Vô cảm chính là sự trơ lì cảm xúc
PV: Thưa Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Thanh Huy, ông có thể cho chúng tôi biết có phải xã hội càng phát triển thì con người ta ngày càn trở nên "vô cảm"?
Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Thanh Huy: Đó là căn bệnh của cách hành xử, căn bệnh của lối sống hiện đại... Ngày nay, bên cạnh nhiều nét đẹp vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta với những con người luôn biết cống hiến, đồng cảm, chia sẻ, cưu mang, giúp đỡ người khác, thì cũng có không ít cá nhân sống ích kỷ, vô trách nhiệm, vô cảm, vô đạo đức...
Vô cảm chính là sự trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ, "máu lạnh" với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Ra đường gặp cái đẹp không mảy may rung động, gặp cái tốt không ủng hộ, thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, không dám chống lại...
Trước đây, vô cảm chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, nhưng bây giờ đang có chiều hướng lan rộng, nếu không có những biện pháp ngăn chặn thì có thể trở thành một căn bệnh có tính xã hội. Trong cơn lốc toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với việc tiếp thu những tinh hoa của văn minh nhân loại thì lối sống hưởng thụ và mặt trái của nền kinh tế thị trường đang tác động mạnh đến tâm lý xã hội, dần dần hình thành lối sống thực dụng trong một số cá nhân.
Người ta có thể thản nhiên đứng nhìn cảnh một kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu; một vụ nữ sinh lột áo, giật tóc, đánh hội đồng; một vụ làm nhục người khác, một vụ giết người dã man... như xem một màn kịch, lấy điện thoại ra quay rồi tung lên mạng. Người ta coi như không nhìn thấy kẻ gian móc túi trên xe buýt mặc dù việc đó xảy ra sờ sờ trước mắt. Từ những chuyện tranh cãi hay xô xát lặt vặt nhưng không ai lên tiếng can ngăn và thế là dẫn tới án mạng.
PV: Thưa ông, tại sao người ta không can thiệp? Bởi người ta vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Bởi người ta sợ liên lụy, mang vạ vào thân.. ?
Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Thanh Huy: Hằng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta thấy tràn ngập các vụ việc "cướp, giết, hiếp" hay "tiền, tình, tù tội", nhiều vụ kinh hoàng, sởn gai ốc. Báo chí có tác dụng cảnh báo, nhưng đọc mãi thành quen, rồi chai sạn, thờ ơ trước những chuyện tày trời như thế. Không ít vụ việc phơi bày sự vô cảm đến tàn nhẫn của những người chứng kiến.
Thái độ ứng xử trước nỗi đau, tai họa của người khác là phản ứng tự nhiên mang tình người, là thước đo đạo đức, là sự sát hạch đạo đức xã hội một cách nghiêm khắc nhất. Trước nỗi đau, tai họa và bất công mà người khác phải chịu đựng, nhưng ai đó không phản ứng được tức là đã bị tê liệt về tinh thần xã hội. Đó là sự suy đồi về lối sống, suy thoái về đạo đức.
Như vậy, trên bình diện xã hội, bệnh vô cảm đã phản ánh sự suy giảm nền tảng đạo đức và tinh thần của xã hội. Khi sự gắn kết giữa người với người trong xã hội bị rạn nứt, thậm chí bị đứt gãy thì nó làm cho con người không dám tin vào điều thiện, không dám đứng lên chiến đấu chống cái xấu và cái ác. Vô cảm triệt tiêu tính tự phản ứng như một lẽ tự nhiên trước những tiêu cực, bất công, ngang trái.
Khi căn bệnh này không được ngăn chặn thì xã hội sẽ không tránh khỏi bị sụt lở nền tảng đạo đức và tinh thần, gây hoang mang, làm nảy nở cái xấu, cái ác. Trong những hoàn cảnh nhất định, cái thiện và cái tốt sẽ bị cái xấu, cái ác tấn công, xâm hại; lẽ phải bị triệt tiêu, công lý bị đẩy lùi.
Như vậy, những hành vi vô cảm không chỉ đơn thuần làm hủy hoại nhân cách con người mà còn làm xói mòn nền tảng đạo đức, làm rối loạn trật tự xã hội và xa hơn nữa là kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Cần kết hợp nhiều giải pháp
PV: Thưa Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Thanh Huy, ông có thể cho biết bệnh "vô cảm" có chữa trị được không?
Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Thanh Huy: Không khó nhận ra bệnh vô cảm, nhưng làm sao để chữa được bệnh thì không hề đơn giản. Sự mất lòng tin trong xã hội, sự ích kỷ, tính thực dụng trong lối sống của một bộ phận cá nhân làm cho bệnh thêm nặng. Để chữa trị căn bệnh "ung thư tâm hồn" này, cần phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Đó chính là việc xây dựng và không ngừng nhân lên những yếu tố tích cực trong xã hội. Một môi trường xã hội tốt, lành mạnh sẽ tạo được "sức đề kháng" cao với căn bệnh này. Ngược lại, trong một môi trường xã hội xấu, nơi mà tiêu cực lấn át tích cực thì bệnh vô cảm sẽ lây lan. Phải bền bỉ xây dựng văn hóa ứng xử, tạo đời sống tinh thần phong phú, mà ở đó các giá trị tinh thần, đạo đức của xã hội được xác lập rõ ràng, thể hiện mạnh mẽ, để ai làm những điều xấu cũng phải sợ, cũng phải ngại. Nếu cái tốt, cái thiện ở thế thượng phong, nếu ở đâu người tốt cũng biết đoàn kết, hợp lực tạo nên sức mạnh thì ở đó chắc chắn cái xấu, cái ác sẽ từng bước bị đẩy lùi, sự vô cảm sẽ mất dần đi.
PV: Thưa Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Thanh Huy, tất cả chúng ta đều phải day dứt trước câu hỏi: Bây giờ đời sống của người dân khấm khá hơn trước rất nhiều nhưng tại sao bệnh vô cảm lại nặng hơn?
Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Thanh Huy: Như thế càng thấy rõ, không phải cứ nghèo là vô cảm, không phải cứ túng là làm liều. Thuốc chữa bệnh vô cảm nằm ở sự truyền phổ sâu sắc những giá trị truyền thống của dân tộc, thẩm thấu vào trong đời sống xã hội. Xã hội càng hiện đại thì những giá trị đó lại càng cần nhân rộng, không được đổ lỗi cho những làn sóng lai tạp, mạng xã hội xô bồ che lấp, lấn át những giá trị truyền thống.
Khi bệnh vô cảm trong xã hội càng lây lan thì sự gắn kết, tình người càng bị mai một. Xã hội cần có ngọn lửa nhân ái lan tỏa. Đó chính là tiêu chí của một xã hội văn minh. Cuộc chiến chống bệnh vô cảm cần được triển khai trong từng gia đình, trước hết là giáo dục con cháu bằng các hành vi ứng xử mẫu mực của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi.
Tôi đã từng được chứng kiến một việc đáng buồn: Hôm đó, chúng tôi đang đi trên đường phố thì thấy một cụ già gầy guộc, quần áo cáu bẩn, ngồi bên vỉa hè chìa tay xin ăn. Một cháu bé chừng 8 tuổi đi cùng với bố mẹ liền đưa cho cụ già gói bánh cháu đang cầm trên tay. Cụ già nói, giọng thều thào: Cảm ơn cháu. Lập tức, người mẹ sẵng giọng nói với cháu bé: "Ăn mày giả vờ đấy con ạ". Cháu bé ngơ ngác không hiểu mình đã làm sai điều gì.
Mặc dù xây dựng nền tảng đạo đức xã hội luôn là điều cốt yếu, nhưng cũng cần có những quy định pháp lý để chống bệnh vô cảm. Không gì có thể thay thế việc khơi dậy lòng nhân ái và dũng khí trong mỗi con người, tinh thần trách nhiệm và dũng khí của các cơ quan chức năng trước những ngang trái và bất công.
Cần xây dựng một xã hội đồng cảm và chia sẻ. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện được triển khai rộng khắp ở các cấp là đang hướng tới một xã hội như vậy. Một xã hội vô cảm sẽ là một "xã hội chết" - cái chết trước hết từ trong tâm hồn.
PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Thanh Huy. Xin chúc ông thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến những đóng góp tích cực cho xã hội.
MINH HẢI