+Aa-
    Zalo

    Tin thế giới mới nhất ngày 7/10/2017

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin thế giới mới nhất ngày 7/10/2017. Cập nhật tin thế giới mới nhất ngày 7/10/2017 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin thế giới mới nhất ngày 7/10/2017. Cập nhật tin thế giới mới nhất ngày 7/10/2017 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tây Ban Nha xin lỗi người dân Catalonia vì bạo lực của cảnh sát

    Báo Tri thức trực tuyến dẫn nguồn tin theo Reuters ngày 6/10, đại diện chính phủ Tây Ban Nha tại Catalonia, ông Enric Millo, trong một cuộc phỏng vấn cho biết: "Khi nhìn thấy hình ảnh, những người bị đánh, xô đẩy, thậm chí phải nhập viện, tôi chỉ biết tiếc nuối và thay mặt những ai gây ra điều ấy gửi lời xin lỗi tới mọi người".

    Cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10 của người dân Catalonia chìm trong bạo lực. Ảnh: AFP.

    Đây là lần đầu tiên một quan chức chính phủ Tây Ban Nha xin lỗi người dân xứ Catalonia sau vụ đụng độ hôm 1/10.

    Sáng 1/10, người dân Catalonia đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý nhằm quyết định việc độc lập cho vùng tự trị này. Cuộc trưng cầu dân ý do chính quyền Catalonia tổ chức và bị chính phủ Tây Ban Nha cho là bất hợp pháp.

    Cảnh sát chống bạo động Tây Ban Nha đã triển khai đến Catalonia và đi thu các thùng phiếu cũng như giấy tờ bầu cử tại các điểm bỏ phiếu ở Catalonia.

    Theo kết quả do chính quyền Catalonia công bố, hơn 90% số cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10 ủng hộ tuyên bố độc lập của xứ tự trị này. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 43% trong tổng số 5,3 triệu cử tri hợp pháp tại Catalonia tham gia cuộc bỏ phiếu.

    Cuộc trưng cầu dân ý đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên và làm dấy lên nguy cơ về bạo lực và bất ổn tại khu vực giàu có này. Catalonia là vùng giàu có nhất Tây Ban Nha, chiếm 16% dân số và 20% quy mô nền kinh tế.

    Bà Yingluck cân nhắc xin tị nạn chính trị ở 3 nước

    Báo Dân trí đưa tin, ngày 6/10, hãng tin Nation dẫn nguồn tin từ nhóm cố vấn luật của bà Yingluck cho biết, bà hiện tạm trú ở Anh theo thị thực du lịch. Tuy nhiên, nguồn tin từ chối nêu rõ bà sử dụng hộ chiếu nào.

    Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra (Ảnh: AFP)

    Cũng theo nguồn tin này, mặc dù cân nhắc xin tị nạn chính trị tại một trong ba nước gồm Anh, Pháp, Đức, song Anh vẫn là ưu tiên hàng đầu của bà bởi anh trai Thaksin có căn hộ tại đây.

    “Bà Yingluck vẫn ổn. Bà ấy nấu ăn cùng với những người bạn thân thiết ghé thăm. Tuy nhiên, hiện tại bà vẫn quyết định im lặng”, nguồn tin cho biết.

    Tòa án tối cao Thái Lan tháng trước đã ra phán quyết kết án 5 năm tù đối với bà Yingluck với cáo buộc lơ là trách nhiệm trong chương trình trợ giá lúa gạo, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho chính phủ Thái Lan.

    Để hoàn tất đơn xin tị nạn chính trị, bà Yingluck phải chờ đến khi tòa án đưa ra phán quyết hoàn thiện dự kiến trong vài ngày tới. Khi đó, nhóm cố vấn pháp lý của bà Yingluck sẽ sử dụng phán quyết chi tiết đó làm lý do để xin tị nạn chính trị.

    “Chúng tôi cần chứng minh bà Yingluck bị đe dọa, rằng bà ấy không an toàn khi ở Thái Lan”, nguồn tin giấu tên trong nhóm pháp lý cho biết.

    Trong khi đó, theo Nation, Văn phòng Sở ngoại vụ Bộ Tư pháp Thái Lan chuẩn bị lập tổ chuyên trách đề nghị dẫn độ đối với bà Yingluck. Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng cân nhắc thu hồi hộ chiếu của bà Yingluck.

    Chính phủ Campuchia đề nghị giải tán đảng đối lập

    Theo tin tức trên báo VnExpress, ngày 6/10, Reuters dẫn lời Ky Tech, một trong các luật sư chính phủ, nói: "Hôm nay, chúng tôi nộp đơn kiện lên Tòa án tối cao, đại diện cho Bộ Nội vụ, để đề nghị giải tán đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP)".

    Ông Kem Sokha (trái) bị cảnh sát bắt với cáo buộc phản quốc. Ảnh: AFP.

    Trong đơn kiện nộp, các luật sư cho rằng phe đối lập đã thông đồng với người nước ngoài để lật đổ chính phủ. Họ viện dẫn đoạn video năm 2013, trong đó Kem Sokha, lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP), nói chuyện về kế hoạch chiếm quyền lực với sự trợ giúp của người Mỹ.

    Động thái nhằm giải thể CNRP diễn ra sau khi ông Sokha bị cáo buộc phản quốc và bị bắt hôm 3/9. Hơn 20 nghị sĩ đảng này, trong đó có phó Chủ tịch Mu Sochua, trong một tháng qua đã tháo chạy khỏi Campuchia, sau khi Thủ tướng Hun Sen đe dọa tống giam nhiều thành viên phe đối lập vì âm mưu lật đổ chính phủ.

    Đại sứ quán Mỹ không thể bình luận về đơn kiện của chính phủ Campuchia hôm nay, nhưng trước đó bác bỏ các cáo buộc liên quan đến Kem Sokha.

    Nếu Tòa án Tối cao xác định đảng đối lập vi phạm Luật về các đảng chính trị, CNRP sẽ không chỉ bị giải tán, mà lãnh đạo đảng sẽ bị cấm tham gia chính trị trong vòng 5 năm.

    5 tháng trước bầu cử Nga, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin bất ngờ giảm

    Báo Công an nhân dân thông tin, TASS ngày 6/10 dẫn thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu Dư luận toàn Nga cho biết, các kết quả khảo sát được công bố gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ của công chúng Nga dành cho các chính sách của Tổng thống Vladimir Putin vào cuối tháng 9 đạt 82,2%, giảm nhẹ từ mức 85,3%.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RT

    Báo cáo cũng cho biết, tỉ lệ người không ủng hộ công việc của tổng thống tăng từ 9% hồi đầu tháng 9 lên 10,6% vào cuối tháng.

    Cũng theo bản báo cáo, Thủ tướng Medvedev và Chính phủ của ông vẫn đạt tỉ lệ ủng hộ ổn định từ người dân Nga. Cụ thể, khoảng 53,6% người dân được hỏi cho biết họ đánh giá tích cực về các hoạt động của đương kim Thủ tướng Nga, trong khi Chính phủ Nga đạt mức ủng hộ khoảng 58,7%.

    Kết quả này được công bố trong bối cảnh chỉ 5 tháng nữa, nước Nga sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống cho nhiệm kỳ 2018-2024. Hiện Tổng thống Putin vẫn chưa công bố liệu ông có ra tranh cử hay không.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong suốt 17 năm nắm giữ những cương vị đứng đầu nước Nga (13 năm làm Tổng thống và 4 năm làm Thủ tướng), đã đem lại nhiều thay đổi quan trọng cho nước Nga.

    Nga chỉ trích Mỹ gây áp lực với các hãng truyền thông

    TTXVN đưa tin, ngày 6/10, phát biểu với phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ một số cơ quan truyền thông của Nga đang phải đối mặt với "áp lực chưa từng có tiền lệ" khi hoạt động tại Mỹ. Ông chỉ trích hành động của Washington là một sự vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do truyền thông, đồng thời cảnh báo nếu tình trạng này tiếp diễn, Moskva không loại trừ khả năng sẽ có hành động "phù hợp với nguyên tắc đáp trả".

    Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Sputnik/ TTXVN

    Trong khi đó, truyền thông Nga đưa tin một số công tố viên nước này đang cân nhắc các biện pháp trả đũa đối với truyền thông Mỹ. Trước đó một ngày, cơ quan chức năng của Nga cho biết có cơ sở để tin rằng kênh truyền hình CNN đang vi phạm luật truyền thông của Nga về vấn đề kỹ thuật và đã ra một cảnh cáo chính thức.

    Trước đó, ngày 1/10, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố tương tự, cảnh báo Moskva có thể cân nhắc áp dụng các biện pháp đáp trả nếu Washington tiếp tục gây sức ép đối với các cơ quan truyền thông Nga tại Mỹ. Bộ trên khẳng định nếu phía Mỹ tạo ra những tình huống khiến cho các phóng viên Nga bị đe dọa do các hoạt động tác nghiệp của mình, thì những biện pháp trả đũa sẽ được áp dụng. Ngoài tập đoàn truyền thông RT, các hãng TASS, Sputnik cùng nhiều tờ báo và nhà báo của Nga cũng bị cản trở hoạt động tại Mỹ.

    Nguyễn Hà(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-the-gioi-moi-nhat-ngay-7102017-a204371.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan