Tin thế giới mới nhất ngày 13/9: Mỹ cảnh báo Trung Quốc có thể hứng trừng phạt mới vì Triều Tiên; Ả Rập Xê Út phá âm mưu IS tấn công trụ sở Bộ Quốc phòng; Nga bất ngờ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars;...
Mỹ cảnh báo Trung Quốc có thể hứng trừng phạt mới vì Triều Tiên
Báo VnExpress đưa tin, phát biểu tại một hội nghị phát sóng trên kênh truyền hình CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin ngày 12/9 cho biết Trung Quốc đã nhất trí với các biện pháp trừng phạt "lịch sử" áp đặt lên Triều Tiên mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa thông qua.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin. Ảnh: Reuters. |
"Nếu Trung Quốc không tuân thủ những biện pháp trừng phạt này, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với họ và ngăn họ tiếp cận hệ thống đồng đôla Mỹ cũng như quốc tế", ông Mnuchin nhấn mạnh.
Tuyên bố trên của Bộ trưởng Mnuchin được đưa ra trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 11/9 thông qua dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên do Mỹ soạn thảo.
Lệnh trừng phạt mới cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, hạn chế thuê lao động Triều Tiên tại nước ngoài, yêu cầu các nước thuê lao động Triều Tiên thông báo ngày hết hạn hợp đồng hiện có.
Theo lệnh trừng phạt trên, Triều Tiên được phép nhập khẩu dầu thô với hạn mức 4 triệu thùng một năm, các sản phẩm từ lọc dầu với hạn mức hai triệu thùng một năm.
Nghị quyết còn cho phép các nước kiểm tra tàu nghi chở hàng Triều Tiên bị cấm nhưng trước hết phải được quốc gia sở hữu tàu đó đồng ý.
Ả Rập Xê Út phá âm mưu IS tấn công trụ sở Bộ Quốc phòng
Theo thông tin trên báo Thanh niên, ngày 12/9, Ả Rập Xê Út thông báo đã phá một âm mưu đánh bom của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhắm vào trụ sở Bộ Quốc phòng nước này.
Lực lượng an ninh Ả Rập Xê Út. Ảnh: AFP |
Những nghi can được xác định gồm 2 người Yemen và 2 người Ả Rập Xê Út, theo Reuters dẫn lời quan chức Cơ quan an ninh quốc gia.
Những đối tượng này được huấn luyện sử dụng đai thuốc nổ để tấn công. Trong cuộc triệt phá, lực lượng chức năng cũng thu giữ nhiều loại vũ khí và lựu đạn.
Ngoài ra, Ả Rập Xê Út cũng bắt giữ một nhóm người nghi liên quan đến hoạt động do thám tại nước này. Các đối tượng được cho là có liên lạc với những tổ chức ở nước ngoài như lực lượng Huynh đệ Hồi giáo, nhóm bị Riyadh coi là khủng bố.
"Nhóm người này còn bị cáo buộc liên lạc và nhận hỗ trợ tài chính và những trợ cấp khác từ 2 quốc gia nhằm gây hại Vương quốc Ả Rập Xê Út, làm bất ổn an ninh và đoàn kết quốc gia để chuẩn bị lật đổ chế độ, tạo thuận lợi cho Huynh đệ Hồi giáo", nguồn tin cho biết.
Hiện chưa rõ 2 quốc gia được nhắc đến ở trên là nước nào và hoạt động gián điệp này có liên quan đến âm mưu tấn công Bộ Quốc phòng hay không.
Nga bất ngờ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars
Báo Công an nhân dân dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, 1 quả RS-24 Yars ICBM đã được phóng thành công từ một hầm phóng nằm dưới lòng đất ở trung tâm vũ khoa học vũ trụ Plesetsk của Nga vào tối 12/9 (giờ Hà Nội) trước thời gian từng dự kiến vào cuối tháng 10.
Xe tải chuyên dụng đưa tên lửa RS-24 Yars đến bãi phóng. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
“Vụ thử tên lửa RS-24 Yars ICBM sử dụng năng lượng rắn được trang bị đầu đạn tái nhập độc lập nhiều lần (MIRV) đã được một đơn vị trực thuộc Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga thực hiện thành công”, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận trong một tuyên bố.
Theo tuyên bố, mục đích chính của vụ phóng là xác nhận độ tin cậy của tên lửa.
