(ĐSPL) - Theo tin tức mới nhất từ TTKTTV TƯ, cơn bão số 4 (bão Mujigae) có khả năng mạnh lên cấp 11, gây sóng biển cao 3-5m.
Hồi 20 giờ ngày 2/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ vĩ Bắc; 117,8 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 100km một giờ), giật cấp 11-12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 3/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 113,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (tức là từ 100 đến 135km một giờ), giật cấp 14-15.
Tin bão số 4 mới nhất tối 2/10: Có khả năng mạnh thêm, giật cấp 11 |
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14-15. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Đến 19 giờ ngày 4/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 100 đến 120km một giờ), giật cấp 12-13.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14-15. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.
Khẩn trương công tác ứng phó với bão Mujigae:
Trước diễn biến nhanh và phức tạp của cơn bão số 4, vào cuối giờ chiều nay (2/10), Ban Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia TKCN đã có công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương ứng phó với bão số 4.
Theo công điện, dự báo bão số 4 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình, gây mưa vừa, mưa to cho các tỉnh/thành phố khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Do đó, Ban Chỉ đạo TWPCTT- Ủy ban Quốc gia TKCN đề nghị Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố, các bộ theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo của bão, thông báo kịp thời, đầy đủ cho các phương tiện, ngư dân hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tập trung theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn sắp xếp, neo đậu đảm bảo an toàn đối với các tàu thuyền đã vào bờ; các địa phương căn cứ diễn biến của bão để chủ động xác định thời điểm cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi.
Bằng mọi biện pháp thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và đến từng hộ dân diễn biến của mưa, bão để chủ động các biện pháp ứng phó: tổ chức chằng chống nhà cửa, công trình, chặt tỉa cành cây đề phòng gió lớn gây thiệt hại; kiểm tra và sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn cho người đang sinh sống ở ven biển, trên các đảo, các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, ven sông suối, vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực hầm lò, khai thác khoáng sản.
Chủ động vận hành các trạm bơm tiêu, công tiêu để tiêu úng, huy động lực lượng và phương tiện tranh thủ thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Thông báo cho các chủ đầu tư và đơn vị có công trình đang thi công, chủ các phương tiện vận tải thủy biết thông tin về diễn biến của bão và mưa lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và phương tiện.
Kiểm tra, rà soát sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ chứa nước, các công trình phòng chống thiên tai. Tổ chức cảnh báo, kiểm soát, hướng dẫn tại các ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Các bộ, ngành theo chức năng chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão lũ; duy trì lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; Bộ GTVT bố trí lực lượng sữn sàng ứng trực tại các khu vực dễ bị sạt lở, chia cắt để kịp thời khắc phục bảo đảm giao thông khi có tình huống xảy ra; Bộ TTTT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động các biện pháp đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi trường hợp phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và ứng phó với lũ, bão.
AN LÊ(tổng hợp)
Video Tin tức đang được xem nhiều:
[mecloud]yPxsTtBG9w[/mecloud]