(ĐSPL) - CSGT đã tìm ra tài xế lái taxi đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Đồng thời ra quyết định xử phạt 7 triệu đồng, tước GPLX 5 tháng đối với hành vi vi phạm.
Lãnh đạo Đội CSGT số 2, Cục CSGT (C67 – Bộ Công an), đơn vị quản lý cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho biết, đơn vị này đã tìm và xử lý tài xế taxi đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng gây xôn xao dư luận.
Hình ảnh chiếc xe taxi chạy ngược chiều trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. |
Theo thông tin ban đầu, tài xế taxi chạy ngược chiều tên Cường, 30 tuổi, quê ở Hà Nội.
Theo thông tin từ Đội CSGT số 2, sự việc xảy ra vào hồi 10h50 sáng ngày 4/1. Vào thời điểm trên, thời điểm trên chiếc taxi màu trắng dán nhãn của hãng taxi Group mang biển kiểm soát 30A- 2637 chạy ngược chiều từ km9 về km2 hướng Hà Nội – Hải Phòng. Tuy nhiên, do bị lạc đường nên tài xế đã “đánh liều” đi ngược chiều.
“Với lỗi vi phạm như trên theo quy định chúng tôi đã xử phạt hành chính 7 triệu đồng và tước bằng lái 5 tháng đối với tài xế xe taxi.
Trước đó sự việc được đăng tải trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc với hành động chạy ngược chiều trên cao tốc của tài xế taxi.
Trao đổi với PV, đại diện hãng taxi Group xác nhận trường hợp lái xe taxi đi ngược chiều trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Đại diện taxi Group cho cho biết, ngay sau khi tiếp nhận được thông tin trên, hãng đã cho mời tài xế về để làm việc. Trước mắt, hãng taxi Group đã yêu cầu lái xe tường trình làm rõ sự việc. Đồng thời, công ty cũng phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý hành vi vi phạm của lái xe.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) 1. Hoạt động giao thông đường bộ phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. 2. Phát triển giao thông đường bộ theo quy hoạch, từng bước hiện đại và đồng bộ; gắn kết phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác. 3. Quản lý hoạt động giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp. 4. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 5. Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. 6. Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet nên chỉ mang tính tham khảo. |