Ngày 18/10, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ vừa tiếp nhận và điều trị cho 2 ca bệnh được chẩn đoán mắc uốn ván.
Bệnh nhân thứ nhất là ông Đ.V. N. (53 tuổi ở Hoà Bình). Ông N. có tiền sử khỏe mạnh. Tuy nhiên, trước khi nhập viện một tuần ông N. có nhờ người quen tự cắt trĩ tại nhà.
Sau cắt trĩ, ông xuất hiện tình trạng cứng hàm tăng dần, khó nói, khó nuốt, khó há miệng, ăn uống kém. Ông nhập viện tại địa phương và được chẩn đoán mắc bệnh Uốn ván.
Do tình trạng bệnh nặng, ông được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng co giật, cứng hàm và được chẩn đoán Uốn ván toàn thể.
Hiện tại bệnh nhân đang được an thần, thở máy.
Bệnh nhân thứ 2 là bà P. T. N. (68 tuổi ở Sơn La). Trước khi nhập viện, bà N. bị ngã ở chuồng lợn. Bà bị bầm tím, xây xát da vùng mông.
Mặc dù có các vết thương hở nhưng bà không xử trí các vết thương. 3 ngày sau đó, bà N. xuất hiện cứng hàm, khó há miệng, sốt cao, xuất hiện cơn co cứng, co giật toàn thân.
Bà được gia đình đưa đến nhập viện tại cơ sở y tế địa phương, được chẩn đoán mắc bệnh uốn ván. Tại đây, bà được mở khí quản cấp cứu, an thần, thở máy.
Tuy nhiên tình trạng sốt, co giật không thuyên giảm và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng an thần thở máy qua Nội khí quản. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, bà được chẩn đoán Sốc nhiễm khuẩn, uốn ván toàn thể.
Uốn ván là bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương dưới dạng nha bào.
Các vết thương có thể nhỏ như gai đâm, đinh dâm, xước da, dập móng, ngoáy tai, xỉa răng, bấm lỗ tại…hoặc các vết thương to, rộng nhiều ngóc ngách gặp trong lao động, tai nạn giao thông, gãy xương hở, bỏng sâu…thậm chí có thể gặp khi nạo thai, sau mổ đường tiêu hoá, cắt trĩ, cắt rốn với dụng cụ bị nhiễm bẩn…
Bệnh uốn ván không có miễn dịch tự nhiên nên tất cả những người chưa được tiêm vắc xin phòng uốn ván đều có thể bị bệnh.
Bệnh uốn ván nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể tiến triển nhanh sang tình trạng co cứng, co giật toàn thân, suy hô hấp, ngưng thở. Điều trị các ca uốn ván nặng cũng đòi hòi quá trình chăm sóc tích cực, thở máy kéo dài, nhiều biến chứng nguy hiểm.
Hiện nay, cách thức phòng ngừa uốn ván tốt nhất vẫn là tiêm vắc xin dự phòng và xử lý đúng cách đối với các vết thương có nguy cơ nhiễm vi trùng uốn ván.
Nguyễn Linh