+Aa-
    Zalo

    Tiến sĩ ung thư nói về những sai lầm trong ăn uống của bệnh nhân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - TS-BS Phạm Hương, bệnh viện K chia sẻ về những sai lầm trong ăn uống, bệnh nhân ung thư cần chú ý để có được sức khỏe tốt.

    TS-BS Phạm Hương, bệnh viện K chia sẻ về những sai lầm trong ăn uống, bệnh nhân ung thư cần chú ý để có được sức khỏe tốt.

    1. Ăn uống gây ung thư mà tôi đang mắc?

    Chỉ một số loại ung thư được cho là liên quan đến thực phẩm, thói quen ăn uống của bạn. Và cũng chưa đủ bằng chứng khoa học kết tội thực phẩm mà bạn hay ăn gây ung thư mà bạn đang mắc.

    – Gần đây các nhà khoa học nghiên cứu cho biết, nếu nướng, rán thực phẩm đạt đến trên 200 độ C, thì chỗ trực tiếp với ngọn lửa, cá, thịt… phát sinh những hợp chất Amin dị vòng là những chất được biết có khả năng gây ung thư.

    Ngoài ra, khi nướng thực phẩm có chất béo thì chất này khi chảy xuống than lửa, bốc khói lên cũng sinh ra một hợp chất có nguy cơ gây ung thư khác là các Hydrocarbon thơm đa vòng.

    – Thực phẩm hun khói benzopyrene gây ung thư, ăn nhiều dễ bị ung thư thực quản và dạ dày.

    – Thực phẩm chiên làm gia tăng nguy cơ phát triển ung thư, đặc biệt là khi chúng chứa các loại dầu hydro hóa – chất béo transfat. Quá trình chiên kĩ hoặc chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ tạo ra sản phẩm phụ gọi là acrylamide. Acrylamide là một chất chứa độc tính thần kinh mạnh, có tác dụng phụ không chỉ trên não, mà cả đối với hệ thống sinh sản. Các loại thực phẩm carbohydrate cao như khoai tây dễ dàng sản xuất acrylamide trong quá trình chiên rán.

    – Thực phẩm bị mốc như: gạo, lúa mì, đậu, ngô, đậu phộng và các loại thực phẩm khác rất dễ ẩm mốc khi bị ô nhiễm, mốc sẽ sản xuất ra chất độc hại gây ung thư là streptozotocin aflatoxin.

    2. Bồi dưỡng quá mức cần thiết

    Nhiều bệnh nhân ung thư, thể chất suy nhược đi nên tích cực bồi bổ nhưng phải hợp lý về số lượng mỗi bữa, tổng lượng mỗi ngày và chất lượng món ăn. Lại có những bệnh nhân thậm chí trong một thời gian ngắn mà bồi bổ quá mức các thực phẩm như thịt cá, cua biển, gà, bò, nhân sâm, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, rùa.. nhồi nhét vào cơ thể như vậy là không đúng.

    Bệnh nhân ung thư sau khi phẫu thuật, hóa xạ trị thường ăn uống kém, chức năng dạ dày suy giảm rõ rệt. Trong giai đoạn này nếu tích cực bồi bổ thì cơ thể sẽ không thể hấp thụ hết được. Khi chức năng dạ dày bị suy yếu dẫn đến ăn uống kém hơn, dạ dày không kịp hồi phục không có lợi cho sự hồi phục của bệnh nhân. Việc bồi bổ không nên dồn cùng một lúc mà cần phải từ từ, phù hợp với lứa tuổi, khẩu vị, sở thích, hoàn cảnh kinh tế, hoàn cảnh thời gian người chăm sóc…của từng người bệnh. Chưa kể bệnh nhân có tổn thương đường tiêu hóa như miệng, họng, thực quản, dạ dày thì nên bồi bổ vừa phải, bữa nhỏ, nhiều bữa trong ngày và từ từ. Nếu cần thiết thì phải can thiệp dinh dưỡng đường tĩnh mạch nữa. Người bệnh cần uống nhiều nước mỗi ngày.

    3. Giảm ăn, ăn kiêng, thực dưỡng không đúng cách

    Có một quan điểm sai lầm đang tồn tại: ăn uống càng bổ dưỡng thì sẽ khiến khối u phát triển nhanh, cần phải giảm bớt việc ăn uống, “bỏ đói” khối u.

    Tuy nhiên cho đến nay, chưa có chứng minh lâm sàng nào cho thấy hiệu quả của việc điều trị ung thư bằng phương pháp nhịn ăn để “bỏ đói khối u”. Hậu quả của nhịn đói là tình trạng dinh dưỡng của toàn cơ thể kém đi, thể lực giảm sút, hệ miễn dịch giảm sút dẫn tới nhiễm trùng, lâu liền vết thương…nên không thể hoàn thành điều trị chống khối u. Vì thế, không nên áp dụng nhịn ăn “bỏ đói khối u” không có cơ sở khoa học.

