Tin thế giới mới nhất ngày 19/9: Triều Tiên: Trừng phạt càng nhiều, chương trình hạt nhân càng tiến tới; Đánh bom liều chết tại Nigeria khiến ít nhất 15 người tử vong; Nga, Trung Quốc tập trận ở cửa ngõ bán đảo Triều Tiên;...
Triều Tiên: Trừng phạt càng nhiều, chương trình hạt nhân càng tiến tới
Báo Tri thức trực tuyến đưa tin, ngày 18/9, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này cho biết Mỹ và Liên Hợp Quốc càng áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên, nước này sẽ càng đẩy mạnh chương trình hạt nhân.
Tên lửa do Triều Tiên phóng hôm 15/9 đã bay quãng đường 3.700 km, rơi xuống Thái Bình Dương ở vị trí cách đảo Hokkaido của Nhật 2.200 km. Ảnh: Reuters. |
Các biện pháp trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt là "những hành động thù địch ác độc, vô đạo đức và vô nhân tính nhất nhằm bóp chết nhân dân Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, chưa nói gì đến hệ thống và chính phủ", Reuters dẫn lời người phát ngôn tuyên bố.
Hồi đầu tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết mới siết chặt các biện pháp cấm vận đối với Triều Tiên về xuất khẩu và năng lượng. Các biện pháp cấm vận mới sẽ cắt giảm mạnh nguồn thu ngoại tệ và nguồn cung năng lượng cho Triều Tiên, xương sống của chương trình tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.
Đánh bom liều chết tại Nigeria khiến ít nhất 15 người tử vong
TTXVN dẫn nguồn theo AFP, ngày 18/9, một nhân viên cứu hộ thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Hỗn hợp Dân sự Nigeria cho biết ít nhất 15 người đã thiệt mạng khi hai kẻ đánh bom liều chết thực hiện cuộc tấn công nhằm vào dân thường đang nhận viện trợ ở khu vực Đông Bắc nước này.
Người dân Nigeria tại khu vực Rann, đông bắc Nigeria ngày 29/7. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Nguồn tin trên nêu rõ: “Vụ đánh bom liều chết kép xảy ra vào lúc 11 giờ 10 phút sáng 18/9 (giờ địa phương) tại làng Mashalari (gần Konduga), khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và 43 người khác bị thương."
Tháng trước, các đối tượng đánh bom liều chết được cho là của Boko Haram đã sát hại ít nhất 27 người và làm 83 người bị thương tại miền Đông Bắc Nigeria.
Theo quan chức địa phương, một đối tượng đánh bom liều chết đã cho nổ tung thân mình, cướp đi sinh mạng của 27 người tại một khu chợ ở làng Konduga, gần Maiduguri, điểm nóng của cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ và Boko Haram.
Nga, Trung Quốc tập trận ở cửa ngõ bán đảo Triều Tiên
Báo Dân trí thông tin, ngày 18/9, Tân Hoa Xã cho biết, cuộc tập trận hải quân chung giữa Nga và Trung Quốc chính thức bắt đầu vào ngày 18/9 tại khu vực giữa vịnh Peter Đại đế, bên ngoài cảng Vladivostok gần biên giới Nga - Triều và kéo dài tới phía nam biển Okhotsk, gần với phía Bắc Nhật Bản.
Tàu Trung Quốc tại cảng Vladivostok, Nga (Ảnh: SCMP) |
Cuộc diễn tập là phần thứ hai trong kế hoạch tập trận hải quân Nga - Trung năm 2017. Phần thứ nhất đã diễn ra tại biển Baltic hồi tháng 7. Bài báo không đề cập cuộc tập trận lần này có liên quan tới căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, quân đội 2 nước sẽ diễn tập các nhiệm vụ chống tàu ngầm, tấn công hải quân nhằm tăng cường khả năng tác chiến của quân đội Nga và Trung Quốc, cũng như tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga. Theo tuyên bố trên trang web của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Bắc Kinh đã điều động tàu khu trục tên lửa, tàu cứu hộ và tàu cứu hộ tàu ngầm với trực thăng vận tải… đến tham gia diễn tập.
