+Aa-
    Zalo

    Tiêm filler tạo tai Phật thay đổi vận mệnh, "nát" tai mà "tài" chưa đến

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ không phép thực hiện tiêm filler để tạo đôi tai Phật mang lại tài lộc... nhiều chị em đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy rước họa vào thân.

    Tin lời quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ không phép thực hiện tiêm filler (hay còn gọi là chất làm đầy) để tạo đôi tai Phật mang lại tài lộc, chiếc mũi cao đổi vận, xóa nếp nhăn trên khuôn mặt... nhiều chị em đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy rước họa vào thân.

    Rước họa vì tin "tiêm filler không đau, chỉ như tiêm phòng"

    Nhiều năm trở lại đây, filler được sử dụng phổ biến trong chuyên ngành da liễu thẩm mỹ. Khi cơ thể lão hóa, già đi thì các mô mỡ dưới da tiêu đi, tăng thêm nếp nhăn. Khi thấy dấu hiệu xuống sắc, chị em mong muốn có những chất làm đầy để da căng, bóng, xóa đi nếp nhăn, tăng thêm sự tươi trẻ.

    Filler cũng được sử dụng trong một số chỉ định tạo hình thẩm mỹ như: Làm dầy dái tai, nâng mũi, làm đầy cằm, đầy môi, tạo khuôn mặt V-line…

    Thời gian trở lại đây, dịch vụ tiêm filler tạo đôi tai tài lộc đang được quảng cáo rầm rộ trên Internet với những lời lẽ có cánh như: “Với đôi tai đầy đặn, đặc biệt là dái tai sẽ đem lại tài lộc cho chủ nhân”, "khi đeo hoa tai, người có tướng tai đẹp sẽ đeo đẹp hơn, tính thẩm mỹ cao hơn so với người có dái tai mỏng".

    Hơn nữa giá tiêm filler ở các spa siêu rẻ, chỉ 1-2 triệu đồng/1ml khiến chị em "mờ mắt". Mức giá này khác hoàn toàn giá được niêm yết ở phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viện là 6-8 triệu đồng/1ml.

    Vì sợ xấu, sợ nghèo, sợ kém thông minh, sợ xui xẻo… và ham rẻ nên rất nhiều chị em tin vào quảng cáo, mê mẩn nhân tướng học đều muốn tiêm tai tài lộc để thay đổi vận mệnh của mình.

    Tuy nhiên, tiêm filler là một kỹ thuật khó. Nếu tiêm sai kỹ thuật, sử dụng chất làm đầy không rõ nguồn gốc và chất lượng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

    Là người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực làm đẹp, Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Thu Hà - Thẩm mỹ viện Hà Thanh đã gặp nhiều trường hợp từng đến “cầu cứu” vì biến chứng tiêm filler.

    Nữ bệnh nhân bị biến chứng tai bầm tím, mũi sưng, da mẩn đỏ vì biến chứng tiêm filler. (Ảnh: BSCC)

    Điển hình là trường hợp của chị Lâm Anh (36 tuổi, Hà Nội). Chị Anh từng bị stress vì có dái tai mỏng manh, mũi không cao, không hài hòa với khuôn mặt. Nhiều người nói rằng số chị khó giàu vì 2 đặc điểm này trên khuôn mặt chưa “hút tài hút lộc”.

    Những mong gặp được may mắn, thuận lợi trong công việc cũng như cuộc sống, chị tin lời quảng cáo của cơ sở làm đẹp không uy tín, tin rằng “tiêm filler không đau, chỉ như tiêm phòng” và quyết tâm đổi vận.

    Tuy nhiên sau một thời gian tiêm filler, tai chị bị bầm tím, mũi thì xuất hiện u hạt, da bị mẩn đỏ. Tài lộc chưa thấy đến, chị đã phải đối mặt với nguy cơ biến chứng, tiền mất tật mang vì người làm đẹp cho chị đã “cao chạy xa bay”.

    Quá lo lắng cho sức khỏe, chị tìm đến bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Thu Hà. Chị được bác sĩ tiêm thuốc chống phù nề, giảm viêm... điều trị dài ngày.

    Tỉnh táo khi làm đẹp, đừng "đánh cược" sức khỏe 

    Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Thị Thu Hà.

    Bác sĩ Phạm Thị Thu Hà cho hay, việc tiêm filler tai trước tiên cần có sự thăm khám kỹ lưỡng để xác được định lượng filler được phép tiêm vào. Nếu ham dái tai to mà tiêm quá nhiều filler có thể gây ra các biến chứng như bầm tím hoặc hoại tử vành tai.

    Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của phụ nữ. Tuy nhiên làm đẹp ở đâu mới là vấn đề đáng nói. Bác sĩ khuyến cáo chị em phụ nữ, tiêm filler chỉ nên thực hiện tại các cơ sở uy tín, có chứng chỉ hành nghề và được cấp phép của sở Y tế của các tỉnh/thành phố.

    Chị em tuyệt đối không nên nghe theo những lời quảng cáo và thực hiện thẩm mỹ tại các cơ sở không uy tín, bởi có thể gây ra nhiều các biến chứng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, đến sắc đẹp của bản thân.

    Chị em đi làm đẹp phải có kiến thức và tỉnh táo. (Ảnh minh họa)

    Bác sĩ Phạm Thị Thu Hà nhấn mạnh: “Trước khi tiêm filler, chị em cần hỏi bác sĩ tiêm cho mình cái gì. Điều này rất quan trọng, bởi lẽ nhiều người rất xuề xòa, không quan tâm filler là gì, hạn sử dụng đến khi nào, có được giấy phép hay không? Chính sự chủ quan và thiếu hiểu biết đã dẫn đến những biến chứng không mong muốn”.

    Trong trường hợp sau khi tiêm filler nếu có dấu hiệu bất thường như đau, sưng, rỉ dịch, mờ mắt, da tím tái… cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời...

    Người phụ nữ đẹp và có tri thức hãy biết tự mình lựa chọn và quyết định các biện pháp phẫu thuật và cơ sở thẩm mỹ uy tín, an toàn.

    Việt Hương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tiem-filler-tao-tai-phat-thay-doi-van-menh-nat-tai-ma-tai-chua-den-a346612.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan