Nước sông gây ngập lụt ở huyện Chương Mỹ, người dân chèo thuyền đi lại
Đêm 8/9, nước sông Đáy dâng mạnh, gây ngập nhiều khu vực trũng thuộc xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Chỉ trong buổi sáng 9/9, cả một vùng rộng lớn thuộc các thôn Nhân Lý, Yên Trình... mênh mông nước.
Khu vực đê Bùi 2 chìm trong nước. Nhiều gia đình nuôi ao cá rơi vào cảnh của trong nhà đội nón ra đi. Người dân vùng lân cận kéo nhau sang khu vực đê Bùi 2 để bắt, vớt cá.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Xuân Mai cho biết trên PLO: "Do lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về, nước sông Bùi dâng cao, tràn lên đường ở khu vực thôn Bùi Xá gây ngập lụt".
Theo ông Hà, đặc thù địa hình Bùi Xá giáp sông Bùi, cứ mưa lớn ở khu vực Hoà Bình thì nước ở hàng trăm con suối lớn, nhỏ lại đổ ra sông Bùi. Hệ thống đê tả sông Bùi được đầu tư sau trận lụt năm 2017- 2018, bao quanh thôn Bùi Xá cũng đã kè đá hộc rất kiên cố chống sạt lở.
Ông Chu Phú Mỹ, Phó Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cho biết, mưa lớn khu vực Bắc Bộ từ rạng sáng 7/9 đến nay, khiến mực nước các sông ở Hà Nội dâng cao. Lũ từ Hòa Bình tràn về đã khiến một số khu như Bùi Xá, Cầu Sét (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ) ngập lụt.
Theo ông Mỹ, những ngày tới, dự báo nước sông Bùi sẽ tiếp tục dâng cao, chúng tôi khuyến cáo chính quyền, người dân các xã vùng trũng thấp ven sông như Nam Phương Yên, Quảng Bị, Tốt Động, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Xuân Mai chủ động theo dõi sát tình hình lũ để sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn.
Lắp đặt thêm 3 trạm quan trắc cảnh báo động đất ở Kon Tum
Chiều 9/9, ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương Kon Tum cho biết, Thuỷ điện Thượng Kon Tum vừa hoàn thành lắp đặt mới ba trạm quan trắc cảnh báo động đất, nâng tổng số trạm quan trắc thuộc khu vực hoạt động của thủy điện này lên 6 trạm.
Trả lời SGGP, ông Trần Công Đàm, Giám đốc Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum cho biết, theo yêu cầu của các ngành chức năng, đơn vị đã hỗ trợ lắp 6 trạm quan trắc. Tổng kinh phí để lắp đặt, vận hành khoảng 4,9 tỷ đồng.
Trong 3 trạm quan trắc mới lắp đặt hoàn thành, có 1 trạm đặt ở đập Thuỷ điện Thượng Kon Tum, 2 trạm còn lại đặt ở xã Măng Bút (huyện Kon Plông) và xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông, cùng thuộc tỉnh Kon Tum).
3 trạm quan trắc được lắp trước đó nằm ở Nhà máy Thượng Kon Tum, Trung tâm huyện Tu Mơ Rông và Trung tâm huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi).
Cũng theo ông Lê Như Nhất, hiện sở đã có kế hoạch làm việc với Thủy điện Đắk Đrinh để sớm lắp đặt 2 trạm quan trắc tại khu vực hoạt động của thủy điện này. Việc lắp đặt thêm các trạm quan trắc có vai trò quan trọng trong việc cảnh báo sớm nguy cơ động đất xảy ra.
Khẩn trương tìm nguồn thuốc điều trị sốc sốt xuất huyết
Cục Quản lý Dược cho biết, theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế thì dung dịch cao phân tử được hướng dẫn sử dụng trong điều trị sốc sốt xuất huyết gồm Dextran 40, Dextran 70, Hydroxyethyl starch 6% 200.000 dalton.
Các dịch truyền chứa Dextran 40 hoặc Dextran 70 hiện không có sản phẩm nào có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Do đó, việc cung ứng thuốc phải thông qua hình thức cấp phép nhập khẩu chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu thuốc gặp phải nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở nước ngoài cung ứng thuốc vào Việt Nam. Hiện chỉ có một cơ sở sản xuất ở Thái Lan cung ứng dịch truyền này cho Việt Nam.
Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam vẫn diễn biễn phức tạp. Với nhu cầu sử dụng dịch truyền Dextran từ các cơ sở khám chữa bệnh tính đến ngày 31/8, có 32 đơn vị đề xuất nhu cầu là 13.708 túi Dextran 40 và cam kết nhận hàng. Ngoài ra, 25 đơn vị đề xuất với số lượng 17.537 túi dextran.
Để kịp thời cung cấp thuốc chống sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, Cục Quản lý dược đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng đối với các thuốc chứa Dextran 40 hoặc Dextran 70.
Sau khi tìm được nguồn cung ứng, các đơn vị liên hệ với các cơ sở khám chữa bệnh để xác định nhu cầu, ký hợp đồng và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu về Bộ Y tế.
Đồng thời, các đơn vị cần cung ứng đầy đủ thuốc theo dự trù của các Sở Y tế, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc bộ khi nhập khẩu được thuốc và báo cáo về Cục Quản lý dược về tình hình nhập khẩu.
Việt Hương (T/h)