Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chính thức thu phí không dừng toàn tuyến
Sáng 20/7, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chính thức đưa vào vận hành, khai thác hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC), vượt tiến độ 10 ngày so với cam kết.
Đây là dự án và hợp đồng được ký kết giữa Tổng công ty phát triển cao tốc Việt Nam (Chủ đầu tư VEC) và Công ty Cổ phần Tasco (Tasco).
Công trình nằm trong hợp đồng dịch vụ thu phí ETC 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Nội Bài – Lào Cai và TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Tuyến cao tốc này vận hành thêm 13 làn ETC mới, nâng tổng số lên 28 làn ETC, tại 3 trạm thu phí Vực Vòng, Liêm Tuyền và Cao Bồ. Hệ thống ETC trong dự án áp dụng công nghệ RFID (nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận và phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới.
Đây là một trong những dự án trọng điểm được Chính phủ và Bộ GTVT liên tục đôn đốc, chỉ đạo, giám sát do tính chất quan trọng của các tuyến cao tốc huyết mạch và quy mô lớn trên cả nước.
Việc đưa hệ thống thu phí ETC cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vào khai thác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với giao thông cửa ngõ phía Nam Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tiện ích cho phương tiện lưu thông, đồng bộ hạ tầng giao thông cả nước, góp phần quan trọng giảm ùn tắc giao thông.
Cùng với tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi dự kiến cũng được đưa vào sử dụng vào các ngày 26 đến 28/7 tới.
Bắc Giang: Phát hiện quả bom nặng 350 kg dưới lòng kênh
Ngày 20/7, tại huyện Việt Yên, lực lượng công binh Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang đã trục vớt quả bom nặng 350 kg.
Được biết, chiều 18/7, trong lúc đi mò trai, ông Nguyễn Đình Thiết, thôn Yên Sơn, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) đã phát hiện vật thể giống bom dưới lòng ngòi thuộc địa phận xã Nghĩa Trung và trình báo cơ quan chức năng.
Nhận được thông báo, lực lượng công binh Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang tổ chức khảo sát, tiếp cận và bảo vệ hiện trường, triển khai đội thợ lặn kiểm tra và xác định chính xác có bom.
Đến chiều 20/7, lực lượng công binh đã tiến hành trục vớt thành công quả bom. Kết quả xác định, quả bom dài 1,2 m, rộng 32 cm, ký hiệu MK82, loại bom nổ phá, nặng 350kg.
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Ban Công binh (Bộ CHQS tỉnh), quả bom do Pháp sản xuất, được thả xuống huyện Việt Yên trước năm 1954. Trải qua thời gian rất lâu nhưng quả bom vẫn còn nguyên ngồi nổ, rất nguy hiểm.
Sau khi trục vớt, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với UBND huyện Việt Yên tổ chức phương án hủy nổ. Dự kiến quả bom sẽ được di chuyển về huyện Lục Ngạn và hủy nổ vào đêm 20/7.
6 tàu lớn nước ngoài tham gia tìm kiếm thuyền viên Bình Thuận mất tích
9h45 sáng 20/7, máy bay DHC.6 - số hiệu 773 (dự bị 711) của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954, Quân chủng Hải quân đã cất cánh từ Cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm tám thuyền viên đang mất tích trên biển.
Thủy phi cơ 773 sẽ vừa bay tìm kiếm vừa chỉ thị mục tiêu cho bốn tàu mặt nước đang có mặt tại khu vực cách Tây Bắc đảo Sinh Tồn - Quần đảo Trường Sa khoảng 80 hải lý.
Nguồn tin của PLO cho biết, đến trưa 20/7, tàu Cảnh sát biển Vùng 3 CBS 7011 dù đã tiếp cận nhưng vẫn chưa thể đưa bốn ngư dân Bình Thuận được cứu sống từ tàu cá Bình Định qua tàu Cảnh sát biển được do thời tiết quá xấu, sóng giật liên tục.
Theo kế hoạch, tàu CBS 7011 sau khi tiếp cận tàu cá Bình Định sẽ đưa bốn ngư dân về đảo Phú Qúy chăm sóc y tế. Tuy nhiên phương án sẽ phải thay đổi bằng cách đưa bác sĩ qua tàu cá để chăm sóc sức khỏe cho các ngư dân. Sức khỏe cả bốn thuyền viên được cứu sống đều rất yếu sau chín ngày lênh đênh trên biển.
Theo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngoài tàu CBS 7011 thực hiện nhiệm vụ tiếp cận bốn thuyền viên để chăm sóc y tế; các tàu SAR 413 của Trung tâm phối hợp cứu nạn hàng hải khu vực III; CN-09 số hiệu BP 11.19.01 của Biên phòng Bình Thuận và một số tàu cá vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các ngư dân trên diện rộng.
Đặc biệt, trước đó, tham gia tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên trên tàu BTh 97478 TS còn có sáu tàu vận tải loại lớn của nước ngoài.
Cụ thể đó là các tàu HayLingisland ( quốc tịch Cộng hòa Quần đảo Marshall); Seamax Westport (quốc tịch Cộng hòa Quần đảo Marshall); Sinar Banda (Quốc tịch Indonesia); Wan Hai 328 (quốc tịch Singapore); Landbridge Horizon (quốc tịch Hồng Kông, Trung Quốc) và Cape Fullmar (quốc tịch Cộng hòa Quần đảo Marshall). Trong đó tàu lớn nhất là tàu container Seamax Westport có tổng trọng tải hơn 90.000 tấn với chiều dài 335m; rộng 42,83m.
Việt Hương (T/h)