Đã có 3 người tử vong do bạch hầu, Bộ Y tế yêu cầu phát hiện sớm để cách ly, điều trị ngay
Trước tình hình diễn biến dịch bệnh bạch hầu như trên, ngày 18/9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh bạch hầu, cách ly, điều trị kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định số 2957/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10/7/2020 cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.
Đồng thời rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong. Bảo đảm công tác phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ nghĩ tới bạch hầu ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.
Cùng đó, tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết. Hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên đối với các ca bệnh khó, ca bệnh nặng, hội chẩn trước khi chuyển tuyến; Triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn.
Tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc báo cáo ca bệnh theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Chủ nhà đẩy xe rùa cán lên dây điện bị giật tử vong
Theo Lao động, vụ việc xảy ra vào khoảng 15h ngày 18/9 tại dãy trọ đang xây dựng ở xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
Thời điểm trên, ông N.V.B (51 tuổi) đang đẩy xe rùa đưa vật liệu vào xây dựng phòng trọ thì bị điện giật. Phát hiện vụ việc, những người có mặt ở hiện trường đã ngắt điện và đưa nạn nhân đi cấp cứu, tuy nhiên ông N.V.B đã tử vong.
Tại hiện trường, một sợi dây điện thả dưới sàn nhà và có vị trí bị rách vỏ dây điện, lòi lõi dây ra ngoài. Nhiều khả năng do xe rùa chở nặng, cán lên dây điện và dây này cấn vào góc nhọn của sàn nhà nên bị rách, gây điện giật.
Thi thể nạn nhân được xe cứu thương đưa từ bệnh viện về nhà để gia đình lo hậu sự.
XEM THÊM: Vụ bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trước cổng chợ ở Hải Dương: Trích xuất camera thấy gì?
Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng sốc, nhiều ca nặng nhập viện
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần vừa qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội tiếp tục tăng mạnh, với hơn 2.000 ca/tuần, gấp đôi so với tuần cuối tháng 8.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong.
So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần 4 lần; số ca tử vong tương đương. Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết tại 15 quận, huyện. Tổng số ổ dịch tính đến thời điểm hiện tại là 730. Hiện còn 258 ổ dịch đang hoạt động tại 30 quận, huyện, thị xã.
Bệnh nhân ghi nhận từ đầu năm đến nay phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã. CDC Hà Nội nhận định thành phố đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết với số ca mắc không ngừng gia tăng.
Do đó, trong tuần tới, công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tiếp tục tập trung tại các ổ dịch ở các quận, huyện: Thanh Trì, Thanh Oai, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Hà Đông, Phúc Thọ.
CDC Hà Nội yêu cầu, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết để tham mưu UBND các địa phương tăng cường các chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, phường, thị trấn.
Đơn nguyên truyền nhiễm, tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, có đến 90% bệnh nhân là mắc sốt xuất huyết. Không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tiểu cầu giảm thấp. Theo khuyến cáo, tiểu cầu giảm dưới 50g/l cần phải nhập viện ngay, nếu không, sẽ có thể nguy kịch. Hai tuần trở lại đây, số bệnh nhân nhi nhập viện với những biến chứng nguy hiểm cũng gia tăng.
Việt Hương (T/h)