Đến tiệm sách của ông, người yêu sách không cần đặt cọc tiền, không cần ghi sổ, không quy định thời gian trả khi thuê sách. Thậm chí, khách mượn sách rồi lấy luôn ông cũng không buồn. Hơn 10 năm nay, nơi đây không chỉ giúp người yêu sách tích lũy kiến thức mà còn trở thành nơi trút bầu tâm sự của nhiều bạn trẻ. “Ông chủ” của hiệu sách đặc biệt này là ai?
Nơi lưu trữ hơn 10.000 tác phẩm
15h mỗi ngày, ông Nguyễn Ngọc Cần, 68 tuổi, ngụ quận 4 (TP.HCM) lại mở cửa tiệm sách đặc biệt của mình tại số 21 đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Tiệm đặc biệt bởi không như những nơi khác, tại đây, người yêu sách được chào đón với nhiều “đặc ân” của “thượng đế”.
Cụ thể, sách tại tiệm được ông Cần bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các nhà sách khác, khách mua rồi được phép trả lại hoặc đổi lấy một loại sách khác.
Nếu đến thuê sách, khách cũng tùy ý lựa chọn, đem sách về nghiền ngẫm mà không cần đặt cọc tiền, không cần ghi sổ. Tiệm cũng không quy định thời gian khách trả sách, thậm chí khách mượn rồi lấy luôn sách ông cũng không màng. Thông tin về những “quy định” lạ kỳ tại tiệm sách của mình, ông Cần nói: “Từ nhỏ đến bây giờ, tôi vẫn là một “con mọt sách”. Lúc nhỏ, nhà tôi nghèo lắm, không có tiền mua sách để đọc. Tôi luôn có ước mơ sẽ mở một tiệm sách miễn phí cho người yêu sách nhưng không có điều kiện mua sách về đọc như mình lúc xưa”.
Cách đây hơn chục năm, ông Cần bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ của mình. Thời điểm mới bắt đầu, nhiều người nghĩ ông không bình thường và tiên đoán tiệm sách “chỉ trụ được vài tháng”. Thế nhưng, những tháng ngày nhịn ăn để mua sách, lén vào nhà sách để “đọc cọp”... khiến ông tin rằng, còn nhiều người “khát” sách như mình. Thế là, ông sửa sang lại căn nhà mặt phố, tự tay đóng kệ, đem những cuốn sách dày công sưu tầm từ thời thanh niên để mở tiệm sách miễn phí.
“Ban đầu, sách còn ít, tiệm chỉ là một góc nhỏ phía trước nhà nhưng cũng có rất nhiều người đến đọc, thuê sách. Thấy vậy, tôi càng mê công việc này. Mỗi khi có tiền, tôi đều đi mua sách. Mỗi buổi sáng, tôi đến các nhà sách mua những cuốn sách hay, sách mới thuộc nhiều thể loại khác nhau để bổ sung vào tủ sách ở tiệm. Sau này, thấy việc làm của tôi có ý nghĩa, nhiều người quan tâm ủng hộ. Thay vì đem sách cũ ở nhà đi bán, họ đem đến tặng tôi. Cứ thế, “bộ sưu tập” của tôi ngày một nhiều tác phẩm hay hơn”, ông Cần chia sẻ.
Cũng theo ông, đến nay, tiệm sách đặc biệt của ông đã có hơn 10.000 tác phẩm các loại. Sách trong tiệm bây giờ không chỉ được ông sắp xếp ngăn nắp theo từng thể loại trên các kệ dưới sàn nhà, chúng dần “leo lên” cầu thang, gác mái, trần nhà... Lối đi trong tiệm cũng dần bị thu hẹp để nhường chỗ cho các kệ sách mới. Dù vậy, chúng vẫn được ông phân loại, sắp xếp theo trình tự, logic nhất định. Sách nhiều cả về số lượng lẫn chất lượng là vậy nhưng tiệm không hề có biện pháp an ninh, tránh mất trộm.
Thấy chúng tôi thắc mắc, ông Cần nói rằng: “Ở đây, có bị mất sách hay khách mượn rồi lấy luôn tôi cũng không màng. Nếu bị khách lấy trúng sách quý, sách hay, tôi chỉ nghĩ mất cuốn này sẽ có cuốn khác, miễn sao kiến thức trong sách đến được với người đọc”.
