Đây là hố đen xa nhất từng được phát hiện trong lịch sử chinh phục không gian của nhân loại, tồn tại từ thời điểm vũ trụ chỉ mới 5% số tuổi hiện tại.
Một hố đen khổng lồ với khối lượng gấp 800 triệu lần mặt trời của chúng ta đã được tìm thấy cách đây 13 tỉ năm ánh sáng. Hố đen mới, được đặt tên J1342+0928, yên vị tại tâm của quầng đĩa khí cực sáng ở giữa trung tâm một thiên hà.
Việc phát hiện một hố đen vô cùng già cỗi như J1342+0928 cho phép giới nghiên cứu có thể tìm hiểu giai đoạn mấu chốt trong lịch sử vũ trụ, được gọi là kỷ nguyên Tái ion hóa. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo trên chuyên san Nature, để xác định sự tồn tại của hố đen khổng lồ này, giới thiên văn học phải dùng đến 3 cuộc khảo sát bầu trời trên diện rộng, bao gồm dữ liệu của DECam Legacy Survey thuộc Đài quan sát liên Mỹ Cerro Tololo (Chile); dữ liệu hồng ngoại từ dự án WISE của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và UKIDSS đặt tại bang Hawaii.
Các nhà khoa học hy vọng rằng hố đen mới sẽ giúp làm sáng tỏ một số bí ẩn ngoài không gian, như cách các hố đen đạt được kích cỡ khổng lồ nhanh như thế nào sau vụ nổ Big Bang, hay làm thế nào vũ trụ được làm sạch khói bụi khi trước đó đã phủ đầy không gian.
Được biết, kỷ lục trước đó là ULAS J1120+0641, phải mất 12,9 tỉ năm ánh sáng của nó mới truyền đến các kính viễn vọng của trái đất.
Vũ Đậu (T/h)