(ĐSPL) - Gần 9 năm trước, Năng từng là niềm tự hào của gia đình, bạn bè, thầy cô giáo khi tốt nghiệp loại giỏi, khoa Sơn mài, trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Trong những bức vẽ của Năng luôn chứa đầy khát vọng, ăm ắp tình yêu thương. Thế rồi, chẳng ai có thể ngờ một ngày, Năng đứng trong vành móng ngựa và chịu án phạt chung thân cho tội Giết người.
Không thể lặp lại từ “giá như”
Trong trại giam Thủ Đức (Z30D, bộ Công an), người tù chung thân Nguyễn Thế Năng (SN 1979, quê TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) luôn nhận được nhiều tình cảm, sự quan tâm của cán bộ, cũng như anh em cùng cảnh ngộ. Tài năng, nhiệt huyết, sự yêu đời đó là những nét nổi bật rất dễ nhận thấy ở Năng. Trong suốt khoảng thời gian nói chuyện với người viết, Năng không thôi lặp lại cụm từ “giá như”. Hơn ai hết Năng hiểu sự hối hận của mình đã quá muộn màng. Chính Năng tự tay đóng kín cánh cửa tương lai khi sát hại cô bạn gái xinh đẹp. Năng tâm niệm, anh được giữ lại mạng sống đã là một diễm phúc lớn lao. Giờ đây, người họa sĩ trẻ chỉ biết ngày đêm miệt mài bên cây cọ, đem tâm tư, tình cảm gửi vào trang giấy.
Bi kịch xảy đến với Năng vào một ngày cuối tháng 11/2006. Trước thời điểm đó chàng họa sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khoa Sơn mài trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM được nhận vào làm công việc thiết kế hội họa cho hãng phim Chánh Phương. Người yêu Năng, Ng. Đ. A. H (SN 1983, sinh viên năm cuối khoa Sơn mài), cũng là cô gái được thầy cô và bạn bè nhận định có nhiều triển vọng lớn về năng khiếu hội họa. H. từng tham gia rất nhiều cuộc thi vẽ tại TP.HCM và có nhiều tác phẩm đạt giải cao. Ai cũng tin tưởng cặp đôi họa sĩ trong tương lai gần sẽ là những cây cọ thành danh của làng hội họa Việt Nam. Đôi uyên ương cũng đã từng nghĩ đến ngày tổ chức hôn lễ, gắn chặt hạnh phúc trăm năm.
Thế nhưng, cuộc đời chẳng ai lường trước được chữ ngờ. Tháng 9/2006, chị H. tham dự chuyến đi thực tế tại tỉnh Hà Giang chuẩn bị tốt nghiệp. Sau ngày trở về TP.HCM, Năng cảm nhận H. có những thái độ thay đổi trong ứng xử tình cảm với mình. Lúc này, Năng nghi ngờ người yêu thay lòng nên hỏi chuyện cho rõ ràng. Chị H. chỉ ậm ờ cho qua chuyện rồi tìm cách lánh mặt người yêu. Năng lờ mờ hiểu ra chuyện gì đó nên tìm đến rượu giải sầu.
Nguyễn Thế Năng cho biết trước ngày tòa tuyên án Năng đã chủ động viết đơn hiến xác cho khoa học. Theo đó, toàn bộ nội tạng Năng xin tặng cho ngành Y và bộ xương cho trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM - coi như món quà tặng cuộc sống và để trả nghĩa cho những người thương yêu mình. |
Trong cơn say, rạng sáng ngày 26/11/2006, Năng tìm về phòng trọ người yêu những mong được nghe chị H. giải thích mọi chuyện. Cuộc nói chuyện giữa hai người khi không còn tiếng nói chung đã dẫn đến tranh cãi gay gắt. Trong phút mơ hồ, phẫn uất, Năng đã dùng dao Thái Lan sẵn có trong phòng trọ đâm một nhát vào cổ chị H. Sau phút giây thiếu kiềm chế ấy, Năng điện thoại báo cho gia đình cô biết, rồi lặng lẽ đến CQCA tự thú.
