Ông Y’Krin Êban và bà H’Ngơn Niê cho biết, vì gia đình khó khăn nên từ nhỏ H’Hen Niê phải cấy lúa, chăn bò và hái cà phê như bao đứa trẻ Ê-đê khác. Cô cũng là người vượt qua hủ tục, không lấy chồng sớm và mong muốn thay đổi lối suy nghĩ không coi trọng việc học của đồng bào dân tộc.
Từng chăn bò, hái cà phê
Sau khi con gái trở thành Hoa hậu, cha mẹ của cô là ông Y’Krin Êban và bà H’Ngơn Niê vẫn còn rất bất ngờ. Ông Y’Krin kể, sinh được 6 người con, 3 trai và 3 gái. H’Hen là con thứ 3, sau cô còn có thêm 3 người em.
Thuở H’Hen còn nhỏ, gia đình rất khó khăn. Cô cũng giống như bao nhiêu trẻ em Ê-đê khác, đều phải lên núi nhặt củi, chăn bò và đi hái cà phê. Dù cả gia đình cố gắng làm lụng, nhưng nhiều lúc cũng không đủ ngày 3 bữa. Thấy các con đói bụng, ông thương lắm. Ngoài việc làm ruộng, làm rẫy cà phê để tăng thêm thu nhập, cha của H’Hen còn bốc vác thuê tại một xưởng cà phê gần nhà để mỗi tháng nhận được 2 triệu đồng. Bà H’Ngơn ngoài việc làm đồng cũng đi làm thuê, làm mướn.
H’Hen rất thương cha mẹ. Ngày còn nhỏ, mỗi lần ốm, cô hiếm khi nói ra cho cha mẹ biết. Cô sợ, cha mẹ lo lắng thêm. Cô hỏi già làng về các cây thuốc chữa bệnh rồi tự hái và tự chữa. Cô chăn bò cũng rất tốt, chưa bao giờ để bò lạc. Riêng việc hái cà phê, cô là một trong những người cần cù và hái có năng suất nhất gia đình.
Ngoài thời gian phụ giúp cha mẹ, H’Hen đều dồn hết tâm sức vào việc học. Cô nhiều lần chia sẻ với cha mẹ: “Học cái chữ vui lắm!”. Cha của H’Hen không được học nhiều nên không hiểu những gì con gái nói, nhưng cảm nhận được ánh mắt long lanh của con khi nói về chữ nghĩa.
H’Hen không bao giờ nghỉ học. Ở buôn Sứt M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, đường đất đỏ, mưa xuống là lại sình lầy rất khó đi. Nhà thì xa, thế nhưng, cô luôn lặn lội đến trường. Nhiều hôm, thương con, cha khuyên: “Mưa quá, đường sình lầy, con nghỉ học đi”. H’Hen lại cười đáp: “Con đi được mà. Con nghỉ, sợ không hiểu bài”.
Theo ông Y’Krin, người dân Ê-đê dù được cán bộ động viên rất nhiều, nhưng vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của con chữ. Do đó, nhiều trẻ chỉ học hết cấp 1, cấp 2 thì cha mẹ cho nghỉ để lấy chồng, lấy vợ hoặc lên rẫy kiếm cái ăn. Vợ chồng ông cũng từng như thế”. Năm H’Hen lớp 8, ông và vợ khuyên con gái nên nghỉ học, ở nhà lấy chồng, vì bạn bè đồng trang lứa đều đã có cặp, có đôi.
Đêm ấy, H’Hen khóc, không chịu ăn cơm. Suốt nhiều ngày sau, cô buồn. Sau cùng, H’Hen tâm sự với ông: “Con chưa muốn lấy chồng. Con còn muốn đi học”. Dù vẫn còn suy nghĩ rất nặng hủ tục của người đồng bào, nhưng thấy nước mắt lăn dài trên má con gái khiến tim ông thắt lại. Rồi ông bảo: “H’Hen thích thế, cứ để cho nó đi học”. Hai vợ chồng bàn với nhau nhiều lắm và sau cùng đồng tình theo ý con gái.
Tốt nghiệp cấp 2, bạn bè đồng lứa của H’Hen đều nghỉ học. Thế nhưng, cô vẫn quyết học tiếp. Cô trở thành một trong những người hiếm hoi theo đuổi con đường chữ nghĩa. Lần này, để thuyết phục cha mẹ, H’Hen hứa với mẹ: “Con sẽ lấy chồng nhưng chưa phải bây giờ. Con còn phải đi học”. Một đêm, ngồi bên bếp lửa H’Hen kể về đoàn sinh viên tình nguyện ở dưới thành phố lên. H’Hen kể say mê về những gì vừa nghe thấy như nhà cao tầng, giảng đường đại học...
