Cháy xưởng giấy ở bán đảo Thanh Đa, người nhà gọi điện cầu cứu
Báo Dân Trí đưa tin, ngày 9/11 Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) vẫn đang phối hợp với các đơn vị liên quan khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ hỏa hoạn xảy ra tại một xưởng sản xuất giấy ở Bình Quới.
Khoảng 13h cùng ngày, khói lửa bùng lên tại xưởng sản xuất giấy nằm trong hẻm 137 Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh. Phát hiện vụ việc nhiều người dân xung quanh dùng bình chữa cháy mini, dội nước nhưng bất thành. Ngọn lửa nhanh chóng lan rộng, thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn căn nhà trên khóa cửa ngoài không có người bên trong. Một số người dân cho biết, trước khi cháy nghe thấy nhiều tiếng nổ nghi do chập điện.
Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Bình Thạnh đã điều động hàng chục cán bộ chiến sĩ cùng phương tiện chuyên dụng đến hiện trường dập lửa ứng cứu người dân.
Một người đàn ông lớn tuổi vẫn còn bàng hoàng sau khi nghe cuộc điện thoại kêu cứu từ người con đang sinh sống trong hẻm xảy ra vụ cháy. "Lúc đó con tôi điện thoại kêu cứu, bảo cháy lớn nhờ tôi qua phụ chuyển đồ sợ cháy lan. Hoảng quá, tôi chạy xe máy xuống liền, rất may không ai bị sao cả", người này nói.
Căn nhà xưởng nằm sâu trong hẻm nhỏ, lực lượng chức năng phải kéo đường ống nước dài từ ngoài đường chính vào bên trong dập lửa.
Đến 13h30 đám cháy được dập tắt, vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người nhưng khiến nhiều tài sản bị thiêu rụi. Nguyên nhân vụ cháy và con số thiệt hại đang được cơ quan công an điều tra, thống kê.
Bộ GTVT yêu cầu xử lý nhà thầu cao tốc Bắc - Nam để 2 công nhân tử vong
Thông tin từ báo Dân Trí, Bộ GTVT vừa có văn bản chỉ đạo Ban quản lý dự án (PMU) và nhà đầu tư BOT sau vụ tai nạn lao động khiến 2 công nhân tử vong tại dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Trước đó, Bộ GTVT nhận được thông tin khoảng 9h30 ngày 8/11 xảy ra sự việc thi công làm sập cống hộp đường gom của dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (thuộc cao tốc Bắc - Nam qua Nghệ An, Hà Tĩnh).
Vụ việc đã khiến 2 công nhân chấn thương nặng và tử vong tại bệnh viện.
Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án 6 (PMU), nhà đầu tư BOT và các nhà thầu bảo vệ hiện trường, phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết sự cố công trình; tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi các gia đình có người bị nạn.
Bộ cũng yêu cầu chủ đầu tư BOT xem xét đình chỉ đơn vị thi công, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục; ngăn ngừa vụ việc tương tự tái diễn.
PMU 6 chịu trách nhiệm kiểm tra kết quả xử lý, khắc phục sự việc, lưu ý các quy trình kiểm soát chất lượng, tiến độ, an toàn lao động, vệ sinh môi trường của doanh nghiệp BOT, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công.
Bộ GTVT nghiêm khắc phê bình Giám đốc PMU 6, lãnh đạo nhà đầu tư BOT và doanh nghiệp dự án trong việc chậm trễ báo cáo Bộ GTVT về sự cố công trình; yêu cầu các đơn vị trên thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT đối với dự án.
Trước đó, vào tháng 6, Bộ GTVT đã cảnh cáo nhà đầu tư BOT tại chính dự án này sau vụ sập dầm cầu trên nhịp T3-T4 của hạng mục cầu Nghi Mỹ.
Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được đầu tư theo hình thức BOT với Công ty cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng là doanh nghiệp dự án.
Theo quy định hợp đồng BOT đã ký, Phúc Thành Hưng chịu trách nhiệm toàn diện trước cơ quan có thẩm quyền và pháp luật về quá trình thi công xây dựng công trình, quản lý, giám sát thi công, quản lý an toàn giao thông, an toàn lao động trên công trường.
Hơn 200 công nhân ở Bắc Giang bị nợ lương vì ông chủ về Hàn Quốc ăn Tết Trung thu chưa quay lại
Theo báo Dân Trí, báo cáo nhanh của UBND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho hay, ngày 3/11, công nhân Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG (có địa chỉ tại tổ dân phố Tăng Quang, thị trấn Bích Động) phản ánh về việc công ty chậm trả một phần tiền lương tháng 9, 10, chưa đóng tiền bảo hiểm xã hội cho công nhân từ tháng 3/2023 đến nay.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, UBND huyện Việt Yên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện, UBND thị trấn Bích Động xuống cơ sở nắm bắt tình hình.
Theo báo cáo, Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG có 220 lao động, trong đó 217 người là lao động người Việt Nam được công ty đóng bảo hiểm. Hiện số tiền lương tháng 9 công ty đang nợ khoảng 1 tỷ đồng và lương tháng 10/2023 khoảng 2,7 tỷ đồng.
Công ty đã đóng BHXH bắt buộc đến hết tháng 2/2023, đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc hết tháng 8/2023. Hiện tiền nợ đóng các loại bảo hiểm là 2,5 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ việc, báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 2/11, Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG thông báo ngày 3/11 xưởng may mất điện, công nhân nghỉ việc đến khi có tin tức mới và hẹn trả một phần lương vào ngày 3/11. Tuy nhiên, sáng 3/11, khoảng 100 công nhân đến xưởng may để nhận lương như đã hẹn song công ty không cử đại diện thực hiện lời hứa.
Chính phủ yêu cầu kiểm tra dự án đô thị quây núi ở vùng đệm vịnh Hạ Long
Chiều cùng ngày, một phó giám đốc người Việt của doanh nghiệp cho hay tổng giám đốc và phó tổng giám đốc là người Hàn Quốc đã về ăn Tết Trung thu từ rằm tháng tám nhưng đến nay cả hai người chưa quay lại. Qua trao đổi, vị phó giám đốc người Việt nhận tin tổng giám đốc người Hàn Quốc phải trị bệnh dài này, chưa thể trở lại Việt Nam.
Cũng theo báo cáo của UBND huyện Việt Yên, thời gian gần đây, phó giám đốc công ty người Việt nhận tin có thể tổng giám đốc người Hàn Quốc sẽ không sang Việt Nam.
Đại diện doanh nghiệp cũng cho hay, doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn hàng sản xuất chậm, giá hàng may mặc thấp, nợ ngân hàng nhiều, doanh thu không đủ trả lương dẫn tới nợ lương, bảo hiểm xã hội của công nhân.
Hiện UBND huyện Việt Yên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đối thoại, giải quyết kiến nghị của người lao động theo quy định. Phó giám đốc công ty người Việt có trách nhiệm liên hệ lãnh đạo người Hàn Quốc để tháo gỡ, khắc phục tình trạng trên. Trường hợp không liên hệ được thì báo cáo UBND huyện và người lao động để có hướng xử lý.
Nguyễn Linh(T/h)