“Đầu đạn thử nghiệm đã đánh trúng khu vực chỉ định đặt trong trung tâm huấn luyện quân sự trên bán đảo Kamchatka. Số liệu đã được thu thập đầy đủ”, tuyên bố nêu rõ.
Theo Tổng thống Vladimir Putin, Nga đang thực hiện nhanh “quy trình biên chế” Yars ICBM chiếm đến 72% vũ khí nòng cốt của Lực lượng tên lửa chiến lược vào cuối năm 2017.
RS-24 Yars (NATO định danh SS-27 Mod ) được giới thiệu phục vụ Quân đội Nga bắt đầu từ tháng 7-2010. Đó là một phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo Topol-M có thể phóng từ máy phóng di động hoặc hầm phóng.
Tên lửa sử dụng đầu đạn tái nhập không gian nhiều lần và có tầm tấn công lên đến 10.943 km.
Giận dữ vì cấm vận, Triều Tiên dọa 'Mỹ sẽ nếm mùi đau đớn nhất'
Báo Tri thức trực tuyến thông tin, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Han Tae Song ngày 12/9 bác bỏ việc LHQ thông qua cấm vận nghiêm ngặt hơn đối với Triều Tiên, dọa sẽ trả đũa Mỹ vì lệnh trừng phạt mới này.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc trao đổi với báo chí hồi tháng 6/2017. Ảnh: Reuters. |
"Phái đoàn Triều Tiên lên án mạnh mẽ và cực lực phản đối những nghị quyết phi pháp mới nhất của Liên Hợp Quốc", Reuters dẫn lời Đại sứ Han Tae Song khi ông này phát biểu ở một hội nghị về giải trừ quân bị tại Geneva, Thụy Sĩ.
Đại sứ Han cáo buộc Washington bị ám ảnh về những "đối đầu chính trị, kinh tế và quân sự", "ám ảnh về ảo vọng đảo ngược quá trình phát triển lực lượng hạt nhân của Triều Tiên đang ở giai đoạn hoàn thiện".
"Triều Tiên đã sẵn sàng dùng đến các biện pháp cuối cùng. Những hành động trả đũa của chúng tôi sẽ khiến Mỹ phải nếm mùi đau đớn nhất so với những chuyện mà nước này từng trải qua", Đại sứ Han đe dọa.
Trước đó, vào ngày 11/9 (giờ New York), Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết mới siết chặt các biện pháp cấm vận đối với Triều Tiên về xuất khẩu và năng lượng sau vụ thử bom nhiệt hạch mới đây của nước này.
Theo AFP, các biện pháp cấm vận mới sẽ cắt giảm mạnh nguồn thu ngoại tệ và nguồn cung năng lượng cho Triều Tiên, xương sống của chương trình tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.
"HĐBA kỳ vọng vãn hồi ổn định của khu vực Đông Bắc Á, giải quyết vấn đề bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao hòa bình", nghị quyết mới được thông qua tại HĐBA khẳng định.
Nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên là động thái cứng rắn thể hiện sự phản đối của cộng đồng quốc tế trước vụ thử bom nhiệt hạch của nước này hôm 3/9. Đây là lần thứ 8 Liên Hợp Quốc thông qua lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên kể từ khi nước này lần đầu thử nghiệm vũ khí hạt nhân năm 2006.
Thủ tướng Đức bác bỏ việc cấm xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ
Theo TTXVN, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 12/9 đã bác bỏ việc cấm hoàn toàn xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc vận động tranh cử ở Heidelberg ngày 5/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bà giải thích rằng các thương vụ vũ khí như vậy đã bị cấm một phần, song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đồng minh chủ chốt của Đức trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Bà Merkel cho hay Đức sẽ quyết định về những đề nghị mua vũ khí từ phía Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên từng trường hợp cụ thể. Bà Merkel cũng lưu ý rằng không có lý do gì để áp đặt một lệnh cấm đi lại đối với những người Đức tới Thổ Nhĩ Kỳ, song Berlin sẽ để ngỏ các phương án của mình.
Những bình luận của bà Merkel được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói rằng Berlin đã hoãn xuất khẩu hầu hết vũ khí tới Thổ Nhĩ Kỳ do tình hình nhân quyền đang xấu đi tại nước này và quan hệ căng thẳng gia tăng giữa hai nước.
(Tổng hợp)