Hiện nay, nhiều học sinh đang đối mặt với những khó khăn trong việc học Toán, như: sợ Toán, không hiểu bài, thiếu động lực học tập. Điều này phần lớn là do phương pháp giảng dạy truyền thống chưa thực sự phù hợp. Đổi mới phương pháp giảng dạy là chìa khóa để giải quyết vấn đề trên.
Theo Tiến sĩ Toán học Nguyễn Phụ Hoàng Lân: “Nhiều người có suy nghĩ “Toán học khô khốc như những con số và phép tính”, nhưng với tôi Toán học rất thú vị. Ví dụ một con số thôi, nhưng nó là kết quả của việc rất nhiều phân tích, tổng hợp từ các dữ liệu khác, nó có thể giúp chúng ta xem khi nào nên mua, bán cổ phiếu chẳng hạn, với giá bao nhiêu thì có lời”.
Phát triển tư duy của học sinh
Tiến sĩ Lân cho rằng, tình hình giảng dạy Toán học ở Việt Nam hiện nay có nhiều điểm mạnh, như tư duy học sinh khá tốt, gia đình và các em khá coi trọng và đầu tư thời gian, tài chính cho việc học Toán. Tuy nhiên, cũng cần phải cải thiện tình trạng học để thi, học theo mẫu….việc học và dạy đôi khi chưa được đúng bản chất….
Toán học đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển tư duy và kỹ năng của học sinh. Ngoài việc phát triển kỹ năng tính toán, sử dụng các công cụ học toán (máy tính, phần mềm) và là nền tảng cho nhiều môn học khác như khoa học tự nhiên, kinh tế, kỹ thuật, tin học,… Toán học còn giúp người học phát triển tư duy logic và phân tích.
“Toán học yêu cầu học sinh phải suy nghĩ một cách logic và có hệ thống, từ đó phát triển khả năng suy luận, phân tích vấn đề và tìm ra các giải pháp phù hợp. Việc giải quyết các bài toán giúp học sinh rèn luyện tư duy phân tích, phân chia vấn đề thành các bước nhỏ hơn và tiếp cận một cách có trình tự”, Tiến sĩ Lân cho hay.
Ngoài ra Toán học còn giúp người học tăng cường khả năng giải quyết vấn đề, khả năng tư duy trừu tượng, tư duy sáng tạo và khả năng quản lý thời gian, làm việc có kỷ luật.
“Toán học thường yêu cầu học sinh phải làm việc một cách có hệ thống và cẩn thận. Quá trình giải toán, đặc biệt là các bài toán phức tạp, đòi hỏi học sinh phải kiên nhẫn, có kỷ luật, và biết cách quản lý thời gian để hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài việc phát triển tư duy logic, toán học còn khuyến khích học sinh sáng tạo trong việc tìm ra các phương pháp giải quyết vấn đề mới mẻ và khác biệt. Điều này giúp học sinh không chỉ dừng lại ở những phương pháp giải quyết vấn đề truyền thống mà còn tìm tòi, khám phá những cách tiếp cận mới”, Tiến sĩ Lân chia sẻ.
Đổi mới phương pháp giảng dạy Toán học
Tiến sĩ Lân cho rằng, để đổi mới phương pháp dạy-học môn Toán, giúp học sinh yêu thích môn học này hơn, trước tiên cần nhấn mạnh rõ bản chất của môn Toán là gì, mục tiêu của việc học Toán, vai trò của giáo viên là gì,… rồi mới đến các cách thức của việc đổi mới phương pháp dạy-học.
Trước hết, cần phải xác định đúng bản chất của Toán học. Toán học không chỉ là sự tính toán nhanh chóng mà còn là sự tư duy logic, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề. Việc này đòi hỏi phải thay đổi quan niệm rằng toán học chỉ là việc học công thức và áp dụng máy móc. Thay vào đó, Toán học cần được nhìn nhận như một quá trình khám phá, đặt câu hỏi đúng và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo.
