Trâu vô địch tại lễ hội ở Vĩnh Phúc được xẻ thịt bán 5 triệu đồng/kg
Ngày 7/2, hàng chục nghìn người từ khắp nơi đã đến xem vòng chung kết lễ hội chọi trâu ở xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Chọi trâu Hải Lựu là lễ hội có lịch sử lâu đời nhất cả nước, có từ thế kỷ thứ II trước công nguyên.
Lễ hội năm nay được tổ chức trở lại sau 3 năm dừng vì COVID-19. Sân vận động Hải Lựu với sức chứa khoảng 20.000 người trở nên quá tải. Công an Vĩnh Phúc đã huy động hơn 300 chiến sĩ đảm bảo an ninh, trật tự trong suốt hai ngày diễn ra lễ hội, 16-17 tháng Giêng.
Năm nay có 20 con trâu đại diện cho các tổ dân cư tại địa phương, chia thành 10 cặp đấu. Con nào thắng thì được vào tiếp vòng trong cho đến trận chung kết. Trâu tham gia lễ hội lần nay có độ tuổi 11-12, mỗi con nặng khoảng 500 kg.
Mỗi trận đấu sẽ có 7 trọng tài, gồm một trọng tài chính, một trọng tài biên và các trọng tài đảm bảo an toàn. Khi trọng tài biên giương cờ và Ban tổ chức ra hiệu lệnh đảm bảo an toàn, trọng tài chính sẽ phất cờ ra hiệu mở cửa chuồng để trận đấu được bắt đầu.
Chiến thắng thuộc về con nào có những pha đánh hiểm và sức chịu đòn tốt hơn. Sới chọi trâu được rào theo hình bầu dục khoảng 300 m2, đảm bảo an toàn cho người xem.
Ngay sau khi trận đấu cuối cùng kết thúc, khoảng 11h, hàng trăm người đổ ra mua thịt trâu chọi đoạt giải. 20 phút sau khi lên ngôi vô địch, trâu của ông chủ Bùi Văn Tám được bán với giá 5 triệu đồng/kg.
Nhưng chỉ sau khoảng 1 tiếng do ít người mua, thịt trâu giải nhất được giảm còn 700.000 đồng/kg, còn trâu về nhì là 600.000 đồng/kg.
Vụ đò bị lật trên sông Đồng Nai: Bến đò chưa được cấp phép
Sở GTVT TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP về vụ tai nạn giao thông đường thuỷ xảy ra trên sông Đồng Nai vừa qua.
Theo Sở GTVT TP, phía đầu bến tại Chùa Phước Long, thuộc phường Long Bình, TP Thủ Đức chưa được Sở GTVT TP công bố hoạt động bến khách ngang sông theo quy định.
Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết thêm: Đối với bến khách nội địa, chủ bến sẽ chịu trách nhiệm vận hành tuyến đó.
Tuy nhiên, đối với bến khách ngang sông, đi qua hai địa phương thì cần có sự thỏa thuận giữa hai địa phương và cần có sự thống nhất.
"Song hiện nay, bến khách ngang sông giữa Đồng Nai và TP.HCM chưa có thỏa thuận, phối hợp nên không có cơ sở để vận hành. Hiện phía TP.HCM chưa cấp phép cho các tàu, đò từ Đồng Nai vào phía chùa Phước Long", ông An chia sẻ.
Sở GTVT TP cũng cho biết tình hình hoạt động bến khách ngang sông từ chùa Hội Sơn qua chùa Phước Long (TP.HCM) do HTX Đò khách Phước Bình Mỹ hiện là chủ bến.
HTX này được Sở GTVT TP công bố hoạt động tại Quyết định 254/2022, có thời hạn đến ngày 1/4/2023.
Hiện bến đò có 17 phương tiện, có sức chứa từ 20-50 người. Trong quá trình hoạt động, bến đảm bảo an toàn, chưa xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường thủy. Phương tiện có đầy đủ giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện có chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Bên cạnh đó, bến khách ngang sông được Trung tâm quản lý đường thủy, UBND phường Long Bình, TP.Thủ Đức thường xuyên phối hợp kiểm tra, nhắc nhở chủ bến; Đồng thời, yêu cầu hành khách mặc áo phao, sử dụng phao cứu sinh khi tham gia giao thông.
Sửa chữa các tuyến cáp biển internet vào giữa tháng 3
Sáng 7/2, đại diện các nhà mạng trong nước cho biết trên TTXN, hệ thống NOC (Ban quản trị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế) đã thông báo kế hoạch sửa chữa 3 cáp quang biển: APG (Asia Pacific Gateway), AAG (Asia, America Gateway) và IA (Intra Asia, còn gọi là Liên Á) vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2023 tới.
Cụ thể, với tuyến APG, lỗi trên nhánh S6 dự kiến sẽ được sửa chữa nhánh từ ngày 22-27/3/2023. Còn lỗi trên nhánh S9 từ ngày 5-9/4/2023. Sự cố trên tuyến AAG dự kiến được sửa chữa từ ngày 30/3 đến 4/4/2023.
Tuyến cáp IA đang trong quá trình xin cấp phép và đăng ký tàu sửa chữa. Thời gian dự kiến sửa chữa là giữa tháng 3/2023.
Ngoài sự cố ở 3 tuyến cáp quang biển nêu trên, tuyến AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1) cũng đang gặp sự cố do bị lỗi dò nguồn tại vị trí sát vùng biển thuộc Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên, hiện hệ thống NOC chưa thông báo kế hoạch sửa chữa. Như vậy, theo kế hoạch, phải đến cuối tháng 3/2023, thậm chí trung tuần tháng 4/2023, chất lượng internet Việt Nam đi quốc tế mới có thể tốt hơn.
Việt Hương (T/h)