(ĐSPL) - Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, mỗi năm trên thế giới. tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng 1,25 triệu người và hơn 50 triệu người lâm vào thương tật, nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 2,5% GDP. Đây là thách thức của mỗi quốc gia, Chính phủ, tổ chức và công dân.
Theo tin trên báo An ninh thủ đô, tại Hội nghị an toàn giao thông toàn quốc diễn ra sáng 22/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu, phải tìm ra căn nguyên, nguyên nhân gốc của TNGT để kéo giảm TNGT trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng cho biết, những năm qua, TNGT liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011 - 2015, số người chết do TNGT đã giảm trên 12.500 người so với giai đoạn 2006 - 2010; năm 2016 TNGT vẫn tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí.
Tuy nhiên, tình hình ATGT ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, TNGT vẫn ở mức cao. Mỗi ngày, trung bình còn 24 người chết và gần 60 người bị thương tật vĩnh viễn do TNGT.
“Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, xây dựng văn hóa giao thông để khắc phục, kiềm chế và đẩy lùi TNGT, ùn tắc giao thông” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai đề nghị chỉ cho phép đăng ký một loại biển số xe - Ảnh minh họa. |
Dù TNGT đang có xu hướng giảm, nhưng để giảm được 50% số người chết vào năm 2020 là một nhiệm vụ khó khăn, nhất là trong bối cảnh, phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân còn thấp, sự phối hợp giữa các bộ, ngành quản lý Nhà nước còn kém nhịp nhàng, hiệu quả.
Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, theo thống kê, có đến nửa triệu người bị tước Giấy phép lái xe nhưng không đến giải quyết. “Điều này chứng tỏ, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa tốt, vì vẫn có những trường hợp 1 người có đến 2-3 bằng lái xe hay xe đã hết hạn kiểm định nhưng vẫn lưu thông, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa…” - Thiếu tướng Trần Sơn Hà nói.
Cũng theo vị Cục trưởng Cục CSGT, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi phải quy định rõ ràng trách nhiệm của từng bộ, ngành để tránh tình trạng “hầm bà lằng”, không rõ trách nhiệm bên nào. Thiếu tướng Trần Sơn Hà đề xuất, với Luật Giao thông đường bộ sửa đổi lần này, có thể xem xét tách thành 2 luật: một luật về ATGT và một luật về đường bộ.
Liên quan đến vấn đề này, VTC News đưa tin, trong phần thảo luận về nội dung Quản lý Nhà nước về ATGT, các đại biểu, chuyên gia đã có nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi Luật giao thông đường bộ.
Ông Trần Ngọc Sơn – Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai đề nghị chỉ cho phép đăng ký một loại biển số xe.
“Bây giờ đi ra đường, có xe biển trắng, lại có xe biển xanh, trong biển xanh lại chia ra xe Trung ương, xe địa phương, như thế không bình đẳng. Thực tế, khi lưu thông trên đường nhiều xe biển xanh vi phạm nhưng không bị xử phạt. Vừa qua chúng ta thấy trường hợp khi người dân phát hiện xe biển xanh vi phạm đã rất bức xúc, tập trung truy đuổi để giao cơ quan chức năng” – ông Sơn cho hay.
Theo đề xuất của ông Sơn, chỉ cần đăng ký một màu biển xe, trong đó chia ra các loại xe khác nhau. “Ví dụ như xe con một loại, xe tải một loại. Điều này ở bên Trung Quốc cũng đã làm” – ông Sơn nói.
Đánh giá về ý kiến này, Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an nói: “Tôi rất đồng tình với ý kiến trên. Điều này rất đúng. Bây giờ người dân một biển, Nhà nước một biển, Công an một biển. Nhiều trường hợp xe mang BKS 80 lưu thông trên đường vẫn vi phạm. Ra đường ông nào cũng to cả”.
Người đứng đầu Cục CSGT nêu ví dụ về việc cần xử phạt nghiêm các lái xe vi phạm luật bất kể xe đó mang biển kiểm soát màu nào.
(Tổng hợp)