(ĐSPL) - PV đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV-AIDS (Bộ Y tế), về nguy cơ lây nhiễm HIV của 19 trường hợp y bác sỹ.
- PV: Dưới góc nhìn chuyên môn, xin ông phân tích nguy cơ lây nhiễm của 19 trường hợp đã tiếp xúc trực tiếp khi cấp cứu cho bệnh nhân nhiễm HIV?
- Ông Hoàng Đình Cảnh: Theo các nghiên cứu của khoa học Mỹ, khi kim tiêm đang tiêm cho bệnh nhân HIV mà chọc vào da người khác thì xác suất gây lây nhiễm HIV là 0,3\%, còn khi máu, dịch sinh học của người nhiễm HIV bắn vào mắt, niêm mạc miệng thì xác suất lây nhiễm là 0,1\%. Do vậy có thể khẳng định, trường hợp các y bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tham gia cấp cứu bệnh nhân nhiễm HIV hôm 4-7 vừa qua khả năng lây nhiễm là rất thấp.
Ông Hoành Đình Cảnh |
- Đến nay đã có kết quả xét nghiệm của 19 trường hợp chưa, thưa ông?
- Sau 4 giờ đầu, các trường hợp nghi lây nhiễm đã được điều trị kịp thời, đúng trình tự. Tất cả đều đã được tư vấn, lấy máu xét nghiệm và kết quả xét nghiệm lần 1 đều cho kết quả âm tính. Và theo quy trình, các trường hợp này sẽ tiếp tục được lấy máu xét nghiệm sau 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng.
- Chế độ chăm sóc, chính sách cho những cán bộ y tế bị phơi nhiễm này như thế nào? Trong quá trình chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng, họ có được làm việc không, thưa ông?
- Chúng ta đã có các chính sách với các đối tượng bị phơi nhiễm nghề nghiệp nói chung và phơi nhiễm HIV nói riêng. Cụ thể, những người phơi nhiễm được xét nghiệm, điều trị dự phòng miễn phí, nghỉ 20 ngày nguyên lương để điều trị dự phòng và hưởng một số đãi ngộ theo quy định. Đối với những người nghi phơi nhiễm vẫn làm việc được bình thường.
- Ông có khuyến cáo gì với các y bác sỹ làm ở khoa cấp cứu các bệnh viện?
- Hiện tại, Bộ Y tế đã quy định phải có dụng cụ phòng hộ khi tiếp xúc bệnh nhân. Trong ngành y tế, hàng ngày các y bác sỹ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên như chúng ta đã biết, lính cứu hỏa nhiều khi phải lao vào lửa mà chưa kịp mặc áo bảo hộ. Đối với cán bộ y tế cũng vậy, trong những tình huống cấp cứu, có thể vì bản năng và trách nhiệm nghề nghiệp, họ lao vào cứu bệnh nhân mà đôi khi chưa kịp được bảo hộ. Do vậy trên thực tế, chúng ta có tỷ lệ phơi nhiễm HIV-AIDS là không nhỏ. Hàng năm có hàng trăm, hàng nghìn cán bộ y tế bị phơi nhiễm HIV-AIDS, nhưng tỷ lệ bị nhiễm rất thấp.
- Xin cảm ơn ông!
Theo An ninh thủ đô