(ĐSPL) - Ngôi biệt thự ở số 237 Nơ Trang Long được người Pháp xây dựng cách đây hơn 100 năm bỗng nhiên bị đập bỏ, xây lại khiến nhiều người tiếc nuối. Mới đây, một căn biệt thự trên 100 năm tuổi ở quận 1 từng được định giá hơn 200 tỉ đồng cũng bị tháo dỡ. Người dân đang đặt câu hỏi về trách nhiệm bảo tồn các công trình cổ ở TP.HCM.
Căn nhà bị tháo dỡ trơ nóc. |
Cháu ngoại kể chuyện biệt thự trăm tuổi
Mấy ngày qua thông tin một ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi (số 237 Nơ Trang Long, phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị tháo dỡ khiến nhiều người dân, nhất là người lớn tuổi tiếc nuối. Chủ nhân mới của căn nhà cho thợ đến tháo dỡ với lý do căn nhà đã xuống cấp, có khả năng đổ sụp gây nguy hiểm. Theo chủ nhân thì, họ đã xin phép sửa chữa 10 tháng nay nhưng không được nên tự ý cho thợ tháo dỡ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã ra quyết định dừng tháo dỡ đối với công trình này.
Theo quan sát của PV báo ĐS&PL, sau khi có quyết định dừng tháo dỡ thì căn nhà được đóng cửa. Bên trong căn nhà đã bị tháo nóc ngói. Một số hoa văn, ngói và đòn tay gỡ xuống cũng đã được mang đi. Căn nhà nhỏ phía sau căn nhà chính cũng bị đập bỏ. Hiện trạng còn lại là căn nhà chính với sự trống trơ, nhưng cột, tường trông vẫn còn chắc chắn.
PV báo ĐS&PL đã lần tìm nguồn gốc của căn nhà cổ trên và phát hiện nhiều điều thú vị. Theo chị Phương A. (SN 1960) nhà kế căn biệt thự cổ thì, chị từng ở trong căn biệt thự đang bị tháo dỡ từ năm 1976. Chị A. ở chung với bà ngoại. Đến năm 1980, chị A. lấy chồng rồi ra ở riêng tại căn nhà kế bên nhưng vẫn thường xuyên qua thăm bà ngoại.
Chị A. tiết lộ: “Ngày xưa, đất của bên nhà ngoại tôi kéo dài từ đầu đường Trần Quý Cáp xuống tận cầu Băng Ky, bao gồm cả căn biệt thự cổ. Ông cố tôi là Lê Minh Tri, chủ của khu đất. Khi ông cố mất thì ông cụ Lê Thành Trị làm chủ, rồi truyền lại cho ông ngoại tôi là Lê Thành Trì. Khu đất sau đó được chia cho các con ông ngoại tôi. Riêng căn nhà cổ số 237 được giao cho em của mẹ tôi là cậu Lê Thành Lợi quản lý, sinh sống với ý định để nơi đây làm nơi thờ phụng tổ tiên”.
Sau giải phóng, ông bà ngoại chị A. ở trong căn nhà ấy. Nhưng tháng 12/1976, ông ngoại chị mất, trong căn nhà có hai bà cháu chị A. ở. Bà ngoại chị A. là Nguyễn Thị Quý mất năm 2008 khi đã 101 tuổi.
Cũng theo chị A., ngày trước, căn nhà có lỗ dột trên mái nên ông cậu thứ 6 của chị định gia cố lại nhưng chính quyền không cho phép. “Cũng chỉ có một chút ấy thôi chứ bảo căn nhà xuống cấp cần phải sửa lại là không chính xác. Tôi từng ở trong căn nhà ấy nên tôi biết. Nó cao rộng và thoáng mát lắm. Ngày xưa nhà có 3 phòng. Tổng diện tích đất ở căn nhà này là 500m2, căn nhà được xây dựng hơn phân nửa diện tích đất ấy. Phía sau là khu bếp và khu cho người làm ở” – chị A. kể.
Được biết, căn nhà hoàn toàn không có chút thép nào trong tường, cột. Hoa văn trang trí rất tinh xảo mà khi mới đây người ta tháo dỡ thì họ tháo từng cái hoa văn, viên gạch trang trí rất cẩn thận, từng viên ngói được tháo xuống xếp ngay ngắn chứ không đập bỏ. Những viên gạch trang trí ghi xuất xứ từ Nhật Bản và hầu hết đồ trang trí cho căn nhà đều rất đẹp, rất tinh xảo. Nhiều nhiếp ảnh gia nước ngoài từng đến đây chụp hình. Trước đây nhiều đoàn phim cũng mượn chỗ này để quay phim.
