(ĐSPL) - Với mức lãi suất cao ngất ngưởng, không ít người vay tiền của “tín dụng đen” đã rơi vào cảnh màn chời chiếu đất, phải chạy vạy từng ngày trả nợ, thậm chí không ít người phải bỏ trốn hay thậm chí là tự tử.
[mecloud]hW4PuPLAQW[/mecloud]
Tín dụng đen là gì?
Có thể hiểu tín dụng đen là dạng huy động và cho vay tín dụng không thông qua hệ thống Ngân hàng, không đăng ký kinh doanh cũng như chưa được cấp phép và chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào.
Tín dụng đen có lãi suất huy động và cho vay cao, thủ tục thực hiện đơn giản so với các hoạt động tín dụng của các Ngân hàng. Trong bối cảnh nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái, hệ thống các Ngân hàng thiếu tin tưởng trong vấn đề cho vay tiền đối với người dân với tâm lý lo ngại sự gia tăng nợ xấu, thậm chí là mất vốn, cùng với các thủ tục, điều kiện khắt khe dẫn đến không ít người dân đã tìm đến tín dụng đen thay vì tìm đến Ngân hàng.
Với mức lãi suất cao ngất ngưởng, không ít người vay tiền của “tín dụng đen” đã rơi vào cảnh màn chời chiếu đất, phải chạy vạy từng ngày trả nợ, thậm chí không ít người phải bỏ trốn hay thậm chí là tự tử.
Với mức lãi suất cao ngất ngưởng, không ít người vay tiền của “tín dụng đen” đã rơi vào cảnh màn chời chiếu đất. |
Tín dụng đen phát triển như thế nào tại Việt Nam?
Theo thống kê chưa đầy đủ trong một hội thảo của Bộ Công an tổ chức, từ năm 2010-2014, cả nước liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên đến hàng nghìn tỉ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức.
Đặc biệt, liên quan đến “tín dụng đen” là 6.367 vụ việc, trong đó có 41 vụ giết người; 318 vụ cố ý gây thương tích; 588 vụ cướp tài sản; 1.089 vụ cưỡng đoạt tài sản; 1.707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 2.496 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; 104 vụ hủy hoại tài sản...
Ngoài ra, “tín dụng đen” còn mang lại những hệ luỵ khác như các hành vi bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác, các vi phạm pháp luật về cầm cố, thế chấp tài sản...
Theo đánh giá, các loại tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến “tín dụng đen” xảy ra liên tiếp ở nhiều địa bàn trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả những vùng quê hẻo lánh, miền núi làm cho nhân dân hoang mang, bất bình, giảm niềm tin vào các tổ chức tín dụng, các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan.
Do đó, lực lượng Công an cùng các ngành có liên quan đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tài chính, tiền tệ nói chung, hoạt động “tín dụng đen” nói riêng.
Theo đó đã làm rõ và khởi tố 5.839 vụ, 10.885 bị can liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó có 41 vụ giết người, hàng nghìn vụ cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hủy hoại tài sản...
Tuy nhiên, hoạt động đấu tranh, phòng ngừa còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc vì những kẽ hở pháp luật trong quy định đối với loại tội phạm này.
Quy định pháp luật về tội cho vay nặng lãi
Điều 476 Bộ Luật Dân sự hiện hành quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150\% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Trần lãi suất 150\% so với lãi suất cơ bản được áp dụng từ 2005, với mục đích chống cho vay nặng lãi, bảo đảm quyền lợi của bên đi vay.
Như vậy, theo quy định trên của Bộ luật Dân sự thì nếu lãi suất cho vay vượt quá 150\% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng thì gọi là “cho vay nặng lãi”. Khi có tranh chấp xảy ra thì pháp luật không bảo vệ quyền lợi của bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150\% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.
Pháp luật về ngân hàng nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, tức là hoạt động vay vốn và cho vay. Thế nhưng, pháp luật lại không có quy định về hoạt động cho vay ngoài hệ thống ngân hàng, không xác định được ranh giới để phân biệt giữa hoạt động vay vốn hợp pháp và bất hợp pháp ở ngoài ngân hàng.
Trên thực tế, không phải hoạt động cho vay dân sự nào cũng là bất hợp pháp. Nếu theo đúng quy định, lãi suất cho vay dân sự không được vượt quá 150\% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với kỳ hạn cho vay tương ứng. Nếu chiểu theo quy định này thì gần như 100\% các hợp đồng vay tiền ở ngoài ngân hàng đều phạm luật.
Bộ luật Hình sự có một điều luật về tội cho vay nặng lãi, Điều 163 quy định về Tội cho vay nặng lãi như sau: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì phạm tội cho vay nặng lãi.
Như vậy có thể hiểu, quá 1,5 lần theo Bộ Luật Dân sự là cho vay nặng lãi, nhưng phải quá 10 lần thì mới bị truy tố. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về hành vi cho vay “có tính chất chuyên bóc lột” và hưởng lợi bất chính bao nhiêu thì mới bị coi là cho vay lãi nặng…
NGỌC ANH(Tổng hợp)