Làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng đến kiếm tra việc thực hiện kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng than phải dự quá nhiều cuộc họp.
Sáng nay (25/8), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (trái ảnh) dẫn đầu tổ công tác kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ảnh: Nhật Bắc |
Chủ nhiệm VPCP nhắc đến một số nhiệm vụ Bộ KH-ĐT chưa hoàn thành, như việc giao kế hoạch vốn 2016, phần giao chi tiết chậm hoặc nhiều nhiệm vụ dù được hoàn thành nhưng quá hạn được giao nhiều.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho đây là cuộc làm việc, đôn đốc chỉ đạo của Thủ tướng chứ nói là đoàn kiểm tra thì nặng nề quá, nghiêm trọng quá vì kiểm tra có nghĩa là có sai phạm, vi phạm.
Đáp lại phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói luôn: "Đoàn công tác của Thủ tướng là kiểm tra, đừng có hiểu khác". Ông Mai Tiến Dũng dẫn lại, Quyết định số 1642/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các bộ, cơ quan, địa phương. Đánh giá toàn diện, đầy đủ tiến độ, chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao so với yêu cầu đề ra. "Tổ công tác chịu trách nhiệm rà soát, tiến hành kiểm tra. Đây là công việc thường xuyên và là nhiệm vụ Thủ tướng giao phó để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đốc thúc làm sớm" - ông Mai Tiến Dũng nói.
"Trung bình mỗi tuần có 40 cuộc họp, tối thiểu 30 cuộc. Chỉ riêng phân công họp cho lãnh đạo bộ cũng rất mệt mỏi và nếu có đồng chí nào đi công tác đột xuất là đảo lộn tất cả"- Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phân trần. Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng vấn đề nào xử lý được ngay là phải làm ngay, không để xảy ra tình trạng “bóng để trong chân” và đùn đẩy cho nhau.
"Tôi tạo được thói quen là rời cơ quan là không để tài liệu tồn lại, để việc cho hôm sau. Mình làm cố một chút có lợi cho nhà nước, cho doanh nghiệp, người dân rất nhiều. Đã quán triệt anh em và anh em đã có cố gắng nhưng tất nhiên vẫn còn chậm, sót. Còn nếu có động cơ cá nhân, tôi hứa sẽ xử lý đến nơi đến chốn”- ông Dũng khẳng định.
Chia sẻ với sự "họp quá nhiều", Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa bộc bạch: "Hiện nay có tình trạng họp nhiều quá. Nhiều khi Bộ không đủ thứ trưởng để đi họp mà nhiều nơi họp không phải là thứ trưởng, không đúng thành phần thì bị khiển trách, bị mời về. Họp Ban Bí thư, Quốc hội... không thể không có lãnh đạo đi được, thậm chí họp ở Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội còn yêu cầu cả Bộ trưởng có mặt".
Cũng theo ông Thừa, do tần suất họp quá nhiều mà có cùng vấn đề mỗi lần đi họp là cán bộ khác nhau nên báo cáo cũng khác nhau, dẫn đến chậm trễ trong thực hiện chỉ đạo và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết trung bình mỗi tuần có 40 cuộc họp, tối thiểu 30 cuộc |
Chánh Văn phòng Bộ KH-ĐT Tống Quốc Đạt cho biết từ 1-1-2016 đến 22-8-2016, Bộ này đã tiếp nhận và xử lý khối lượng rất lớn các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Số văn bản tiếp nhận lên tới trên 36.000. Trên 9.000 văn bản xử lý đã được phát hành.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê để theo dõi của VPCP, trong khoảng thời gian này, số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho Bộ KH-ĐT là 241 nhiệm vụ. Có 74 nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng 58 nhiệm vụ trong số đó hoàn thành quá hạn. Còn 167 nhiệm vụ chưa thực hiện, trong đó có 15 nhiệm vụ đã quá hạn.
Sau phần báo cáo của cán bộ Bộ KH-ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu cấp dưới phải báo cáo để thấy rõ chậm do bộ ở khâu nào, việc nào; còn do các bộ ngành, địa phương khác thì cũng liệt kê ra.
Tổ trưởng tổ công tác - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến đánh giá của Thủ tướng. Theo đó, trong những năm qua, Bộ KH-ĐT đã nỗ lực đổi mới, như tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 1792 hay việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung và dài hạn là cuộc đấu tranh tư tưởng để thay đổi cả một hệ thống, cách làm, thay đổi cơ chế xin - cho để tạo chủ động cho các bộ ngành địa phương, giảm bớt phiền hà, co kéo không cần thiết.
Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị Bộ trưởng KH-ĐT rà soát lại một số lĩnh vực cần quan tâm, quyết liệt hơn nữa. Yêu cầu đặt ra là cần thực sự có sự chuyển động mạnh mẽ về tư tưởng, quyết liệt phân cấp thay vì cơ chế xin - cho vì nếu phân cấp tốt, với cơ chế kiểm tra tốt sẽ giúp loại bỏ được rào cản giấy phép con hiện nay.
Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết 15 nhiệm vụ quá hạn thì các vụ của Bộ KH-ĐT phải làm rõ, do khách quan và chủ quan phải đặt ra hết. “Chứ báo cáo kiểu bao biện này thì không nghe được đâu vì sẽ không làm rõ được trách nhiệm để cải thiện tình hình. Việc gì VPCP chậm, chưa tốt cũng phải sòng phẳng đặt ra và nhận, chịu trách nhiệm”- ông Dũng quyết liệt.
Ông Mai Tiến Dũng gợi ý Bộ KH-ĐT phải phân loại văn bản thành đèn xanh, vàng, đỏ mà đèn đỏ là chậm, đèn vàng đến hạn và xanh là làm sớm.
Đồng tình, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhắc nhở cấp dưới việc gì chậm do chính sách, quy định thì phải báo cáo lãnh đạo Bộ, báo cáo Chính phủ xin lùi thời hạn, chứ không thể ôm mãi được.
Thế Dũng
Nguồn: Người lao động
[mecloud]sCcAiITIQZ[/mecloud]