Kinh phí để vận hành kênh đào lớn nhất Việt Nam
Liên quan đến việc khánh thành kênh đào lớn nhất Việt Nam (kênh Đáy - Ninh Cơ), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có quyết định bàn giao công trình cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý, vận hành.
Với tính chất của một âu tàu hiện đại và đắt đỏ nhất cả nước, Cục Đường thủy đã ước tính sơ bộ chi phí vận hành công trình trong 6 tháng cuối năm 2023 là 2,5 tỷ đồng.
Cục Đường thủy sẽ sử dụng 2,5 tỷ đồng từ vốn dư của nhiệm vụ "đảm bảo giao thông khu vực cầu Măng Thít" để chi trả cho việc quản lý vận hành âu tàu Đáy - Ninh Cơ.
Bộ GTVT thống nhất cho Cục Đường thủy sử dụng nguồn tiền trên, tuy nhiên lưu ý việc giải ngân chỉ được thực hiện sau khi Cục nhận bàn giao công trình trên từ Ban quản lý các dự án Đường thủy và chính thức vận hành công trình.
Về lâu dài, Cục Đường thủy sẽ xây dựng phương án khai thác tài sản phù hợp với quy định pháp luật để trình Bộ GTVT.
Theo Dân trí, công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ có hạng mục âu tàu được vận hành với quy trình phức tạp, cần có nhân sự trực 24/7 để điều khiển cửa âu và hướng dẫn tàu ra vào.
Sở dĩ kênh không được đào thông tự nhiên mà phải bố trí âu tàu do độ chênh lệch mực nước và độ mặn giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ là khác nhau, cần có âu tàu để ngăn xâm nhập mặn.
Âu tàu này cũng khiến cho chi phí vận hành kênh đào tốn kém hơn, thời gian để tàu thuyền qua kênh cũng lâu hơn (khoảng 20-30 phút mỗi lần đóng mở âu).
Phát hiện thi thể người đàn ông tử vong dưới kênh
Theo Tuổi trẻ, vào 16h30 ngày 25/7, người dân đi làm ruộng phát hiện một chiếc xuồng máy không có người lái đang trôi dạt trên kênh 250 thuộc địa bàn xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có nhiều dấu hiệu nghi có người bị nạn.
Sau đó người dân bơi xuồng lại gần chiếc xuồng máy trên để tìm kiếm thì phát hiện thi thể của một người đàn ông bị quấn vào lưới đánh cá nên vội trình báo cơ quan công an.
Bước đầu danh tính nạn nhân được xác định là ông Lê Văn Đẹp (62 tuổi, ngụ xã Điềm Hy, huyện Châu Thành, Tiền Giang).
Người dân địa phương cho biết vào sáng cùng ngày có thấy ông Đẹp chạy xuồng để đánh bắt cá dọc theo kênh 250. Đến chiều cùng ngày thì phát hiện vụ việc trên.
Theo kết quả khám nghiệm tử thi, ông Đẹp tử vong do ngạt nước.
Ngư dân mất tích khi đánh bắt hải sản trên biển
Trung tá Trần Minh Chiến, Đồn phó Đồn Biên phòng Lạch Kèn (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cho biết trên Sức khỏe & Đời sống, đơn vị đang nỗ lực tìm kiếm tung tích một ngư dân mất tích trong quá trình khai thác hải sản trên biển.
Trước đó, vào khoảng 5h30 ngày 26/7, Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa Hội (Đồn Biên phòng Lạch Kèn) nhận được tin báo của ngư dân Phạm Văn Chính (trú tại xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) về việc trong lúc hành nghề trên biển ngư dân này phát hiện 1 chiếc thuyền đánh mực không có người điều khiển trôi dạt trên vùng biển thuộc xã Đan Trường, cách bờ biển 5 hải lý.
Nhận thông tin, Đồn Biên phòng Lạch Kèn tiến hành xác minh phương tiện trên là của ông Nguyễn Văn Bê (SN 1959, trú tại thôn Hải Hoa, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân).
XEM THÊM: Quảng Ninh: Làm rõ vụ cửa hàng hải sản bị phóng hỏa, 2 mẹ con thoát chết
Người nhà ngư dân này cho biết, ngày 25/7, ông Bê sử dụng thuyền cá ra biển đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, đến sáng nay (26/7), gia đình không thể liên lạc được qua điện thoại và cũng không thấy ông Bê trở về nhà như thường lệ.
Hiện Đồn Biên phòng Lạch Kèn đã triển khai 20 cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng chính quyền địa phương, các lực lượng và bà con ngư dân tích cực tìm kiếm trên khu vực biển nơi ông Bê mất tích.
Việt Hương (T/h)