Ngày 21/12, Sở Lao động- Thương binh- Xã hội tỉnh Bình Dương thông tin, đã có 1.125 doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo kế hoạch thưởng Tết, báo Pháp luật TP.HCM đưa tin.
Theo đó, dự kiến mức thưởng tết Dương lịch bình quân của các doanh nghiệp là 1,1 triệu đồng, mức thưởng cao nhất là 38 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp đầu tư có vốn nước ngoài.
Đối với thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, mức bình quân doanh nghiệp thưởng cho người lao động hơn 6 triệu đồng, mức thấp nhất là gần 4,7 triệu đồng. Đáng chú ý, Công ty Cổ phần gỗ An Cường (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) thưởng mức cao nhất là 896 triệu đồng.
Ngoài những doanh nghiệp báo cáo có thưởng Tết, thì có 3 doanh nghiệp cho biết vẫn chưa có kế hoạch và 7 doanh nghiệp khẳng định không có thưởng Tết, theo Người Lao Động.
Theo Bộ Luật Lao động 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Thưởng tết không phải là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp. Việc có thưởng hay không, thưởng bao nhiêu, pháp luật hoàn toàn không can thiệp. Điều này phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Người lao động chỉ chắc chắn được thưởng tết nếu có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, hoặc nếu quy chế nội bộ doanh nghiệp có quy định... và phụ thuộc phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và năng suất, hiệu quả công việc của người lao động.
Việt Hương (T/h)