
Hỗ trợ tiền tạm cư đối với gia đình, cá nhân cư trú tại 37, ngách 27/90 Khương Hạ có 45 căn hộ với 146 người cư trú. Sau hoả hoạn người dân ở đây không còn nới cư trú, thành phố đề xuất hỗ trợ tạm cư 6 tháng bằng tiền mặt cho 35 hộ gia đình mức hỗ trợ 6 triệu đồng/tháng/hộ. 40 cá nhân ở ghép trong căn hộ hoặc hộ gia đình có 1 người, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng/người.
Hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho học sinh, sinh viên 15 triệu đồng/học sinh, sinh viên (tương ứng 3 năm học và kinh phí mua mua cặp sách, đồng phục…)
Ngoài ra, thành phố cũng đề xuất hỗ trợ tiền chăm sóc trẻ mồ côi , sau vụ cháy có 2 trẻ mồ côi. Trẻ mồ côi cả cha mẹ, mức hộ trợ 100 triệu đổng/trẻ nếu mồ côi cha hoặc mẹ, mức hỗ trợ 70 triệu đồng 1 lần bằng tiền mặt do ngân sách thành phố cấp kinh phí. Kinh phí hỗ trợ này không bao gồm kinh phí trợ cấp xã hội hàng tháng đối với trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng.
Thành phố cũng hộ trợ đại diện thân nhân người từ vong 50 triệu đồng/người tử vong và hỗ tang lễ, hoả táng cho 56 trường hợp với kinh phí 560 triệu đồng. Kinh phí ngân sách thành phố chi trả cho đơn vị thực hiện theo hoá đơn, chứng từ hợp pháp.
XEM THÊM: Mức tiền trúng đấu giá biển số xe phiên chiều 21/9 hạ nhiệt: Chốt giá dưới mức 300 triệu đồng
Phục hồi 4ha rạn san hô trong vịnh Quy Nhơn
Ông Trần Văn Phúc - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết trên Tuổi trẻ, việc phục hồi 4ha rạn san hô ở vịnh Quy Nhơn là nội dung quan trọng của dự án "Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu Việt Nam" tại tỉnh Bình Định, mà sở này vừa làm việc với đoàn chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP).
Theo đó, trong khuôn khổ dự án đề xuất lập khu bảo tồn biển vịnh Quy Nhơn và phục hồi 4ha rạn san hô tại vịnh biển này thuộc 4 xã, phường Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng.
"Sở dĩ khu vực biển vịnh Quy Nhơn được chọn để đề xuất thành lập khu bảo tồn biển vì trước đây sở cũng đã khảo sát, kiểm tra môi trường biển ở đây và dự định sẽ phục hồi rạn san hô ở nơi này nhằm tái sinh hệ sinh thái, môi trường biển vừa phục vụ mục đích du lịch", ông Phúc cho hay.
Theo ông Phúc, để hỗ trợ xây dựng các hành động ứng phó khẩn cấp phục hồi rạn san hô, dự án sẽ thí điểm cơ chế tài trợ rủi ro thiên tai cho các rạn san hô.
Giải pháp được đề xuất liên quan đến việc phát triển một cơ chế để người sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái san hô mua các hợp đồng bảo hiểm. Việc này nhằm tạo ra nguồn tài chính hỗ trợ bảo vệ tài nguyên rạn san hô và khả năng cung cấp các dịch vụ tạo doanh thu.
Đồng thời, sẽ giảm thiểu tác động của các sự kiện thời tiết cực đoan, bao gồm cả trường hợp khẩn cấp ứng phó và phục hồi trong tình huống sau thiên tai cho các rạn san hô.
Ở các rạn san hô bị ô nhiễm, dự án sẽ tiến hành dọn sạch các mảnh vụn của rạn san hô và tiến hành khôi phục ngay lập tức để tăng tỉ lệ sống sót của san hô và thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng.
Việt Hương (T/h)