+Aa-
    Zalo

    Tiếng kêu xé lòng của bé gái bị “yêu râu xanh” hãm hại

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khi tiếp nhận vụ việc, nữ luật sư mới biết rằng, sức khỏe của bé gái hơn 2 tuổi bị hiếp dâm đang rơi vào tình trạng nguy kịch. Hầu như đêm nào, cô bé cũng thét lên kinh h

    Khi tiếp nhận vụ việc, nữ luật sư mới biết rằng, sức khỏe của bé gái hơn 2 tuổi bị hiếp dâm đang rơi vào tình trạng nguy kịch. Hầu như đêm nào, cô bé cũng thét lên kinh hoàng. Nhìn con đau đớn, cha mẹ bé như đứt từng khúc ruột...

    Ác quỷ đội lốt người

    Trước khi kể cho PV nghe câu chuyện bi thương và cũng hết sức đặc biệt này, luật sư Trần Ngọc Nữ (đoàn Luật sư TP.HCM, Chi hội trưởng chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) đã phải cân nhắc rất kỹ. Với bà, nỗi khắc khoải về đứa trẻ vô tội bỗng dưng gặp họa chưa bao giờ vơi đi.

    “Với tôi, đây là vụ án đau lòng nhất. 5h sáng 25/10/2015, nhận tin báo 1 bé gái hơn 2 tuổi vừa bị hiếp dâm, đang trong tình trạng nguy kịch phải cấp cứu tại bệnh viện Nhi Đồng 2, tôi liền tức tốc chạy tới. Tới nơi, tôi ngồi đợi các bác sĩ làm việc đến 8h sáng mới được vào thăm cháu bé. Lúc này, bé đang thở oxy. Nghe các bác sĩ tiên lượng xấu, tôi lặng người”, luật sư Nữ mở đầu câu chuyện.

    Theo lời kể của luật sư Nữ, vụ án xảy ra vào chiều 24/10/2015. Khoảng 16h hôm đó, tại một phòng trọ nhỏ thuộc quận Thủ Đức (TP.HCM) chỉ có hai mẹ con bé N.T.T.N. (SN 2013) ở nhà. Sau một hồi loay hoay pha sữa cho con, bà mẹ trẻ quay ra nhưng không thấy bé N. đâu nên vội vã đi tìm.

    "Yêu râu xanh" tại phiên tòa bị tuyên án chung thân.

    Lúc này, một số người sống gần khu trọ nói rằng, họ vừa thấy 1 thanh niên bế cháu bé đi vào cuối dãy trọ. Nghi có chuyện chẳng lành, có người vội trình báo công an, còn mẹ bé tiếp tục tìm kiếm con.

    Khi ập vào một phòng trọ, công an bắt quả tang Nguyễn Văn Tú (SN 1988, quê tỉnh Thanh Hóa) đang giở trò đồi bại với bé N.. Lúc này, bé N. đã ngất xỉu.

    Ngay sau đó, bé N. được đưa đến bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu. Gã “yêu râu xanh” cũng bị đưa về trụ sở cơ quan công an để lấy lời khai.

    Tại đây, Tú khai nhận đang làm thuê ở TP.HCM và thuê trọ ở gần nhà nạn nhân. Chiều hôm đó, Tú đi nhậu về ngang qua phòng trọ của mẹ con cháu N.. Lợi dụng lúc mẹ cháu bé mãi pha sữa, Tú bế bé về phòng mình. Tại đây, Tú cho bé N. kẹo rồi thực hiện hành vi đồi bại. Trong lúc điên loạn, Tú còn khiến N. bị thương tích.

    Luật sư Nữ kể lại: “Bác sĩ xác nhận, cháu bé bị thủng trực tràng, mất nhiều máu nên hôn mê. Biết gia đình nạn nhân đang bấn loạn nên lúc đó tôi chỉ biết động viên chứ không hỏi han gì nhiều.

    Hôm sau, khi bé N. tỉnh lại, lãnh đạo hội cũng xuống thăm, động viên bé và gia đình. Hội nhận chăm sóc bé N. cho đến năm 18 tuổi. Tôi đã liên hệ với bệnh viện An Sinh (TP.HCM) xin được suất khám miễn phí và một số thuốc men cho cháu N.”.

    Nỗi ám ảnh kinh hoàng

    Là phụ nữ, bà Nữ không khỏi đau lòng trước hậu quả mà cháu N. phải gánh chịu. “Bản thân tôi cũng không dám nhìn vào vết thương của bé N. vì nó rất khủng khiếp. Nhà bé lại quá nghèo. Sau khi xuất viện, đêm nào bé cũng la hét khiến cha mẹ bé phải chuyển đến nơi khác thuê trọ nhưng tình hình vẫn không được cải thiện”, nữ luật sư xót xa kể.

    Từ khi đưa bé N. về Bạc Liêu, người thân phải bỏ hết công việc để túc trực bên bé. Ở đây có cả hai bên nội, ngoại nên bé N. cũng ít hoảng loạn hơn. Mỗi lần đưa bé N. lên TP.HCM thăm khám, cả nhà lại bấn loạn vì tiền. Trước khi đi, lần nào gia đình bé cũng gọi điện báo cho luật sư Nữ. Và mỗi lần như thế, bà Nữ lại khắc khoải, chờ đợi, lo lắng.

    Luật sư Trần Ngọc Nữ, người bào chữa quyền lợi cho cháu N. luôn đau đáu về phần đời còn lại của bé.

    “Các bác sĩ nói trường hợp của cháu bé rất phức tạp và không kém phần nguy hiểm. Họ chỉ biết cố gắng cứu chữa cho cháu và động viên gia đình. Trong khi đó chúng tôi tìm cách kêu gọi mọi người hỗ trợ, quyên góp và động viên gia đình cháu sớm ổn định tinh thần. Sau này, khi vụ án được đưa ra xét xử theo quy định pháp luật, tên Tú đã phải nhận án chung thân”, luật sư Nữ cho biết.

    Tuy vậy, với cha mẹ bé N. hay luật sư Nữ, chuyện bị cáo chung thân hay tử hình cũng chẳng còn quan trọng nữa bởi không gì có thể bù đắp được nỗi đau mà bé N. phải gánh chịu.

    Luật sư Nữ chia sẻ: “Con gây tội tày trời như thế mà gia đình bị cáo vẫn thờ ơ, không một lời thăm hỏi nạn nhân. Chỉ đến khi ra tòa, họ mới đề cập đến vấn đề bồi thường. Gia đình bị cáo cũng nghèo, bán cả bò lẫn heo đi cũng chỉ đủ một nửa số tiền phải đền bù.

    Người nhà bị cáo nói, sau khi Tú bị tuyên án chung thân, vợ bị cáo (vợ chồng Tú đã có 1 con chung - PV) đã bỏ nhà đi. Thấy gia cảnh bị cáo quá éo le, nên gia đình nạn nhân cũng không đòi hỏi nhiều”.

    Kể đến đây, giọng luật sư Nữ như chùng xuống. “Sau khi gia đình đưa cháu về Bạc Liêu, cơ quan điều tra gọi cho tôi bảo nói với gia đình đưa cháu N. lên thử máu. Sau đó, gia đình bé N.  phải bắt xe lên TP.HCM, sau đó tôi chở cha con bé đi giám định.

    Vì ở bệnh viện quá lâu nên bé N. sợ những người mặc áo màu trắng. Khi thấy giám định viên mặc áo blouse đến gần, cháu N. bỗng thét lên. Tôi phải đề nghị giám định viên bỏ áo blouse trắng ra thì cháu mới ngồi yên để lấy máu”.

    “Lúc về, bé N. không chịu đi cùng tôi nữa, cháu khóc quá trời. Tôi phải mua đồ chơi, bánh kẹo nịnh mãi cháu mới cho đến gần. Về sau, mỗi lần ba bé N. dẫn cháu lên TP.HCM là bé lại đòi gặp bà Nữ.

    Tuy còn nhỏ nhưng cháu rất tình cảm, lần nào lên cũng bắt ba mẹ mua quà cho bà Nữ. Rồi khi gặp tôi, bé ngây thơ chỉ vào vết thương trên cằm mình bảo bị té giếng khiến tôi ứa nước mắt”, luật sư Nữ nghẹn ngào.

    Cho đến tận bây giờ, không ai dám khẳng định tương lai của bé N. sẽ như thế nào. Bé N. hay bị hoảng loạn mà bệnh viện tuyến tỉnh lại không có bác sĩ tâm lý. Nhưng lên TP.HCM điều trị dài ngày thì gia đình bé không “kham” nổi.

    Trong quá trình đòi lại quyền lợi chính đáng cho những cháu bé bị xâm hại, luật sư Nữ đã gặp không ít khó khăn.

    Bà cho hay: “Khó khăn nhất là trong giai đoạn điều tra vì tôi ít được tiếp cận chứng cứ. Ví dụ, bệnh viện xác nhận là nạn nhân bị xâm hại nhưng khi công an đưa đi giám định thì lại cho rằng chứng cứ không đủ hoặc thiếu. Công tác giám định chậm trễ gây không ít khó khăn bởi nhiều chứng cứ chỉ tồn tại trong vòng 24 giờ đồng hồ”.

    “Một khó khăn nữa là thiếu điều tra viên nữ vì trong những vụ án hiếp dâm có nhiều vấn đề mà điều tra viên nam không hiểu hết được hoặc khó xử lý được”, luật sư Nữ cho biết thêm.

    Hoàng Minh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tieng-keu-xe-long-cua-be-gai-bi-yeu-rau-xanh-ham-hai-a199409.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan