(ĐSPL) Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra làm rõ ai là hung thủ thực sự trong vụ án giết, hiếp bé gái 5 tuổi khiến Hàn Đức Long phải chịu 11 năm tù oan.
Trao đổi trên báo Dân trí, ông Ngô Văn Tuấn, Chánh văn phòng VKSND tỉnh Bắc Giang cho biết, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra làm rõ ai là hung thủ trong vụ án giết, hiếp bé gái 5 tuổi khiến tử tù Hàn Đức Long phải chịu cảnh 11 năm giam cầm.
[poll3]282[/poll3]
Trước đó, ngày 20/2, VKSND tỉnh Bắc Giang đã ban hành 3 quyết định, đó là: Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Hàn Đức Long, Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam và Quyết định đình chỉ vụ án “Hiếp dâm” đối với Hàn Đức Long.
Trong quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Hàn Đức Long do Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Xuân Hùng ký khẳng định, kết quả điều tra lại của Công an tỉnh Bắc Giang theo Quyết định giám đốc thẩm số 20/2014/HS-GĐT ngày 22/11/2014 của Hội đồng thẩm phán, TAND tối cao thì không có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hàn Đức Long về các tội danh “Hiếp dâm”, “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”.
Vợ chồng ông Long - Ảnh: Vietnamnet |
VKSND Bắc Giang quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Hàn Đức Long và yêu cầu các cơ quan chức năng phục hồi các quyền, lợi ích hợp pháp cho Hàn Đức Long theo quy định của pháp luật.
Người vợ 11 năm kêu oan cho chồng
Theo báo Tuổi trẻ, người được gia đình, dòng họ tin tưởng giao trọng trách đi tìm cách minh oan cho ông Long là ông Nguyễn Văn Tính (56 tuổi, người em con ông chú).
Thời gian đầu, ông Tính cùng bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Long) mang đơn đến các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang. Thời gian sau bà Mai sức yếu, suy sụp nên ông Tính đi một mình.
“Có lúc nhà hết sạch tiền tôi định bỏ cuộc, nhưng cứ nghĩ đến anh mình chịu oan trong tù tôi lại đi vay tiền khắp nơi, anh em tôi còn có người bán cả đất để có tiền cho chúng tôi đi kêu oan” - ông Tính nhớ lại.
Để tiện việc gửi đơn kêu oan cho chồng, dù sức yếu, bà Mai cùng con trai út là Hàn Đức Trọng cũng bỏ quê lên Hà Nội làm phụ hồ.
Sức khỏe yếu, vác bao ximăng còn khó nhưng bà Mai cứ lầm lũi làm, từ xách vữa, gánh gạch, xây, trát hồ bà đều làm hết miễn sao có tiền.
Bà Mai kể hơn 11 năm qua mẹ con bà không chỉ phải chịu đắng cay, nhọc nhằn kiếm tiền đi kêu oan mà còn phải chịu sự dè bỉu của người đời.
“Tôi chịu nhục bao nhiêu cũng được nhưng tôi thấy có lỗi nhất là các con đi học cũng bị bạn bè cười chê. Thằng con út vì xấu hổ quá nên phải nghỉ học ở nhà, đứa con lớn thì phải vào tận miền Trung bế con thuê cho người ta” - bà Mai kể.
Ngày cưới con gái, để con được bằng chị bằng em, bà Mai lấy hình cũ của ông Long mang ra tiệm nhờ người ta ghép vào ảnh cưới cho đầy đủ gia đình.
“Hôm xảy ra vụ việc cháu Y. bị hãm hại, tôi là người ở bên cạnh chồng. Lúc ông ấy đi xát gạo, lúc ông ấy ở nhà đều trong tầm mắt của tôi. Buổi tối nghe loa phát thanh thông báo cháu Yến mất tích, chồng tôi còn cầm đèn pin cùng người dân trong xóm soi khắp nơi. Tôi biết rõ như vậy nên dù có chết tôi cũng phải cố đi kêu oan cho ông ấy” - bà Mai trần tình.
Trước đó, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang cũng xác nhận sự việc ông Hàn Đức Long được thả về vào chiều tối ngày 20/12/2016. Theo đó, cơ quan tố tụng của Bắc Giang đã đưa ông Long từ trại Tạm giam T16 của bộ Công an về bàn giao cho địa phương và gia đình. Việc đưa ông Long về tận địa phương là để tránh huyên náo, đảm bảo an toàn cho ông Long.
Điều 3. Nguyên tắc giải quyết bồi thường thiệt hại (Nghị Quyết Số: 388/2003/NQ-UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại có người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra) Việc giải quyết bồi thường thiệt hại trong các trường hợp bị oan phải tuân theo các nguyên tắc sau đây: 1. Kịp thời, công khai và đúng pháp luật; 2. Tạo điều kiện thuận lợi để người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ thực hiện quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị oan, thân nhân của người bị oan; người bị oan được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; 3. Thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại về tinh thần và thiệt hại về vật chất theo các quy định tại Nghị quyết này và quy định tại văn bản pháp luật có liên quan; 4. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại chủ động giải quyết bồi thường cho người bị oan, thân nhân của người bị oan theo quy định của pháp luật; 5. Việc bồi thường thiệt hại được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại với người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ; nếu không thương lượng được thì người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Toà án giải quyết. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
Tổng hợp