Đường đến vinh quang
H’Hen chia sẻ: “Con muốn đi học, muốn là tấm gương để những người Ê-đê nhận ra rằng, cái chữ rất quan trọng. Chỉ có học hành mới giúp được người dân Ê- đê đỡ khổ”. Cùng năm, H’Hen xuống Nha Trang học dự bị 1 năm. Sau đó, cô xuống TP.HCM học trường cao đẳng Kinh tế Đối ngoại.
“Ngày ấy, chúng tôi chưa hiểu tầm quan trọng của việc học, nhưng con gái được vào cao đẳng, mọi người trong buôn khen nhiều lắm. Thấy thế, tôi vừa mừng, vừa cảm thấy vinh dự”, ông Y’Krin nói. Được biết, mỗi tháng, vợ chồng ông Y’Krin gửi cho H’Hen 2 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Gia đình không có điều kiện, số tiền ấy là quá sức với ông bà. H’Hen lên thành phố cũng đi làm thêm, kiếm tiền. Rồi cô gọi điện về: “Con vừa đi học, vừa đi làm, cũng kiếm được tiền rồi. Từ nay, cha mẹ không cần gửi tiền cho con đâu”.
Dù vậy, hàng tháng, ông bà vẫn gọi điện hỏi thăm, xem con gái nếu thiếu tiền thì sẽ gửi. Chừng 1 năm sau, H’Hen dồn tiền, mua được chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại. Thế nhưng, chỉ được khoảng thời gian ngắn, xe bị trộm khi để ở nhà trọ. H’Hen gọi điện về kể, rấm rức khóc trong điện thoại khiến ông xót xa.
Vợ chồng ông không hề hay biết H’Hen đăng ký đi thi người mẫu. Khi chương trình lên sóng, ông bà mới được em gái của H’Hen là H’Min thông báo. Mở ti vi ra, thấy con gái ông rất bất ngờ. “Từ trước đến nay, người Ê-đê chỉ biết đến ruộng rẫy, có bao giờ biết người mẫu là gì đâu. Thế mà, con gái còn lên hẳn ti vi. Đó là điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến”.
Từ ngày H’Hen bước vào giới người mẫu thì cũng ít về nhà hơn. Ông hiểu con gái ở TP.HCM đi làm xa, mà không có xe nên rất bất tiện. Ông vay ngân hàng được 30 triệu đồng, gửi lên cho H’Hen mua xe máy. Từ đó, H’Hen làm cũng có tiền nhiều hơn và thường gửi về phụ giúp cha mẹ. Cô tâm sự, show thấp nhất không có tiền và show cao nhất là 8 triệu đồng.
Trước khi đăng ký đi thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, H’Hen có hỏi ý kiến của cha. Ông Y’Krin khuyên: “Cha không hiểu gì về những điều này. Với những gì đã làm, cha tin tưởng vào quyết định của con”. Tối 5/1/2018, vợ chồng ông bắt xe xuống địa điểm thi để kịp tham dự sự kiện quan trọng cùng con gái.
Suốt ngày 6/1, dù rất bận rộn với lịch trình nhưng H’Hen vẫn luôn bên ông bà. Tối ấy, đêm chung kết diễn ra, ông bà thinh lặng ngắm nhìn con gái trên sân khấu lớn. Khi con gái được xướng danh Hoa hậu, ông bà vẫn không hiểu chuyện gì xảy ra. Chỉ khi có người kéo lên sân khấu chúc mừng thì ông mới lên. Và, lúc này, ông nghe mọi người bảo: “Hoa hậu H’Hen”, niềm vui trong ông như vỡ òa. Thấy con gái khóc và ông cũng khóc theo.
Vợ chồng ông Y’Krin trở về nhà ngay sau khi con gái đăng quang. Ông bà vẫn tiếp tục với công việc thường nhật. Niềm vui chưa được bao lâu thì ông theo dõi trên mạng, thấy nhiều lời không hay về con gái. Họ chê H’Hen có nước da nâu, là người Ê-đê khiến ông rất buồn. “Đọc được những điều ấy, tôi thương H’Hen lắm. Tôi sợ H’Hen cũng tổn thương như mình khi đọc”, ông nói.
Huy Cường