“Ngày xưa, mỗi khi hỏi địa chỉ căn nhà này chỉ cần nói là căn nhà cổ có cây mai thì ai cũng biết. Bởi hồi ấy nhà ngoại có cây mai rất lớn, rất cổ và đặc biệt, mỗi khi cây mai ra hoa là kín cây, không có cọng lá. Về sau, cây mai này chết vì sâu đục thân. Năm 2012, cậu Lê Thành Lợi mất. Căn nhà trên được giao lại cho mợ và hai người con của cậu. Đến năm 2015, mợ tôi bán căn nhà ấy cho người ta. Điều đau lòng hơn là căn nhà ấy lại được bàn giao ngay ngày giỗ của ông ngoại tôi” – chị A. buồn rầu chia sẻ. Vì quá đau lòng trước cảnh ngôi nhà cổ vốn dĩ xưa kia của dòng tộc bị tháo dỡ mà mẹ chị ngày càng bệnh nặng.
Trước đây, biệt thự này được xây theo phong cách châu Âu, hoàn thành năm 1923. Do biệt thự đang có tranh chấp nên việc bảo dưỡng không được thực hiện, bị xuống cấp trầm trọng. Cuối năm 2015, chủ nhà từng rao bán căn biệt thự với giá 35 tỉ đồng.
Một tuần nay, hơn 10 công nhân vẫn miệt mài tháo dỡ ngôi biệt thự nằm tọa lạc số 12 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Ngôi biệt thự nằm ở vị trí đắc địa, sở hữu 2 mặt tiền đường Lý Tự Trọng và Chu Mạnh Trinh. Công nhân làm việc ở đây cho biết, ngôi biệt thự được tháo dỡ một tuần nay, chỉ còn 2-3 ngày nữa là xong. Hiện tại, căn biệt thự 2 tầng chỉ còn trơ trụi mặt tường chính diện ngôi nhà và hai bức tường hai bên. Được biết, ngôi biệt thự có thâm niên hàng chục năm, được chuyển giao qua 3 – 4 người chủ. Mới đây có người đến trả hơn 200 tỉ đồng và người chủ này đã đồng ý bán.
Cơ quan quản lý nói gì?
Liên quan đến căn biệt thự vừa được tháo dỡ để sửa chữa nhưng sau đó bị đình chỉ, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Trương Kim Quân, Giám đốc trung tâm Bảo tồn và phát huy các giá trị di tích (sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. HCM) khẳng định, biệt thự cổ tại số 237 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh chưa được xếp hạng di tích nên Trung tâm không có thẩm quyền quản lý. Trung tâm chỉ chịu trách nhiệm quản lý về các công trình, hạng mục di tích đã được xếp hạng. Hiện, thành phố đang rà soát, thống kê những căn biệt thự kiểu như trên để có phương án bảo tồn.
Còn bà Nguyễn Thái Văn, Chánh văn phòng sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM nói với PV báo ĐS&PL rằng: “Biệt thự trên là nhà ở riêng lẻ, không có trong danh sách bảo tồn của thành phố. Việc cấp phép sửa chữa, xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND quận Bình Thạnh. UBND quận Bình Thạnh cho rằng việc đình chỉ là theo yêu cầu của sở Quy hoạch Kiến trúc, nhưng đến ngày 30/6 vừa qua, Sở mới nhận được công văn của quận Bình Thạnh”.
Bà Văn cho biết, bà không biết nội dung công văn, nhưng rất có thể UBND quận Bình Thạnh muốn Sở xem xét, đưa công trình biệt thự vừa bị tháo dỡ vào danh sách công trình bảo tồn. Bà Văn nói sẽ chuyển những thông tin mà PV cần lên ban Giám đốc Sở để có câu trả lời chính thức.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hơn 40 năm mà các sở, ngành chức năng của thành phố chưa ban hành được tiêu chí để bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị. Chính điều này đã làm khó những người chủ các công trình kiến trúc. Nhiều trường hợp do biệt thự xuống cấp, họ muốn cải tạo cũng không được. Thành phố cần lập ngay một đơn vị chuyên thẩm định những ngôi biệt thự cổ trên. Cần phải đánh giá những công trình cổ này từ nhiều góc độ như kiến trúc, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa. Căn cứ vào giá trị của ngôi biệt thự, thành phố sẽ có quyết định xử lý. Không nên để các công trình được coi là nét đẹp của thành phố bị đập bỏ, tháo dỡ. Điều này là rất đáng tiếc.
CÔNG THƯ – HOÀNG MINH