Thông tin từ báo Biên phòng, chiều 25/7, tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh tổ chức tiếp nhận 33 công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động tại Campuchia.
Đại diện lực lượng chức năng phía Campuchia gồm có: Thiếu tướng Keo Sas, Phó Giám đốc Ty Công an tỉnh Svay Rieng, phụ trách công tác phòng chống mua bán người, ông Sun So Van Ny, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh tỉnh Svay Rieng; Chỉ huy Đồn Công an cửa khẩu Bavet thuộc thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng.
Đại diện lực lượng chức năng tiếp nhận của Việt Nam gồm có: Đại tá Cao Xuân An, Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng Tây Ninh; Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài; đại diện Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Tây Ninh.
Trước đó, vào khoảng 15h30, ngày 18/7/2023 tại tòa nhà 6 tầng thuộc khu Casino Rôt Bốt, ấp Bavet, phường Bavet, thành phố Bavet, tỉnh Svay Riêng, Campuchia, có nhiều công nhân làm việc trong tòa nhà hô hào, la lớn, đập cửa kính mục đích để cầu cứu lực lượng chức năng Campuchia đưa ra ngoài.
Ngay khi vụ việc xảy ra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh đã chỉ đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài nắm tình hình và trao đổi với lực lượng chức năng Campuchia về diễn biến vụ việc trên, đồng thời thông báo vụ việc tới Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia nhằm bảo hộ quyền lợi cho công dân Việt Nam.
Tiếp sau đó, ông Lim Shheang Heng, Chủ tịch thành phố Bavet cùng lực lượng Hiến binh, Công an thành phố Bavet đã tiếp cận làm việc với số công nhân trên và báo cáo vụ việc về cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo.
Đến khoảng 17h cùng ngày, ông Ben Bô Sa, Phó chủ tịch tỉnh Svay Rieng đến hiện trường chỉ đạo xử lý, đưa số công nhân trên về trụ sở Công an thành phố Bavet để tiếp tục xử lý.
Đến khoảng 20h, tất cả các công nhân trên được đưa về trụ sở Công an thành phố Bà Vét gồm có 35 người, trong đó có 33 người Việt Nam ( 9 nữ, 24 nam) và 2 người Campuchia (1 nữ, 1 nam).
Theo báo Pháp luật TP.HCM, qua xác minh bước đầu, lực lượng chức năng Việt Nam và Campuchia xác định các công nhân trên đều làm trong Khu Casino Robot, muốn xin nghỉ việc về Việt Nam nhưng không được giải quyết và có dấu hiệu bị cưỡng bức lao động nên cùng nhau la lớn, đập cửa kính nhằm cầu cứu lực lượng chức năng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh Tây Ninh đã xác định trong số này có 28 công dân có giấy tờ, hộ chiếu hợp pháp làm thủ tục xuất cảnh qua biên giới, 5 trường hợp còn lại không có giấy tờ hợp pháp.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh cho biết sau khi tiếp nhận, cơ quan này đã phối hợp với các lực lượng chức năng bố trí nơi ăn ở.
Lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ nhân thân của các công dân để xử lý vụ việc theo quy định
Nguyễn Linh(T/h)