Ông Cẩn chia sẻ nguyên nhân mở tiệm sách. |
Nhân duyên đến từ đam mê sách
Ông nói, đến bây giờ, ông không biết mình đã mất bao nhiêu cuốn sách nữa. Bởi, ông chưa bao giờ thống kê, ghi sổ số sách đã cho mượn. Ông chỉ dành tiền mua thêm sách mới để tiệm sách của mình phục vụ được nhiều đối tượng hơn. “Tôi nghĩ, sống trên thế gian này mình nợ nhiều lắm. Mình đâu có sống một mình được mà phải vay mượn nhiều. Do đó, mình phải sống tốt với mọi người. Sống được như vậy, nhiều khi không mong cầu nhưng đời vẫn đem đến cho mình những điều hạnh phúc”, ông lý giải.
Mở tiệm sách với tâm niệm không mong cầu lợi nhuận nên ban đầu, khách của ông chủ yếu là những người có tuổi. Họ đến với ông để có thêm tài liệu về Phật giáo và trở thành bạn thân của ông. Sau này, giới trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên đến tiệm nhiều hơn. Điều này khiến ông hạnh phúc và càng quyết tâm mua thêm sách, chuẩn bị thức uống, đồ ăn nhanh miễn phí cho khách của mình.
Để minh chứng, ông chỉ tay về chiếc kệ đựng đầy cà phê gói, mì tôm, trà túi lọc... rồi nói: “Tiệm có cà phê gói, trà... Ai cần cứ lấy sử dụng. Thậm chí các em sinh viên, đến đây đọc sách nếu đói có thể lấy mì tôm tôi chuẩn bị sẵn để ăn. Tất cả đều miễn phí”.
Cảm động trước việc làm nhân văn của ông, nhiều mạnh thường quân đã đồng hành, ủng hộ. Họ gửi tặng thức ăn nhanh, đồ uống cho tiệm để tiệm phục vụ người yêu sách tốt hơn. Hiện nay, tiệm nhận được nhiều sách, quà tặng đến nỗi, ông kiêm luôn việc phân loại và tặng lại cho các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa.
Thời điểm chúng tôi có mặt, tiệm đang phục vụ một số người đọc thân quen. Phía bên ngoài, một sư ông đã cao tuổi có lẽ đã tìm thấy cuốn sách tâm đắc bấy lâu. Giữa thanh âm ồn ào phố thị, ông ngồi lặng như tờ, mắt dán vào những trang sách.
Trong khi đó, bên trong tiệm, một bạn sinh viên đang cố gắng tìm kiếm cuốn sách yêu thích của mình. Cậu chưa dám nhờ người chủ tiệm chỉ vị trí cuốn sách vì biết ông đang hướng dẫn cho một ông khách cao tuổi hơn. Chia sẻ với chúng tôi, nam sinh viên cho biết, tiệm sách của ông Cần là “địa chỉ đỏ” của các bạn sinh viên yêu sách. Bởi, tại đây, các bạn không chỉ tìm được kiến thức từ các trang sách mà còn được ông chủ chuyện trò, chia sẻ mỗi khi vướng muộn phiền. “Ông Cần không chỉ là chủ tiệm sách mà còn là người gỡ rối tơ lòng. Biệt danh này của ông các bạn sinh viên ai cũng biết”, nam sinh viên tiết lộ.
Nghe “khách quen” tiết lộ “biệt danh”, ông Cần lý giải: “Ai đến tiệm đều được tôi chuyện trò. Tôi luôn muốn tạo ra một bầu không khí thân quen, thoải mái cho những ai đến tiệm của mình đọc sách. Có lẽ trò chuyện nhiều thành quen nên sau này khi đến tiệm, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn chia những nỗi niềm, muộn phiền về gia đình, cuộc sống, tình cảm. Những lúc như thế, tôi lắng nghe rồi chia sẻ hoặc đưa ra những lời khuyên như khuyên con, cháu của mình. Đôi khi những lời khuyên ấy may mắn giúp các bạn vượt qua khúc mắc, buồn phiền. Có lẽ vì vậy mà các bạn sinh viên hay gọi đùa tôi là chủ tiệm sách kiêm người gỡ rối tơ lòng”.
Hà Nguyễn
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (36)