Hoạt động cắt tóc miễn phí cho người lao động nghèo được phủ rộng khắp các chi nhánh cửa hiệu ở TP.HCM do anh Nguyễn Hoài Thanh làm chủ.
Nhiều cửa hiệu cắt tóc của anh Nguyễn Hoài Thanh cung cấp dịch vụ miễn phí cho người nghèo. |
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, anh Nguyễn Hoài Thanh (30 tuổi, quê ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) thành lập tiệm cắt tóc từ năm 2018. Sau hơn 2 năm hoạt động, đến nay anh đã có hệ thống 10 cửa tiệm trên địa bàn TP.HCM (ở các quận 10, Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Thủ Đức).
Ngay từ những ngày đầu lập hiệu cắt tóc, anh Thanh đã dành nhiều thời gian, công sức đi cắt tóc miễn phí cho các bác tài xế xe ôm, người bán vé số, người giao hàng…
Đến nay, công việc ấy vẫn được duy trì và phủ rộng khắp 10 cửa tiệm của anh Thanh.
Không chỉ cắt tóc miễn phí, nhân viên các tiệm còn sẵn sàng gội đầu, uốn tóc hoặc nhuộm tóc miễn phí cho người lao động nghèo. Đặc biệt, tại chi nhánh ở quận Thủ Đức, nơi tập trung nhiều sinh viên, còn có chương trình cắt tóc với giá tượng trưng chỉ 2.000 đồng, dành riêng cho các bạn sinh viên.
Nghe tin tức, ngày càng có nhiều người lao động nghèo tìm đến để cắt tóc miễn phí. Trong suốt 2 năm hoạt động, các tiệm đã cắt tóc miễn phí cho hàng ngàn lượt người.
Đặc biệt, không hề có chuyện dịch vụ miễn phí thì thợ sẽ làm qua loa, không chu đáo. Ở các tiệm cắt tóc của anh Hoài Thanh, thợ đều làm bằng cái tâm, cẩn thận và tỉ mỉ từng chi tiết; cắt theo yêu cầu của từng người. Niềm vui quý giá nhất của người thợ chính là nụ cười của khách hàng.
Ở TP.HCM không hề thiếu những địa điểm cắt tóc miễn phí cho người nghèo như của anh Thanh, tích cực lan truyền lối sống sẻ chia, giúp đỡ cộng đồng.
Có thể kể đến Tiệm hớt tóc miễn phí nằm trên đường Cống Quỳnh, quận 1, TP.HCM.
Tiệm hớt tóc miễn phí này đã hoạt động được hơn 2 năm, đối diện với một quán cơm từ thiện cũng rất nổi tiếng tại Sài Gòn - quán Nụ Cười giá 2 nghìn đồng.
Người lập ra tiệm là anh Lê Văn Khải (30 tuổi). Anh cùng các thợ của mình cắt tóc miễn phí vào các ngày thứ 3-5-7 trong tuần, từ khoảng 11h đến tầm 13h30. Mỗi ngày, anh cắt tóc trung bình cho khoảng 20 người, ngày cao điểm thì hơn 30 khách.
Anh Khải chia sẻ, bản thân anh cũng đã trải qua khoảng thời gian vất vả, nhọc nhằn nên hiểu được giá trị của những việc làm nhỏ bé, tưởng chừng như không đáng gì.
"Tính ra thì mình tốn cái gì nhiều đâu, có vài cái ghế, vài bộ đồ nghề, thứ mình bỏ ra chỉ là một ít thời gian với công sức thôi. Với những người khó khăn, 20-30 nghìn cũng là một số tiền đáng kể rồi, mình làm vậy coi như giúp được họ tiết kiệm phần nào", anh Khải tâm sự.
Vi An (T/h)