Đồng Nai kiến nghị tháo dỡ 3 trạm thu phí
Ngày 8/7, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc kiến nghị tháo dỡ 3 trạm thu phí trên địa bàn Đồng Nai.
3 trạm thu phí bị đề nghị tháo dỡ trên địa bàn Đồng Nai gồm: Trạm thu phí Tân Phú (trên Quốc lộc 20, thuộc huyện Tân Phú); Trạm thu phí cầu Đồng Nai (trên Quốc lộ 1A, thuộc thành Phố Biên Hòa) 1 và Trạm thu phí Quốc lộ 1K (thuộc thành phố Biên Hòa).
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, cả 3 trạm thu phí nêu trên đã dừng hoạt động khoảng 2 năm. Tuy nhiên, đến nay, các trạm thu phí này chưa được tháo dỡ làm mất mỹ quan, hạn chế tầm nhìn, gây cản trở giao thông.
Hai năm qua, các trạm thu phí này không còn được sử dụng, ít được duy tu, bảo dưỡng nên xuống cấp, hệ thống đèn báo tại một số trạm không còn hoạt động. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, gây mất an toàn giao thông.
Để đảm bảo mỹ quan và an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các trạm thu phí, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam sớm thực hiện tháo dỡ 3 trạm thu phí nói trên.
Trạm thu phí Tân Phú và Quốc lộ 1K đã dừng hoạt động từ tháng 10/2020; trạm thu phí cầu Đồng Nai dừng hoạt động từ tháng 8/2020.
Nhiều y bác sĩ ở Quảng Bình xin nghỉ việc vì áp lực, lương thấp
Ngày 8/7, tin từ Sở Y tế Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh và Sở Nội vụ về việc 26 viên chức y tế thôi việc hoặc bỏ việc trong 6 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, từ ngày 1/1 đến ngày 3/7, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 25 cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc và 1 trường hợp bác sĩ y học cổ truyền chuyển công tác.
Trong 25 cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc có 12 bác sĩ, 13 trường hợp là điều dưỡng, kỹ thuật y, viên chức y trực thuộc các đơn vị của Sở Y tế và Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới.
Theo Sở Y tế Quảng Bình, nguyên nhân mà các cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến cho cường độ và áp lực công việc rất lớn.
Ngoài ra, cơ sở vật chất của các đơn vị hạn chế, môi trường làm việc và các chế độ chính sách của nhân viên y tế chưa đủ hấp dẫn, nhất là ở các đơn vị y tế vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó là hoàn cảnh gia đình của các nhân viên y tế có nhiều khó khăn, xa con nhỏ, ở xa cơ quan nơi làm việc, mức thu nhập thấp không đủ để trang trải. Vì vậy nhiều người đã xin thôi việc để tìm công việc khác gần gia đình và thu nhập tốt hơn.
Trước đó, năm 2021, tại Quảng Bình cũng có 7 cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ và 1 y sĩ.
Cần Thơ đã chi hơn 1.323 tỷ đồng hỗ trợ người dân khó khăn do COVID-19
Chiều 8/7, trong phiên họp cuối cùng của Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường đã có bài phát biểu giải trình một số nội dung.
Theo đó, ông Trường thông tin về kết quả thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 52 của HĐND TP, tính đến ngày 5-7, TP đã phê duyệt 3.835 người sử dụng lao động và 736.466 lượt người lao động, với kinh phí trên 1.357 tỉ đồng.
Trong đó, đã chi hỗ trợ cho 3.835 người sử dụng lao động và 714.780 lượt người lao động với tổng kinh phí trên 1.323 tỉ đồng, đạt 97,06% so với số lượng được duyệt.
Còn lại 12.319 trường hợp không chi và hoàn lại ngân sách nhà nước (chiếm tỉ lệ 1,67%) do trùng tên, đã nhận hỗ trợ ở địa phương khác, hiện tại không có mặt ở địa phương hoặc trùng đối tượng khác… và 9.356 trường hợp các địa phương chi nhưng chưa cập nhật vào số đã chi (chiếm tỉ lệ 1,27% so với số lượng được phê duyệt).
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, TP đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Việt Hương (T/h)