TP.HCM cấm xe khách giường nằm vào nội đô từ tháng 1/2023
Cấm xe khách giường nằm vào nội đô là nội dung trong văn bản do UBND TP.HCM vừa đưa ra về tổ chức giao thông đối với xe khách giường nằm trên địa bàn thành phố.
Theo đó, nhằm giảm tối đa nguy cơ ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông liên quan đến xe khách và hạn chế tình trạng đón, trả khách không đúng nơi quy định trên địa bàn thành phố, UBND TP.HCM đồng ý chủ trương thực hiện phương án cấm xe khách giường nằm vào nội đô từ ngày 10/1/2023 của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM.
Theo phương án nói trên, ô tô khách có giường nằm bị cấm lưu thông vào khu vực nội đô được giới hạn bởi vành đai các tuyến đường: Quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh - đường Võ Chí Công - đường Nguyễn Thị Định - đường Đồng Văn Cống - đường Mai Chí Thọ - Xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 1. Thời gian cấm lưu thông từ 6h đến 22h hàng ngày.
Các xe giường nằm được lưu thông không hạn chế thời gian vào 2 hành lang ra vào bến xe Miền Tây và bến xe Miền Đông theo hành lang cố định.
Hành lang ra vào bến xe Miền Tây: Quốc lộ 1 → đường Kinh Dương Vương → Bến xe Miền Tây và ngược lại.
Hành lang ra vào bến xe Miền Đông: Quốc lộ 1 → Quốc lộ 13 → đường Đinh Bộ Lĩnh → bến xe Miền Đông → Quốc lộ 13 → Quốc lộ 1.
UBND TP.HCM giao Sở Giao thông Vận tải thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện cấm xe khách giường nằm vào nội đô TP.HCM để có phương án tổ chức giao thông linh hoạt, kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn của TP.HCM.
UBND TP.HCM cũng giao Công an TP.HCM chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đối với hoạt động của phương tiện xe ô tô khách có giường nằm trên địa bàn để phát hiện và xử lý nghiêm đối với các vi phạm về an toàn giao thông, nhất là hành vi dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định.
Sở Y tế TP.HCM khẳng định mua sắm trang thiết bị y tế chống dịch giá rẻ, đúng quy định
Theo Sở Y tế TP.HCM, tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhà cung cấp cung ứng nhỏ giọt, giá cả biến động... trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế gặp rất nhiều khó khăn.
VietnamNet cho hay, nội dung trên được lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM chia sẻ trong buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP về công tác huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách về y tế dự phòng, sáng 30/12.
Theo Sở Y tế TP.HCM, thành phố đã trải qua những đợt bùng phát Covid-19 mạnh, phải triển khai rất nhiều giải pháp cấp bách. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai công tác mua sắm trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch Covid-19; việc mua sắm đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang bị y tế trong thời gian dịch bệnh gặp nhiều khó khăn do hàng hóa khan hiếm, nhà cung cấp cung ứng nhỏ giọt, nhiều nhà cung cấp không hoạt động, giá cả tăng nhanh...
Ngành y tế còn gặp khó khi thực hiện các văn bản quy định về mua sắm, dẫn đến việc chậm, muộn hoặc có những trang thiết bị không thể mua được.
Mặc dù vậy, trong tình hình dịch bệnh khẩn cấp, Sở Y tế TP.HCM cũng chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, làm đúng quy trình khi mua sắm trang thiết bị phục vụ chống dịch để sau này phục vụ thanh tra, kiểm toán.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, công tác mua sắm trang thiết bị y tế trong thời gian dịch Covid-19 phần lớn đều theo phương án chỉ định thầu rút gọn, căn cứ trên năng lực của nhà cung cấp. Ông Nam khẳng định việc mua sắm trong chống dịch theo đúng quy định, giá khi đó thấp nhất so với thời điểm trước, trong và sau dịch.
Sở Y tế TP.HCM kiến nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước khi thanh, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần của Nghị quyết 30 của Quốc hội.
Hà Nội: Cấm xe trên phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận vào cuối tuần
Để phục vụ phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực hồ Thiền Quang, Sở GTVT Hà Nội vừa có phương án phân luồng, tổ chức giao thông tại đây. Theo đó, vào các ngày cuối tuần, phố Trần Nhân Tông sẽ cấm phương tiện lưu thông.
Cụ thể, trong thời gian 2 ngày cuối tuần (thứ 7 và Chủ nhật) bắt đầu từ 7h (mùa Đông 8h) đến 24h, lực lượng liên ngành thực hiện phương án phân luồng tổ chức giao thông trong đó cấm toàn bộ các phương tiện lưu thông trên phố Trần Nhân Tông đoạn từ ngã ba Trần Bình Trọng - Trần Nhân Tông đến ngã ba Quang Trung - Trần Nhân Tông.
Theo đó, sẽ thực hiện phân luồng cho các phương tiện lưu thông qua khu vực tổ chức không gian đi bộ theo 3 hướng: Lê Duẩn - Trần Bình Trọng - Nguyễn Du - Quang Trung - Nguyễn Đình Chiểu; Nguyễn Đình Chiểu - Trần Nhân Tông - Quang Trung - Nguyễn Du - Lê Duẩn hoặc Nguyễn Du - Trần Bình Trọng - Lê Duẩn.
Sở GTVT Hà Nội sẽ lắp đặt biển chỉ dẫn phân luồng từ xa xung quanh khu vực phố đi bộ Trần Nhân Tông giao với các tuyến đường Lê Duẩn, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bà Triệu, Nguyễn Thượng Hiền.
Theo kế hoạch, không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông sẽ chính thức khai trương tối 30/12. Trước đó, các ban ngành cũng đã yêu cầu dỡ một phần tường rào của Công viên Thống Nhất nhằm kết nối không gian với phố đi bộ.
UBND quận Hai Bà Trưng đã yêu cầu các phường trên địa bàn có không gian đi bộ xây dựng phương án an ninh trật tự cụ thể, chi tiết tại không gian đi bộ, lập các chốt trực tại chỗ, các tổ tuần tra lưu động, kiểm soát an ninh trên toàn tuyến.
Ngoài ra, quận bố trí 4 điểm đỗ xe để đáp ứng nhu cầu gửi phương tiện của người dân và du khách. Các điểm này gồm: Đầu phố Trần Nhân Tông (đoạn gần Lê Duẩn); trong Công viên Thống Nhất phía cổng Trần Nhân Tông và cổng Nguyễn Đình Chiểu; hè phố Nguyễn Đình Chiểu.
Việt Hương (T/h)