Vietnamnet đưa tin, Công an Đồng Nai cho biết, đơn vị này vừa triệt phá một tổ chức lừa đảo bán “dự án ma” của Nguyễn Văn An (27 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Lộc Phúc có trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM) cùng cả trăm nhân viên.
Bước đầu, các nhân viên khai nhận, từ tháng 6/2022, Công ty Lộc Phúc tổ chức các sàn giao dịch bất động sản “ảo” trên địa bàn Đồng Nai với thủ đoạn tinh vi nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số khách hàng muốn mua nhà đẹp giá rẻ.
Theo đó, Nguyễn Văn An đã xây dựng một tổ chức lừa đảo núp bóng công ty bất động sản. Tổ chức này hoạt động rất tinh vi, có kịch bản, phân công cấp bậc từng người. Cụ thể, An đã thuê hơn 120 nhân viên cùng 20 người khác đóng giả khách hàng. Trong đó, khoảng 100 người là sinh viên, thực tập sinh làm nhân viên cho công ty. An cho người hướng dẫn các sinh viên vào trang mạng xã hội, tìm những căn nhà đẹp ở TP.HCM rồi chụp ảnh, đăng lên website của công ty và trang Chợ tốt để giới thiệu bán cho khách hàng.
Khi nhiều người có nhu cầu mua liên hệ, nhân viên sẽ dùng sim rác (do công ty phát) hẹn gặp tại một quán cà phê rồi đưa tất cả lên xe 52 chỗ, che kín kính cửa, rồi chở thẳng về "dự án" của công ty ở Đồng Nai. Trên xe, các nhân viên tổ chức trò chơi có thưởng để khách hàng phân tâm, không nóng ruột vì quãng đường đi xem nhà đất lại xa khác thường.
Theo điều tra, ngồi lẫn với khách hàng trên xe có nhiều người thất nghiệp, lớn tuổi và những người chuyên đóng vai quần chúng trong các phim truyền hình, có khả năng diễn xuất tốt. Họ được Công ty Lộc Phúc thuê làm AC (gọi là chân gỗ), đưa tiền giả làm người mua bất động sản, tiếp cận khách hàng để tạo sự gần gũi, đồng cảm, rồi lôi kéo, dụ dỗ họ cùng giao dịch.
Đến vị trí “dự án ma” do công ty dựng lên, các nhân viên đưa ra bản vẽ tự thiết kế. Sau đó, “chân gỗ” có nhiệm vụ đồng hành cùng khách hàng. Lúc này, nhân viên công ty vây quanh giới thiệu sản phẩm giá trị cao gấp nhiều lần so với thực tế của lô đất. Nhân viên thúc giục khách hàng xuống cọc còn “chân gỗ” có nhiệm vụ tác động tâm lý, tạo lòng tin cho khách.
Khi khách hàng đồng ý đặt cọc khoảng 100 triệu đồng, công ty sẽ viết biên nhận. "Chân gỗ" đi cùng khách lên ô tô 7 chỗ về công ty. Trưởng phòng kinh doanh, nhân viên tiếp tục tác động khách hàng đặt thêm tiền cọc từ 60% - 70% giá trị giao dịch trên lô đất.
Khi khách hàng muốn được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì buộc phải thanh toán hết số tiền còn lại mới được làm hợp đồng công chứng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, có nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cũng không phải ở vị trí đã được công ty đưa đến xem và đặt cọc lúc đầu mà là ở vị trí cách xa hàng chục km, giá trị thấp hơn rất nhiều. Nếu khách hàng khiếu nại, tố cáo thì nhân viên giao dịch sẽ huỷ sim rác và chặn liên lạc, và không hoàn lại số tiền đã cọc, thông tin từ Vnexpress.
Bằng thủ đoạn này, Công ty Lộc Phúc mua những khu đất nông nghiệp với giá vài trăm triệu đồng, sau đó tự vẽ dự án, rao bán với giá 2-3 tỷ đồng. Cơ quan công an ước tính mỗi tháng công ty này đã chiếm đoạt khoảng 20 tỷ đồng của người dân. Cho tới nay, con số này có thể lên tới hàng trăm tỷ.
Thùy Dung (T/h)