    Khái niệm bỏ đói tế bào ung thư thực ra là phương pháp nút mạch (cắt đứt nguồn dinh dưỡng đến nuôi u) trong một số ung thư như ung thư gan. Duy trì dinh dưỡng đầy đủ mới là cơ sở nền tảng của việc điều trị. Nhiều bệnh nhân truyền tai nhau không ăn đường, không ăn thịt đỏ. Mới đây nhất các nhà khoa học Đại học California (Mỹ) đã phát hiện đường Neu5Gc có trong thịt đỏ góp phần làm tăng khả năng phát triển khối u. Nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm Neu5Gc trên chuột. Kết quả cho thấy, chuột sử dụng Neu5Gc có khối u hình thành nhiều hơn gấp 5 lần so với chuột được nuôi không có loại đường này. Mọi thứ dừng lại ở đây, chưa chứng minh được trên người. Vả lại, bệnh nhân cũng đâu có ăn nhiều thịt đỏ mỗi ngày mà cần phải kiêng? đối với bệnh nhân ung thư cần cân đối các nguồn thực phẩm theo tỷ lệ 30% thuộc về các loại hạt; 30% thức ăn từ các loại củ; 20% từ các loại rau, quả ; 10% từ đạm động vật như cá, tôm, cá hồi, cá quả, bào ngư, sò huyết, hải sâm, yến…10% còn lại có thể từ các nguồn dinh dưỡng chế biến khác như tảo biển, tảo nâu (Fucoidan), phiêu sinh vật biển (Phytoplankton )…

    4. Ăn uống bạt mạng không cần kiêng

    Kiêng kỵ trong ăn uống là nội dung quan trọng trong việc cứu chữa cho người bị bệnh ung thư. Vậy kiêng hay không kiêng?

    Nên tuân theo nguyên tắc: Tùy người, tùy bệnh, tùy lúc, thực hiện biện chứng để áp dụng cách ăn uống thì mới có lợi cho việc phục hồi sức khỏe và kéo dài thời gian sống của người bệnh.

    4.1. Kiêng tùy món

    Thống kê dưới đây một số nhóm thực phẩm ăn uống người mắc bệnh ung thư cần kiêng kị, tuy nhiên cũng còn tùy vào từng cơ thể, từng dạng bệnh và từng thời điểm mà có chế độ ăn kiêng cho phù hợp:

    • Các thực phẩm chế biến sẵn: thịt đóng hộp, các đóng hộp, hambuger, thịt nguội, xúc xích, thịt xông khói, v.v.... đều không nên ăn.

    • Nhóm đồ uống có cồn, có ga: Bia, rượu, các loại nước ngọt đóng chai đều không nên dùng.

    • Nhóm thủy hải sản nuôi ở vùng ô nhiễm, gần nơi có thải chất thải công nghiệp: hạn chế ăn trai, ốc, hến do có thể chúng sống dưới bùn thì có nồng độ chì cao.

    • Thức ăn lên men: Các thử nghiệm trên động vật cho thấy chất lên men gây ung thư rất mạnh. Không nên dùng nhiều dưa muối, thịt ngâm, thịt muối, giăm-bông.

    • Cà phê: Là loại thức uống mà người bệnh ung thư không nên dùng, nhất là những trường hợp bị ung thư bàng quang, tuyến tụỵ...

    • Thức ăn nướng: Thức ăn nướng bị nghi ngờ là yếu tố gây ung thư. Những người dùng nhiều thức ăn nướng lửa có nguy cơ mắc ung thư nhiều hơn do quá trình nướng tạo ra formol - chất gây ung thư.

    4.2. Kiêng tùy người

    Phải căn cứ vào tình trạng thể chất của bản thân người bệnh để quyết định. Người có hư, thực, hàn, nhiệt khác nhau, các thức ăn uống cần phải phân biệt hàn, nhiệt, ôn, lương. Trong tây y cũng vậy, người bệnh bị ung thư nhưng kèm thêm một bệnh nào đó nữa thì phải ăn kiêng.

    - Đối với người thể hư (thể chất vốn hư nhược) cần chọn các chất thanh đạm, dễ tiêu, dinh dưỡng cao, kiêng ăn các thức ăn dầu mỡ ngậy béo, đậm đà, khó tiêu như các thức chiên, rán, thịt mỡ. Nếu không thì gây ra ứ trệ, lưu trữ, làm thay đổi bệnh

    lý như đờm ứ, độc nhiệt tăng thêm.