Sau những dòng hồi ức cay đắng, Năng lại úp mặt vào lòng bàn tay nấc nghẹn phân trần: “Thú nhận với anh chị, giờ em không muốn nhắc nhiều về tội lỗi đã làm. Em chỉ trách bản thân không đủ minh mẫn giải quyết vấn đề tình cảm, để rồi gây ra hậu quả. Cuộc đời mỗi người một ngã rẽ, nhưng chính em lại tìm cho mình ngã rẽ đi vào vực thẳm”.
Vẽ tranh để tạ lỗi với đời
Với tội ác gây nên, Nguyễn Thế Năng đã bị tòa tuyên mức án cao nhất tử hình ở phiên sơ thẩm. Ngay khi nghe tòa tuyên án, mẹ Năng ngất xỉu tại chỗ. Trong thời gian 15 ngày được quyền kháng cáo, những người thân, bạn bè của Năng chạy ngược xuôi tìm kiếm những tình tiết có thể xin giảm nhẹ hình phạt. Cả đại diện lãnh đạo trường ĐH Mỹ thuật cũng có đơn gửi đến tòa tha thiết xin giảm án cho bị cáo. Bất ngờ hơn, cha của nạn nhân cũng có đơn xin tòa tha tội chết cho Năng. Cuối cùng, Năng được pháp luật khoan hồng tạo cơ hội cho tìm lại sự sống bằng bản án chung thân. Sự sống của Năng được hồi sinh, do vậy, Năng tâm niệm, dù sống trong tù nhưng vẫn phải sống tiếp những ngày còn lại của quãng đời sao cho thật ý nghĩa.
Sau những ngày đầu tại trại giam, Năng nhanh chóng thích ứng và tìm ra ý nghĩa sống cho phần đời còn lại. Với Năng, niềm vui duy nhất lúc này là được thỏa niềm đam mê vẽ để quên đi quá khứ và hòa hồn mình trong những bức tranh cuộc sống tươi đẹp.
Hiện tại, trong quá trình cải tạo, Năng được ưu ái phân công vẽ trang trí cho trại giam. Ngoài những bức tranh trang trí vẽ tường, tranh treo cho các phòng khách, phòng đại hội, phòng tiếp khách hay cổng ra vào, Năng còn vẽ nhiều khung cảnh thanh bình làng quê tặng các phạm nhân khác ngay trong căn phòng giam chung với mọi người.
Năng nói: “Mình chỉ thích vẽ tranh khung cảnh làng quê, đồng lúa, con đường, suối thác... vì như vậy mọi người trong trại đều cảm thấy yên bình, tĩnh lặng. Hơn nữa, khung cảnh ấy là những gì lưu lại trong trí nhớ của mình về tuổi thơ tươi đẹp đã qua. Nhờ đó, làm cho tâm hồn con người tù tội như tụi mình vơi đi phần nào về nỗi nhớ nhà. Khi vào tù, mình cũng có nhiều người bạn, mỗi người đều có một số phận hoàn cảnh, nhưng hầu hết ai vào tới đây cũng khao khát sự tự do và họ hay nhắc tới quê hương, gia đình... Những bức tranh của mình giúp mọi người luôn nhìn thấy làng quê thân yêu, sự yên bình của tương lai không xa”.
Một cán bộ quản lý trại giam Z30 cho biết: “Quá trình cải tạo với người phạm nhân là một nỗ lực rất lớn trong tư tưởng, bởi có những người khi mang bản án chung thân thì thường buông xuôi tất cả. Nhưng Năng luôn nghĩ tới việc cải tạo thật tốt. Cậu ta sống đầy hy vọng, trong thâm tâm Năng mong một ngày được pháp luật khoan hồng, tạo cơ hội làm lại cuộc đời”.
Mặc dù làm việc trong hoàn cảnh là một phạm nhân mang trọng án, nhưng trong mỗi bức tranh của Năng luôn căng đầy nhựa sống, chất chứa yêu thương. Năm 2013, Năng đạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Khát vọng hoàn lương” do cục V26 tổ chức cho các phạm nhân trong trại giam Thủ Đức. Bức tranh của Năng vẽ về khung cảnh làng quê có những con người lao động đang gặt lúa vào buổi bình minh đã chiếm trọn trái tim của Ban tổ chức và tất cả phạm nhân được xem.
Kỳ Nguyên
[mecloud]xUhakW7Bh4[/mecloud]