(ĐSPL) - Cách đây ít lâu, trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới, một nữ ĐBQH cũng là một doanh nhân nổi tiếng chia sẻ: "Tôi không xem việc mình là ĐBQH giống một món đồ trang sức, không dựa vào đó để mà tạo uy thế khác cho mình bởi vì doanh nghiệp có cơ chế vận hành khác. Có thể có người cho rằng doanh nhân là ĐBQH thì có thể lợi dụng tư cách đó để trục lợi cá nhân, nhưng tôi không nghĩ như vậy".
Ngẫm lại lời của nữ ĐBQH trên mà thầm tiếc cho bà Châu Thị Thu Nga. Tiếc rằng, tín nhiệm mà cử tri giao phó cho bà đã không đi liền với trách nhiệm.
Xin được nhắc lại, bà Nga quá nổi tiếng với hàng tá những chức danh và bằng cấp học vị khiến bao người mơ ước. Với một phụ nữ ở tuổi ngũ thập mà thành đạt được như bà, quả thật đáng nể. Thế nhưng, thông tin bà bị bắt khiến dư luận sửng sốt. Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản - một trong những tội danh vô cùng nghiêm trọng nhưng bà đã phạm phải. Càng đáng tiếc hơn, khi bà là một ĐBQH, người đại diện cho tiếng nói của cử tri. Trước bà Nga, đã có không ít ĐBQH bị "nhúng chàm", cũng không ít quan chức lợi dụng chức vụ quyền hạn để tư lợi cá nhân đến mức phải ra trước vành móng ngựa, thế nhưng dư luận vẫn không khỏi xót xa.
Cuối năm 2006, ông Mạc Kim Tôn, nguyên Giám đốc sở GD&ĐT Thái Bình bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Tôn cũng từng thừa nhận khuyết điểm, hối hận vì đã làm ảnh hưởng đến Quốc hội và mong muốn được chấp nhận cho thôi làm ĐBQH. Trước đó, hồi tháng 10/2005, ông Lê Minh Hoàng - nguyên Giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM cũng bị cơ quan chức năng bắt giữ do những sai phạm của mình.
Nhận định về hiện tượng quan chức lợi dụng địa vị để trục lợi, một cán bộ đang công tác tại cơ quan tố tụng Trung ương (đề nghị giấu tên) cho biết, trên thực tế những vụ án đã được phá có nhiều vụ mà cán bộ lợi dụng địa vị, chức danh của mình để thực hiện hành vi phạm tội. Chẳng hạn như việc lợi dụng uy tín của mình để cố "nắn" cho người nhà, "sân sau" của mình trúng thầu các dự án xây dựng... nhằm trục lợi cá nhân. Thậm chí, còn có những vụ cán bộ dùng địa vị của mình để gây ảnh hưởng đến các cơ quan cấp dưới trong việc đưa ra kết luận về một vấn đề gì đó.
Video liên quan:
Dấu hiệu sai phạm của bà Châu Thị Thu Nga đã có từ lâu
Trong khi đó, bình luận về vấn đề "cơ cấu" khi giới thiệu nhân sự giữ các chức danh trong cơ quan Nhà nước, vị cán bộ nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng thẳng thắn lên tiếng: "Trên thực tế, nhiều khi vẫn có chuyện áp đặt cơ cấu, chỉ ra tận con người cụ thể, những tiêu chí mà có khi cơ quan bên dưới chỉ phù hợp với duy nhất một người cụ thể, vì vậy khi giới thiệu, cơ quan cấp dưới không thể "lựa chọn", cân nhắc giới thiệu một ai khác ngoài người duy nhất "phù hợp" với tiêu chí trên. Đó là cái bất cập. Có khi trên "vẽ" ra một người rồi, ở dưới phải làm. Cũng có khi trên "vẽ" ra gần giống một người thì ở dưới "áp" vào cho giống".
Vị này cũng cho biết, một nguyên tắc, quy định rõ là những người được giới thiệu vào các chức vụ của các cấp thì ít ra khi có đơn thư về những người này thì phải có kết luận rõ ràng. Còn khi đang "lùm xùm" thì chưa thể giới thiệu họ vào các chức vụ quan trọng của các cấp được. Đã có đơn là phải giải quyết đơn thư tố cáo, đã giải quyết thì phải có kết luận, liệu anh có kết luận hay không? "Ở trường hợp của bà Nga, giả sử đơn thư có từ trước thời điểm năm 2012 thì tại sao vẫn trúng ĐBQH? Vậy, nếu có đơn thì phải có cơ quan chức năng kết luận bà Nga không vi phạm, khi đó bà Nga mới được giới thiệu vào các vị trí chức danh quan trọng. Vậy, cơ quan kết luận đó là ai? Những câu hỏi này phải làm rõ", vị này nói.