Hàng loạt trường học ở Ninh Bình vẫn phải đóng cửa do mưa lũ
Ông Đinh Văn Khâm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình cho biết trên VOV ngày 13/9 , hiện nay, do tình hình mưa lớn trên diện rộng gây ngập úng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, nhiều tuyến đường đã bị ngập, nước chảy xiết.
Các đơn vị, trường học đã bám sát các văn bản chỉ đạo về việc tập trung ứng phó với tình hình mưa lũ do cơn bão số 3 gây ra, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để chủ động ứng phó. Tăng cường kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn cơ sở vật chất, có phương án để phòng lũ, lụt, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, đô thị.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, tính đến ngày 13/9, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 86/477 cơ sở giáo dục đã chủ động cho học sinh nghỉ học đến khi nước rút, trong đó có 64 trường phải cho tất cả học sinh nghỉ học.
Vào khoảng 18h ngày 12/9 tại tuyến đê hữu Đáy km 16+830 đến 17+ 600 xuất hiện điểm rò nước từ tường kè chắn sóng thuộc tuyến đê trên.
Qua kiểm tra của UBND thành phố Ninh Bình, UBND phường Đông Thành và các cơ quan chuyên môn phát hiện 4 điểm dò tại vị trí trên và xác định, đây là điểm rò rỉ nước qua khe lún tường kè chắn sóng, không làm mất an toàn tuyến đê. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN phường Đông Thành đã thông báo để cán bộ và nhân dân được biết.
Theo cơ quan Khí tượng thủy văn Ninh Bình, hiện mực nước trên sông Đáy tại Ninh Bình biến đổi chậm. Lúc 22 giờ ngày 12/9/2024, mực nước đo được là 4,19 m (trên báo động 3: 0,69 m). Dự báo, trong 12-24 giờ tới, mực nước trên sông Đáy tại Ninh Bình tiếp tục biến đổi chậm, sau lên ở mức 4,20 m.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN phường Đông Thành đã thông báo để Nhân dân được biết, tránh tình trạng thông tin không chính xác, gây hoang mang lo sợ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt.
49 bệnh viện tại TP.HCM sẵn sàng nhân lực chi viện 9 tỉnh miền Bắc
Theo Tuổi trẻ, ngày 13/9, Sở Y tế TP.HCM cho biết các bệnh viện đã sẵn sàng nhân lực hỗ trợ 9 tỉnh, thành phía Bắc bao gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Hòa Bình.
Sở Y tế đã phân công các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của TP “bắt cặp” với các bệnh viện quận, huyện sẵn sàng nguồn nhân lực chi viện cho công tác y tế cộng đồng khi lũ rút và khi nhận được đề nghị chi viện nhân lực của Sở Y tế các tỉnh, thành phía Bắc theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Mặt khác, ngành y TP sẵn sàng nguồn nhân lực chuyên khoa hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh phía Bắc trong công tác khám, chữa bệnh.
“Ngành y tế TP trân trọng ghi nhận và cảm ơn sâu sắc sự chia sẻ và giúp đỡ của các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Bắc đã hỗ trợ ngành y tế TP trong đại dịch COVID-19 vừa qua.
Ngành y tế TP hy vọng đóng góp một chút tấm lòng ủng hộ người dân trong cơn bão lũ”, Sở Y tế nhấn mạnh.
Lào Cai: Một sản phụ đi bộ 40 km đường rừng đến bệnh viện sinh con
Theo báo Lào Cai, sáng 12/9, cơn đau chuyển dạ xuất hiện, sản phụ S.T.S., thôn Nậm Dìn, xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên đã đến trạm y tế xã khám, tư vấn, kiểm tra các dấu hiệu của cuộc sinh nở. Nhưng do có sẹo mổ cũ không thể sinh thường tại trạm y tế, đồng thời, do mưa lũ, giao thông bị chia cắt, các phương tiện không thể tiếp cận để đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, không còn cách nào khác, chị S. cùng chồng quyết định băng rừng, vượt suối, đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà sinh con.
Sau 14 giờ đồng hồ (từ 6 giờ đến 20h ngày 12/9) và vượt qua 40km đường rừng hiểm trở, trơn trượt, chị S. đã đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà.
Chị S. đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà trong tình trạng mệt mỏi, đôi chân có nhiều vết thương và được các bác sĩ trực nhanh chóng tiến hành ca phẫu thuật cấp cứu.
Sau 30 phút căng thẳng, tiếng khóc chào đời của bé gái nặng 3 kg vang lên, cả kíp phẫu thuật và vợ chồng sản phụ S. Ôm con vào lòng, những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má chị S., đó là khoảnh khắc thiêng liêng mà ekip trực hôm đó sẽ nhớ mãi.