Sau đó, xác định mục tiêu của việc học Toán là gì?.”Ở một số nước phát triển, từ nhiều chục năm trước khi xây dựng chương trình giáo dục họ đã đặt câu hỏi tôi cần học sinh của tôi có phẩm chất, năng lực gì để có thể thành công trong cuộc sống sau này và họ sẽ xây dựng chương trình để giúp học sinh đạt được những phẩm chất và năng lực đó. Ví dụ, với môn Toán, họ nhận thấy rằng có thể giúp cho học sinh hình thành các thói quen tư duy như: thu thập và biểu diễn dữ liệu, mày mò, thử nghiệm, phỏng đoán, tìm kiếm quy luật,…”, Tiến sĩ Lân cho hay.
Theo Tiến sĩ Lân, cần xác định rõ vai trò của giáo viên là người gợi mở để học sinh khám phá kiến thức; đồng hành hỗ trợ để các em có thể học-tập chủ động và có hiệu quả; chú trọng mô tả quy trình các thầy cô tư duy giải quyết vấn đề như thế nào và khuyến khích, hướng dẫn các em tập làm theo, dần hình thành và phát triển các thói quen tư duy, kỹ năng đặt câu hỏi đúng, khả năng phân tích, đánh giá….cho học sinh.
Việc hướng dẫn giải mẫu càng nhiều bài tập càng tốt cho học sinh rõ ràng không thể đáp ứng được việc giúp học sinh trở thành một người học độc lập suốt đời, qua đó giúp các em có khả năng cạnh tranh cao trong thị trường lao động ngày càng khốc liệt hiện nay, nhất là trong bối cảnh AI ngày càng phát triển và thực hiện rất tốt những công việc cơ bản, phổ thông như hiện nay.
Tiến sĩ Lân cho rằng, việc đổi mới phương pháp dạy học, trước hết cần giảm bớt tập trung vào việc học thuộc công thức và tính toán nhanh. Giáo viên cần giảm bớt sự nhấn mạnh vào tính toán nhanh chóng, phải có câu trả lời chính xác ngay lập tức. Thay vào đó, hãy khuyến khích học sinh phân tích các hướng, thử sai để tìm ra cách làm hiệu quả nhất.
Ngoài ra, cần tạo cơ hội cho học sinh đặt câu hỏi. Học sinh cần được khuyến khích đặt câu hỏi và tự tìm câu trả lời. Điều này có thể được thực hiện thông qua các hoạt động thảo luận nhóm, giải quyết các vấn đề mở hoặc thực hiện các dự án nghiên cứu nhỏ.
Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc tích hợp công nghệ và công cụ hỗ trợ vào giảng dạy là rất cần thiết, giúp học sinh khám phá các khái niệm Toán học một cách linh hoạt và thú vị.
Thay vì tập trung vào lý thuyết khô khan, giáo viên nên sử dụng các phương pháp trực quan, ứng dụng thực tế và trò chơi tương tác để học sinh thấy Toán học không chỉ là công thức mà còn là công cụ hữu ích trong cuộc sống. Bằng cách tạo môi trường học tập sinh động và gắn kết với thực tế, học sinh sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức và yêu thích môn Toán hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Phụ Hoàng Lân tốt nghiệp Tiến sĩ Toán học tại Đại học Purdue, West Lafayette, Indiana, Mỹ; hiện đang công tác tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tiến sĩ Lân có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy Toán tại Mỹ, xây dựng chương trình và giảng dạy toán tại Việt Nam tại nhiều bậc học khác nhau, cho các đối tượng học sinh khác nhau: trường công, trường tư, trường quốc tế, trường chuyên,…
Từ nhiều năm nay, Tiến sĩ Lân được biết đến là một tiến sĩ trẻ có nhiều kinh nghiệm, tình yêu đối với môn Toán, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục Việt Nam.