(ĐSPL) - Trong thời kỳ Lê Thị Giỏi là "nhất phẩm phu nhân", bà ta không chỉ "bành trướng" thế lực khắp miền Nam mà còn vươn “vòi bạch tuộc” ra phía Bắc.
Ông Nguyễn Giảng, "nạn nhân" của bà Giỏi phải trốn hai tháng vì... sợ các đầu nậu giết |
Đa mưu túc kế
Cuối năm 1951, nghe lời xúi ngon ngọt của Lê Thị Giỏi, ông Nguyễn Giảng, một nhà buôn ở Hà thành cùng với hai người bạn hợp thành một nhóm, buôn chung thuốc phiện lậu với Giỏi. Song trớ trêu thay, mới “ra quân” lần đầu, cả ba bị mắc “bẫy”. Mắc bẫy mà chẳng được kêu. Và uất ức hơn nữa, bị mất sạch sành sanh. Cả ba tay "thổ địa" Hà thành bị bà Giỏi chơi cho sát ván. Vụ cướp đoạt 200kg á phiện trị giá trên một triệu bạc lúc đó là cả “một thiên lịch sử” khá ly kỳ. Nó dính líu đến rất nhiều người và còn liên quan đến một công sở quan trọng ở nước ngoài.
Đó là dịp lễ “Chúa giáng sinh” năm 1951. Theo quyết định của cố thống De Lattre de Tassigny, Trung tướng De Linarès, nguyên Cộng hòa Ủy viên Bắc Việt và ông Nguyễn Văn Tâm, Thủ hiến Bắc Việt đương thời kiêm Tổng Trưởng bộ An ninh, kiêm Tổng Giám đốc Công an Việt Nam cùng được ủy nhiệm đứng ra lo liệu các công cuộc “từ thiện” lấy tiền cứu trợ thương binh và trợ giúp binh sỹ liên hiệp Pháp.
Họ tổ chức hàng loạt cuộc vui chơi, đặc biệt có chợ phiên nằm dưới quyền bảo trợ của cựu Thị trưởng Hà Nội Thẩm Hoàng Tín. Việc tổ chức chợ phiên được giao cho một nhóm nhân sỹ Hà thành, trong số đó có ông Nguyễn Giảng. Trước ngày Chúa giáng sinh, khu chợ phiên được dựng hoành tráng ở “vườn trẻ em”. Khâu quảng bá được xúc tiến không ngừng, nên hai tiếng “chợ phiên” chẳng mấy chốc đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi.
Bà Giỏi từ Sài Gòn bay ra Hà Nội chính vào dịp ấy. Bà ta ra hôm trước thì hôm sau nhà cầm quyền Hà Nội triệu tập một cuộc họp kín ở Tòa Thị Sảnh. Tham dự buổi họp này, ngoài ông Thủ hiến Bắc Việt, bà Giỏi và ông Thị trưởng Hà Nội còn có mặt một số vị “tai to mặt lớn”. Đặc biệt, có cả một số thương gia Hoa kiều thuộc hàng “cá mập” dự khán.
Các đại biểu thảo luận sôi nổi về một vấn đề đột xuất: Chẳng ai ngờ Chính phủ lại cho phép mở sòng bài ở ngay trong chợ phiên suốt một tháng. Sau cùng, tất cả nhất trí cho thầu sòng bạc với giá bổ đồng đúng... hai triệu bạc.
Tan cuộc, bà Giỏi nán lại để "làm vài việc". Việc thứ nhất là trổ tài "khua môi múa mép" áp đảo các chú “cá mập” ba Tàu. Việc thứ hai là sau khi các chú ba Tàu đã rõ oai của bà lớn, bà mới nói: “Chú nào muốn thầu sòng bạc bất tất phải nói với ai. Nói với ai cũng chỉ tốn tiền, vậy cứ nói thẳng ra với tôi là xong tất cả”. Kế đó, bà ra giá hai triệu rưỡi đồng, gọi là “giá đen” để thầu sòng bạc.
“Một vốn bốn lời” đều... chui vào túi
Để đám “cá mập” yên lòng, bà giải thích rất rõ ràng về việc phân chia hai triệu rưỡi bạc. Bà nói: “Một triệu về phần quan Tây, một triệu về phần quan ta, còn năm trăm ngàn đồng là công của tôi “nói lót”. Ngoài yêu sách trên bà lớn còn đưa thêm một vài đề nghị, nhưng có tính chất ra điều kiện. Bà trắng trợn "ngửa bài với đám “cá mập” Hoa kiều: “Không nhờ tôi thì có làm cách nào cũng tốn tiền vô ích. Nhưng muốn nhờ tôi lo cho thì ngoài hai triệu rưỡi đồng thầu chính thức, chủ thầu còn phải chịu cho tôi một số huê hồng, tùy theo số thâu của sòng". Tiền này sẽ nộp hàng tuần hoặc khi bà muốn.