    - Đối với người thể nhiệt nên chọn thức ăn mát, kiêng các thức cay, các thứ ngậy béo như gừng, hành, tỏi, ớt, rượu, các thức hun nướng, thịt dê, thịt chó, thịt gà, thịt chim sẻ. Những thức này nếu ăn quá nhiều sẽ sinh đờm động hỏa, hao tán khí huyết làm bệnh nặng thêm.

    - Đối với người thể hàn (dương khí không đủ, nhất là tỳ vị hư hàn), nên chọn các thức ăn bình bổ; kiêng ăn các thức sống, lạnh như các loại dưa và trái cây sống lạnh, các thức uống lạnh, các thứ rau mát và những hải sản có tính lạnh, vì những thứ này rất hại cho tỳ dương, gây ra dương khí càng suy, làm bệnh nặng thêm.

    - Đối với người thể thực (những người đang cường tráng mà mới bị bệnh ung thư) nên tăng protein vào một cách thích đáng, kiêng ăn quá nhiều một thứ như vịt, gà, cá; kiêng thuốc lá, rượu; nhất là kiêng ăn uống bừa bãi, kiêng các thức có hàm lượng mỡ cao (thịt mỡ, thịt gà, thịt dê). Nếu không sẽ phát sinh hoặc làm nặng thêm các bệnh nhiệt bên trong.

    - Người bệnh ung thư có bệnh lý khác kèm theo thì phải ăn kiêng. Ví dụ: kèm loét dạ dày hành tá tràng thì kiêng chua, cay, nóng, kiêng ăn quá no hoặc đói, kiêng ăn đồ cứng, đồ lâu tiêu. Kèm bệnh cao huyết áp ần kiêng mặn. Kèm bệnh tiểu đường thì kiêng đường, hạn chế glucid. Kèm bệnh suy thận thì kiêng thức ăn nhiều muối, kiêng đạm động cao, kiêng mỡ động vật, kiêng những hoa quả nhiều kali như nho, chuối…Kèm suy gan thì nên kiêng đạm động vật, đồ chiên rán, món ăn nhiều mỡ.

    4.3. Tùy bệnh ung thư mà kiêng

    Tùy các bệnh ung thư khác nhau mà biểu hiện lâm sàng của chúng cũng khác nhau rõ rệt, do đó, việc nên ăn hay nên kiêng thứ gì cũng không giống nhau mà phải căn cứ vào bệnh tình để quyết định.

    Nếu bệnh nhân ung thư mà phát thành sốt thì y học phương Đông gọi là người bệnh tính nhiệt, việc kiêng kỵ trong ăn uống hết sức quan trọng. Thiên nhiệt bệnh - sách Tố vấn nói: “Bệnh nhiệt đới chữa được một ít, nếu ăn thịt thì bệnh trở lại, nếu ăn nhiều thì để lại di chứng, cho nên thứ này phải cấm”. Y học hiện đại cho rằng phát nhiệt tạo thành những chất mang tính chất acid tích tụ lại trong người; ăn thịt vào khi nó phân giải trong cơ thể cũng sinh ra nhiều chất mang tính acid. Khi những chất mang tính acid trong người tăng lên rõ rệt thì tính kích thích rất mạnh, sẽ làm hại công năng các khí quan của cơ thể, bởi vì môi trường acid là môi trường tốt nhất cho các tế bào ung thư phát triển mạnh, do vậy cần phải thay đổi chế độ ăn uống để làm thay đổi môi trường sống của tế bào ung thư.

    Theo lý luận của y học phương Đông thì cua có tác dụng hoạt huyết hóa ứ (làm tan ứ) rất tốt, người đau dạ dày mà do huyết ứ ăn cua rất có lợi, tất nhiên cũng không nên ăn nhiều vì gạch cua tính hàn.

    Nếu người bệnh bị ung thư bàng quang thì cần kiêng ăn bột trân châu. Hiện nay đang lưu truyền ý kiến: Bột trân châu (ngọc trai tự nhiên) có thể giải độc và chữa ung thư, nhưng lại có một số người bị ung thư ăn bột trân châu vào bệnh tình bị xấu đi.

    4.4. Tùy lúc mà kiêng

    Khi bị bệnh ung thư, cần căn cứ vào các thời kỳ khác nhau của bệnh mà chọn những thức ăn khác nhau và kiêng kỵ khác nhau. Ví dụ khi điều trị bằng phóng xạ và điều trị bằng hóa chất, thường xuất hiện phản ứng giảm bạch cầu, lúc đó cần ăn nấm, ăn lươn, ba ba, long nhãn; nếu xuất hiện miệng và lưỡi bị khô táo thì ăn mật ong, hải sâm, hạnh nhân, sau khi công năng toàn thân giảm sút, đường tiêu hóa càng bị ảnh hưởng rõ rệt, nên cần kiêng thuốc lá, rượu, các thức ăn cay, béo (ớt, thịt mỡ); sau khi điều trị bằng phóng xạ, càng kiêng ăn các thức có tính nhiệt hại đến âm (như thịt dê, thịt chó, v.v...). Còn bệnh ung thư sau khi mổ, người bệnh cần bồi bổ bằng các thức thuần khiết, gọi là thanh bổ và các thức bình hòa, kiêng ăn ngậy béo, dầu mỡ, vị đậm, hải sản tanh và các thứ cay, nóng.

    5. Tìm siêu thực phẩm trị ung thư

    Bác sĩ Sunarja, chuyên gia dinh dưỡng cao cấp của Trung tâm ung thư CanHOPE, Singapore nhìn nhận sở dĩ một số sản phẩm được dán nhãn "siêu thực phẩm" vì chúng có đặc tính chống oxy hóa hoặc chứa các chất phytonutrient, phytochemical hoạt động như hoạt tính chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa được cho là có khả năng kháng lại các gốc tự do - một trong những nguyên nhân gây ung thư. Chất chống oxy hóa cũng có trong rất nhiều thực phẩm thường ngày như sữa chua, trứng, các loại hạt, quinoa, bông cải xanh và quả mọng. Nếu xét về công dụng, bác sĩ cho rằng tất cả loại rau củ quả đều xứng đáng được gọi là siêu thực phẩm do đặc tính dinh dưỡng đa dạng của chúng. Việc nhà sản xuất thổi phồng công dụng của vài loại thực phẩm chỉ là chiêu tạo cơn sốt để đẩy giá sản phẩm lên cao.

    Trả lời cho câu hỏi "Các siêu thực phẩm có thực sự giúp chống lại ung thư?", bác sĩ Sunarja cho rằng đến nay chưa có bằng chứng khoa học khẳng định việc sử dụng một vài loại siêu thực phẩm nào đó, một loại sữa quảng cáo nào đó có thể ngăn ngừa ung thư. "Không phủ nhận mặt tốt từ việc ăn các loại thực phẩm như vậy, nhưng thực tế không một loại siêu thực phẩm nào có sức mạnh tiêu diệt hoặc ngăn ngừa bệnh ung thư hoàn toàn", bác sĩ nói. Vì vậy người bệnh ung thư không cần thiết mất công, mất thời gian đi tìm ăn “siêu thực phẩm” chống ung thư. Hãy ăn uống bình thường như những gì trong nhà bạn có, gà nuôi trong chuồng, cá nuôi dưới ao, trứng, sữa mua được ở chợ gần nhà. Có gì ăn nấy.

    6. Chỉ bồi dưỡng khi điều trị

    Người bệnh đang điều trị cần bồi dưỡng ăn uống tốt để có sức khỏe tham gia vào các phương pháp điều trị đủ mạnh, đúng liệu trình. Tuy nhiên khi ra viện vẫn nên bồi dưỡng, ăn uống đủ chất, khoa học, hợp lý để suy trì sức khỏe, hệ miễn dịch tốt – được cho là góp phần giảm nguy cơ tái phát.

    Những thông điệp

    1. Ung thư không phải là một bệnh mà là tập hợp hơn 200 loại ung thư, mỗi loại lại có hàng chục phân nhóm, liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh khác nhau. Nên không có một món ăn nào, một kiểu ăn nào được cho là thủ phạm gây ung thư.

    2. Không có một chế độ ăn hoàn hảo nào thiết kế cho tất cả bệnh nhân ung thư.

    3. Dinh dưỡng hợp lý là yếu tố hết sức quan trọng góp phần vào thành công của điều trị.

    4. Không cần thiết phải ăn uống quá cầu kỳ, đặc biệt - gây tốn kém, mệt mỏi, căng thẳng cho mỗi bữa ăn,

    5. Không nhất thiết bữa nào cũng phải bổ dưỡng, nhiều, ngon. Thỉnh thoảng chấp nhận cơ thể đói, ăn những món tưởng như không có giá trị nhưng ngon miệng cũng được.

    6. Dinh dưỡng chưa bao giờ được coi là một phương pháp điều trị ung thư. Vì vậy người bệnh cần tham gia điều trị bài bản bời những phương pháp hiệu quả đã được khoa học thừa nhận

    BS Phạm Thị Việt Hương
    Bệnh viện K trung ương
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tien-si-ung-thu-noi-ve-nhung-sai-lam-trong-an-uong-cua-benh-nhan-a206834.html
    Sự kiện: Bệnh Ung Thư
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan