Năm 2020 là - năm cuối cùng thực hiện các chương trình, mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội XII, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Nhiều thanh “củi to”, “củi tươi” vẫn tiếp tục “vào lò” càng cho thấy sự quyết tâm của Đảng trong vấn đề làm trong sạch bộ máy, loại bỏ ngay từ đầu những thành phần “lươn”, “chạch”, triệt tiêu mầm mống của phận “tầm gửi” vào chức quyền để đục khoét, tư lợi. PV tạp chí ĐS&PL đã phỏng vấn luật sư Phan Xuân Xiểm - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vấn đề này.
Bà Hồ Thị Kim Thoa |
Ông Vũ Huy Hoàng |
Thưa ông, những suy nghĩ gì đã xuất hiện trong ông khi nghe thông tin về nhiều cán bộ đương chức và cả mất chức đã bị khởi tố trong vài ngày qua?
Tôi cho rằng, quyết định khởi tố chỉ là vấn đề về thời gian vì những sai phạm của họ ai cũng có thể nhìn thấy. Nhưng có thể nói, đây là một quyết tâm chính trị của toàn Đảng, nhằm thanh lọc cán bộ một cách triệt để. Một khi họ đã có vi phạm thì không chỉ xem xét xử lý về mặt Đảng, chính quyền mà còn phải xử lý theo quy định nghiêm khắc của pháp luật.
Điều này cũng thể hiện thái độ của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là không có vùng cấm, bất kể người đó là ai, dù đương chức hay đã về hưu. Sai phạm phát hiện đến đâu thì xử lý đến đó, chúng ta làm từng bước một, đúng quy trình, chứ không có chuyện “chìm xuồng” như một số luồng suy nghĩ dấy lên trong dư luận thời gian qua. Điều này cũng tăng niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Làm đến đâu xử lý đến đó là đúng và phù hợp. Việc làm này cũng nằm trong một quy trình chặt chẽ, là quá trình kiểm soát quyền lực, chuẩn bị nhân sự, cơ cấu vào cấp ủy các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới.
Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, ông đánh giá tác động của những vụ việc được xử lý nghiêm khắc, đúng pháp luật sẽ như thế nào? Những người cán bộ đương nhiệm, kế nhiệm, họ sẽ thấy được bài học để soi rọi bản thân mình?
Rõ ràng, việc làm nghiêm khắc sẽ có tác dụng thức tỉnh cho những con người lâu nay có vấn đề. Họ sẽ phải chột dạ và tự xem xét lại chính bản thân mình. Tự soi lại mình, tự vấn lương tâm mình để điều chỉnh thái độ, hành vi, gột rửa bàn tay và khối óc của chính mình.
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, những vụ việc xử lý cán bộ sai phạm, cả cán bộ cấp cao hay những cán bộ đương nhiệm, đã về hưu thì đều không phải là vấn đề xử lý riêng một người mà là xử lý để giáo dục muôn người. Bởi thế, thêm một lần nữa, chúng ta thấy rõ thái độ của Đảng, Nhà nước cũng là cảnh tỉnh cho đội ngũ hiện nay, nếu có suy nghĩ lạm dụng chức vụ, quyền hạn thì hãy thấy rõ những án phạt nhãn tiền mà dừng ngay lại.
Bởi đã nhúng chàm thì trước sau gì cũng bị xử lý. Các cụ đã nói rất đúng “cái kim trong bọc lâu ngày sẽ lòi ra”.
Bản thân là một đảng viên, một cán bộ của cơ quan kiểm tra của Đảng đã về hưu, tôi thấy rất mừng vì Đảng vẫn luôn nhất quán trong vấn đề xử lý cán bộ sai phạm. Quan điểm là từng bước chỉnh đốn Đảng, chỉnh lý những người lâu nay có vấn đề tiêu cực, tham nhũng, nhắc nhở những cán bộ trong diện cơ cấu phải tự biết soi rọi mình, tự giác trong quá trình công tác phải phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng suốt đời chứ không phải ngồi yên một vị trí là yên tâm, là nghĩ mình tròn trĩnh, là chủ quan.
Hãy xem trong quá khứ, thậm chí đến cả anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang cũng vẫn bị khởi tố, vào tù chịu án. Bởi vậy, những con người không chịu tu dưỡng thì dù ở đâu, thời điểm nào, họ là ai cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Không ai nắm tay được cả ngày từ sáng đến tối, do đó, đã chọn con đường theo Đảng, làm công bộc của dân thì dù chức quyền cao đến mấy đều phải biết tu dưỡng, rèn luyện đến suốt đời để giữ trọn phẩm chất của người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tu dưỡng, rèn luyện ở đây không chỉ là cho bản thân mà đó còn là danh dự của cả gia đình, là tấm gương của con cháu.
Đây cũng là thông điệp cho những người có suy nghĩ “hạ cánh an toàn”. Đã vi phạm thì không xác định thời hạn xử lý. Dù là thời điểm nào, tất cả các vi phạm đều được xem xét, kết luận và xử lý một cách nghiêm minh. Hơn nữa, vi phạm pháp luật thì càng không thể trốn tránh được.
Có một thực tế là với những cán bộ đã về hưu mới truy tố thì tài sản Nhà nước đã thất thoát một phần đáng kể. Vậy thì cơ chế giám sát và phát hiện sai sót ngay từ khi họ tại vị được thực hiện một cách hiệu quả vẫn là tốt hơn cả, thưa ông?
Tôi đồng tình với quan điểm này. Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng là phải thường xuyên, liên tục để ngăn ngừa đảng viên không sai phạm. Chúng ta không bao giờ được buông lỏng, chủ quan công tác này.
Giám sát và phát hiện sai sót có thể thực hiện ngay từ vấn đề sinh hoạt chi bộ hàng tháng, hàng năm. Nếu làm tốt khâu này, không để tư tưởng nể nang, ngại va chạm, xuê xoa thì tin rằng, Đảng sẽ không mất cán bộ và công tác cán bộ cũng sẽ không có những câu chuyện buồn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
“Tôi không bất ngờ với việc khởi tố những người này. Họ đã có sai phạm nhãn tiền và việc xử lý về mặt pháp luật chỉ là thời gian. Một lần nữa, dư luận và nhân dân thấy rõ trách nhiệm và tinh thần quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc xử lý những vụ án tham nhũng – “củi đã vào lò thì củi tươi cũng cháy”, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của “ Quốc hội. |
Ngày 11/7, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; khởi tố bị can ông Trần Trọng Tuấn - Phó Chánh văn phòng Thành ủy, nguyên Bí thư Quận ủy quận 3, nguyên Giám đốc sở Xây dựng TP.HCM, và một số bị can khác. Ngày 10/7, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng bộ Công Thương và bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng bộ Công Thương và một số cán bộ khác. |
Thu Dương
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (111)