Mới đây, Tiktoker Nờ Ô Nô - người có hơn 600 nghìn lượt theo dõi trên Tiktok, đã đăng tải một video với nội dung “Người nghèo ăn gì Nờ ô nô cho ăn đó tập 3003. Theo đó, chỉ sau hơn một ngày, đoạn video của Tiktoker Nờ Ô Nô đã thu hút hơn 3 triệu lượt xem trên nền tàng mạng xã hội này.
Tuy nhiên, câu chuyện từ thiện vốn sẽ nhận được nhiều lời khen thì lại khiến cộng đồng mạng rất bức xúc vì thái độ và những lời lẽ thiếu tế nhị của Tiktoker này vời bà cụ có hoàn cảnh khó khăn trên đường phố.
Mở đầu video, Tiktoker Nờ Ô Nô nói: “Hello (xin chào) bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn.” Không dừng lại ở đó, nam tiktoker này còn có những câu bình luận sau đó như: "Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa", "Bớt nghèo lại đi nha không ai giúp hoài đâu”.
Mục đích của Nờ Ô Nô cho người xem thấy được giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn thông qua bữa ăn mà bà lão mong muốn. Song, với những câu nói đó, anh chàng chịu nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng.
Mục đích của từ thiện là tốt nhưng cách người cho đi như thế nào là một câu chuyện đáng nói. Những hoàn cảnh khó khăn trên đường phố, đặc biệt là người già đã bội phần khốn khổ trong thời tiết lạnh giá.
Nhiều người nhận xét Tiktoker này nên giúp đỡ bà cụ gặp hoàn cảnh đó một cách khéo léo, tế nhị chứ đừng đem sự nghèo khổ của họ lên mạng xã hội một cách thiếu tế nhẹ.
“Những người của thế hệ trước dù không cùng huyết thống, không có công sinh thành dưỡng dục nhưng họ cũng có công góp phần xây dựng môi trường sống cho thế hệ sau”, người dùng Nhân Phương Nam chia sẻ.
“Bây giờ nhiều bạn Tiktoker bất chấp nội dung để câu view, sợ hãi và hoang mang về đạo đức xuống cấp của một bộ phận giới trẻ thật sự!”, người dùng Hoa Lê bức xúc.
“Đã xem hết clip và những câu sau còn khó nghe hơn những câu trước. Sao lại có nhiều người theo dõi và có cả tích xanh vậy chứ!”, người dùng Thanh Hoa cho hay.
Không chỉ câu chuyện của Tiktoker Nờ Ô Nô mà việc từ thiện vẫn gây nhiều tranh luận trái chiều trên mạng xã hội về ranh giới tốt - xấu trong cách hành xử của người đi làm từ thiện. Đó là một một ranh giới mong manh. Một "cách cho" hợp tình, hợp lý sẽ tăng thêm giá trị của món đồ trao đi và ngược lại.
Lâu nay, từ thiện còn được cho là một nét đẹp truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh - nơi vốn có những con người nghĩa tình, bao dung.
Với những người nghèo, họ có lẽ sẽ hiếm khi phàn nàn của "của cho" nhưng những hành động từ thiện với chiều hướng đánh bóng tên tuổi hay có những lời lẽ không phù hợp thì không hiếm. Trên các diễn đàn mạng xã hội còn từng xuất hiện một số trường hợp làm từ thiện bị tố để phục vụ mục đích cá nhân và không thật sự vì người nghèo, có khi còn mắng người nghèo.
Đối với vấn đề từ thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, PGS Nguyễn Thị Xuân Thu từng phát biểu: “Làm từ thiện cũng phải có văn hóa, văn hóa từ thiện, đừng mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi, đánh bóng tên tuổi hay phô trương đạo đức… Của cho không bằng cách cho, cả văn hóa cho nhận cũng cần phải học, cho làm sao để người nhận không bị cảm giác băn ơn, bố thí, nhận làm sao để người cho cảm thấy vui và hạnh phúc. Các cụ ta có câu “làm ơn, nhớ chịu ơn, chớ nên quên” là vậy.”
Nông Thảo Ly, Nhật Duy