Phát biểu về cuộc tập trận, ông Zhang Junshe, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân thuộc PLA, chia sẻ với Global Times rằng: “Cuộc tập trận chung ở khu vực giữa biển Nhật Bản và gần Vladivostok đã được lên kế hoạch tháng trước. Nó không nhằm vào bất cứ bên nào và cũng không liên quan đến vấn đề hạt nhân của Bán đảo Triều Tiên”.
Theo Li Jie, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, tuy cuộc tập trận không liên quan tới vấn đề Triều Tiên nhưng đây là động thái thể hiện khả năng và quyết tâm của 2 bên trong việc đảm bảo an ninh trong khu vực.
Hiện tại, cả Trung Quốc và Nga đều giữ vững lập trường kêu gọi giải pháp hòa bình và đối thoại cho vấn đề Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp phóng thử tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản cũng như thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 gần đây và cũng là lần mạnh nhất trong lịch sử nước này.
Mỹ điều 6 oanh tạc cơ, chiến đấu cơ diễn tập trên bán đảo Triều Tiên
Tin tức trên báo Thanh niên. Theo một nguồn tin chính phủ Hàn Quốc.Hai máy bay ném bom chiến lược B-1B và 4 chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới F-35 của Mỹ ngày 18/9 diễn tập tấn công trên bầu trời bán đảo Triều Tiên.
Oanh tạc cơ Mỹ B-1B (lớn) và chiến đầu cơ Hàn Quốc F-15K tập trận trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Nguồn tin tiết lộ thêm với Yonhap rằng tham gia cuộc diễn tập còn có 4 chiến đấu cơ F-15K của Hàn Quốc. Sau khi cuộc huấn luyện kết thúc, số máy bay B-1B và F-35 lần lượt trở về các căn cứ ở đảo Guam (Mỹ) và Nhật Bản.
Động thái này được cho là nhằm thị uy, cảnh báo CHDCND Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng hôm 15.9 phóng tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Giới chuyên gia cho rằng đợt thử tên lửa này cho thấy tên lửa Triều Tiên có khả năng đặt đảo Guam trong tầm bắn.
Hồi tháng 7, Triều Tiên đã 2 lần phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), với tầm bắn có thể vươn tới đất liền của Mỹ. Trong báo cáo trình quốc hội ngày 18.9, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đang tiến gần tới giai đoạn cuối cùng của việc phát triển ICBM, theo Yonhap.
Nga chỉ trích Mỹ về lựa chọn quân sự với Triều Tiên
Theo báo VnExpress, ngày 18/9, Tass dẫn tuyên bố của Chủ tịch ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev: "Chắc chắn không có giải pháp quân sự cho vấn đề Triều Tiên. Nếu bất cứ hoạt động quân sự nào được triển khai, giới chức Bình Nhưỡng sẽ đáp trả bằng năng lực thật sự của họ. Tất cả sẽ kết thúc bi thảm, không chỉ đối với khu vực mà là toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ. Do đó, tôi rất lấy làm tiếc về tuyên bố của ông Tillerson".
Chủ tịch ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev. Ảnh: Sputnik. |
Theo ông Kosachev, chừng nào Mỹ và các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn để ngỏ khả năng can thiệp và lật đổ chế độ Triều Tiên thì thật không may, giới chức Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân.
Trước đó Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, trong buổi phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS, đưa ra cảnh báo rằng Washington chỉ còn lại duy nhất biện pháp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên nếu các nỗ lực ngoại giao thất bại.
Ngày 17/9, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cũng cho rằng Mỹ đang nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng biện pháp ngoại giao nhưng cũng có rất nhiều lựa chọn quân sự đang được xem xét.
(Tổng hợp)