Tin thời sự mới nóng nhất 7/11: Nam Bộ sắp đón triều cường, nguy cơ ngập úng diện rộng
(ĐS&PL) - Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 7/11/2022. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 7/11/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Nam Bộ sắp đón triều cường mạnh, nguy cơ ngập úng diện rộng
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, mực nước quan trắc cao nhất tại trạm hải văn Vũng Tàu ngày 5/11 là 4,29m.
Dự báo từ nay đến 11/11, mực nước tại trạm Vũng Tàu duy trì ở mức cao, dao động 4,25-4,35m. Độ cao sóng tại khu vực ven biển Bình Thuận – Cà Mau dao động 2 – 3m, biển động.
Do ảnh hưởng của triều cường kết hợp sóng lớn, khu vực ven biển các tỉnh Nam Bộ có khả năng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, vùng ven sông và vùng ngoài đê bao.
Tại hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai, đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 8-10/11 (tức ngày 15-17 tháng 10 âm lịch). Mực nước đo tại trạm Phú An và Nhà Bè cao hơn BĐIII khoảng 0,1m. Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 4-6h và 17-19h.
Cơ quan khí tượng khuyến cáo, đây là kỳ triều cường cao cần đề phòng ngập úng vùng trũng thấp và ven sông.
Dự báo sau đợt triều cường này, từ cuối tháng 11/2022 đến tháng 1/2023, tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 5 đợt triều cường. Đợt 1 từ ngày 23-29/11, đợt 2 từ ngày 7-11/12, đợt 3 từ ngày 21-29/12, đợt 4 từ ngày 6-10/1/2023 và đợt 5 từ ngày 21-26/1/2023.
Riêng 3 đợt triều cường vào những ngày cuối tháng 11, 12 năm 2022 và tháng 1/2023 độ, cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu sẽ ở mức cao trên 4m.
Trường hợp triều cường trùng với thời kỳ gió mùa đông bắc có cường độ mạnh sẽ gây ngập lụt tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển và cửa sông khu vực ven biển Nam Bộ.
Cá chết nổi trắng hồ điều hòa lớn nhất Hải Phòng
Những ngày qua, trên mặt hồ Phương Lưu, một trong những hồ điều hòa lớn nhất Hải Phòng với diện tích 22ha (thuộc phường Đông Hải, quận Hải An) xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt, bốc mùi hôi tanh khiến người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng.
Theo người dân sống gần hồ Phương Lưu, hiện tượng cá chết nổi được phát hiện từ sáng ngày 3/11, màu nước hồ cũng chuyển màu, mùi tanh thối bốc lên nồng nặc, làm xáo trộn sinh hoạt của một bộ phận người dân ở đây.
Sau nhiều ngày vớt cá, đến ngày 5/11, lực lượng chức năng đã rắc vôi bột quanh hồ Phương Lưu khử mùi. Đồng thời, huy động lực lượng trực kiểm tra, giám sát hồ Phương Lưu để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
Theo đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, không có chuyện ô nhiễm môi trường dẫn đến cá chết. Nguyên nhân bước đầu xác định cá chết có thể do đơn vị vừa xả nước từ cửa sông vào dẫn đến nước bị mặn.
Hiện Công ty thoát nước Hải Phòng đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung xử lý số lượng xác cá chết, xử lý nguồn nước và tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc.
Hơn 15 triệu lao động tự do đã nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19
Bộ LĐ-TB&XH cho hay, năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người lao động và nhân dân, Chính phủ đã có 2 nghị quyết về chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (Nghị quyết 68 và 126). Trong đó có chính sách hỗ trợ với nhóm lao động tự do, đặc thù từ nguồn ngân sách địa phương. Các chính sách này đã cơ bản kết thúc trước tháng 6/2022.
Tới hết tháng 6 năm nay, các tỉnh, thành phố trên đã thực hiện chi hỗ trợ cho trên 15,6 triệu người, tổng số tiền hơn 21.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và một số nguồn khác. Các khoản hỗ trợ này đã phần nào giúp người lao động ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.
Nhóm lao động tự do và đặc thù được Chính phủ giao UBND các tỉnh thành căn cứ theo điều kiện và khả năng của ngân sách địa phương để xây dựng, ban hành hỗ trợ. Mức tối thiểu 1,5 triệu đồng/người/lần, hoặc 50.000 đồng/người/ngày theo số ngày địa phương yêu cầu dừng hoạt động, giãn cách xã hội để chống dịch.
Với nhóm lao động tự do, có 57/63 tỉnh thành ban hành chính sách hỗ trợ, tập trung vào 6 nhóm ngành nghề, gồm: Bán vé số dạo; bán hàng rong; xe ôm; bốc vác, vận chuyển hàng hoá; thợ may, mộc, điện, nước, xây dựng; lao động không có hợp đồng làm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch, giáo dục, vận tải, lưu trú, làm đẹp, giải trí, thể thao…
Với nhóm đặc thù, có 15/63 tỉnh thành ban hành chính sách hỗ trợ, gồm các nhóm: hộ nghèo, cận nghèo; người có công; bảo trợ xã hội; lao động thời vụ, lao động thuê khoán, hộ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp; lao động về từ vùng dịch; giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục ngoài công lập…
Kết thúc thời gian thực hiện các chính sách trên, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, nhìn chung, chính sách hỗ trợ trên có các nhóm đa dạng, phân tán. Tuy nhiên, các địa phương đã đơn giản hoá thủ tục, huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ dân phố, cộng đồng dân cư… nên việc triển khai không có vướng mắc.