Chưa hết, ngoài bà Giỏi ra, vụ "nhờ vả" này còn cần phải "gõ cửa" một vài "đứa con nuôi và em út" của bà, đều là những chức sắc rất to ở đất Hà Nội. "Hễ chúng nó ghé vào chợ phiên lúc nào thì chủ sòng nhớ phải “xịt xủi” cho ít nhiều". Một điều nữa là chủ sòng không được quên ơn những người trong ban tổ chức chợ phiên, phải chi cho ba người trong ban tổ chức, mỗi người 100 ngàn đồng. Cuối cùng là phải "lót tay" cho “chú em” Thẩm Hoàng Tín hiện là Thị trưởng Hà Nội 300 ngàn đồng.
Nghe bà thuyết một hồi, bọn “cá mập” vừa ngán cái cách thu xếp chặt chẽ, lại vừa phục cái trí thông minh siêu quân bặt thế của bà. Và, lời nói của bà chính là mệnh lệnh. Bọn “cá mập” sau thời gian xin phép để suy nghĩ, cuối cùng cũng chấp nhận tất cả lời đề nghị của bà. Ngay lập tức bà Giỏi đề xướng việc buôn thuốc phiện lậu với mấy ông “thổ thần” trong ban tổ chức. Nói là đề xướng nhưng thực chất bà đã ép mấy ông nhân sỹ này bằng đủ mọi cách.
Là người thay mặt cho mấy anh em, ông Nguyễn Giảng được trực tiếp hầu chuyện bà về vụ thuốc phiện. Lúc đầu, ông cố sức từ chối, nhưng tất thảy đều bị bà gạt hẳn ra ngoài tai. Quan bà buông ra một câu đầy vẻ ân tình, giọng vuốt ve: “Có lời nói của tôi, các ông mới được bọn chủ sòng biếu 300 ngàn đồng. Vậy đã được cái lợi tự nhiên sao các ông không biết kiếm đường sanh lợi. Cứ nghe tôi, chung vốn với tôi, rồi một ăn năm. Đã có ông già nhà tôi che chở mọi chiều thì việc phải xong...”.
Đến nước ấy thì ông Nguyễn Giảng và hai người bạn chỉ có cách gật đầu. Theo như lời ông Nguyễn Giảng, sau khi có được sự ưng thuận của ba người, bà Giỏi lập tức rủ thêm mấy chú Hoa kiều nữa góp vốn. Tất cả góp lại được một triệu đồng, trong số đó không rõ bao nhiêu phần trăm của bà Giỏi. Chừng một tuần sau, bà cho mời toàn thể “ê kíp” đến họp ở khách sạn Splendide, đường Lý Thường Kiệt.
Buổi họp có mặt một cô thiếu nữ có vẻ là gái nhảy chưng diện rất sang. Theo lời giới thiệu của bà Giỏi, thiếu nữ ấy tên Lan, là tình nhân yêu quý của một vị tướng lãnh ngoại quốc nào đó. Và vị tướng lãnh này đang là chủ một kho thuốc phiện Lai Châu đóng ở Hà Nội. Mục đích của buổi họp là để điều đình giá cả. Kết cục, cô tình nhân của ông tướng nhận sẽ mua giúp thuốc phiện một cách dễ dàng với giá 5 ngàn đồng/1kg. Mọi việc giao dịch tiền bạc và hàng sẽ do bà Giỏi đảm đương.
Chợ phiên bế mạc được một tuần thì việc mua bán cũng xong xuôi. Trao tiền cho cô Lan ở nhà Thủy Tạ Bờ Hồ xong, bà Giỏi quyết định về Nam và số thuốc phiện được chở đến tận phi trường Gia Lâm vào một buổi sáng. Số thuốc ấy cân nặng 200kg, được đóng trong 20 thùng, bên trong là thùng thiếc, bên ngoài là thùng cây, cả bốn mặt thùng đều có đề tên “bà Lê Thị Giỏi”. Bà Giỏi vào Nam được mấy ngày thì có tin dữ "bắn" ra Hà Nội: “Toàn bộ số á phiện đã bị tịch thâu ở phi trường Sài Gòn, và cả bà cũng bị xét bắt”.
Ba hôm sau bà đùng đùng bay ra Hà Nội với tờ báo trên tay. Bà cho đòi ông Nguyễn Giảng và bọn “các chú” đến hầu, đưa báo cho xem để xác nhận vụ mất trắng 200kg á phiện. Xác nhận xong, bà thản nhiên mời các ông thổ địa ra về để chờ hạ hồi phân giải. Nhưng sau mấy ngày, bà cố tình ẩn mặt trong tòa lâu đài oai nghiêm. Rồi, bà "dông" vào Sài Gòn lúc nào không ai biết.
Không biết đi đâu? Kết cục, số á phiện trị giá trên bốn triệu bạc (giá bán ở Sài Gòn) đã biến mất không một tiếng vọng. Riêng ông Nguyễn Giảng vì bị các bạn dọa giết, nên phải trốn xa Hà Nội suốt một tháng trời. Rồi từ ngày ấy, trước sự ra đi không kèn không trống của 20 thùng thuốc phiện chánh hiệu “Lai Châu”, mấy người bạn vẫn còn nghi ngờ chính ông Nguyễn Giảng và bà Giỏi đã “a tòng”, hợp lực để cùng nhau nuốt số tiền khủng! |