Ngày 10/7, thông tin từ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, thời gian qua, tin vào những lời mời chào, quảng cáo từ các trang mạng xã hội hứa hẹn về một công việc ổn định, lương cao, nhiều người đã sập bẫy để rồi bị "bán" sang Campuchia.
Theo cơ quan công an, khi bị "bán" sang Campuchia, tại đây, các nạn nhân bị đưa vào những tòa nhà biệt lập nằm giữa rừng sâu hay sát biển, hằng ngày bị canh gác, hầu hết các nạn nhân đã phải trải qua cuộc sống tủi nhục, bị dọa nạt, đánh đập, bị nhốt, bị bỏ đói… Và nếu muốn về lại Việt Nam, gia đình nạn nhân phải bỏ tiền chuộc từ 60 đến 200 triệu đồng. Hiện nay, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đang phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an xác minh, điều tra làm rõ những trường hợp nạn nhân bị lừa đưa sang Campuchia tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Theo đó, chỉ cần nhập từ khóa "việc làm Campuchia" trên mạng xã hội Facebook thì chỉ trong tích tắc rất nhiều hội, nhóm hiện ra với những lời mời chào như thu nhập ổn định, hơn 20 triệu/tháng, không tốn chi phí, không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần biết đánh máy, công việc nhẹ nhàng, visa chính ngạch… cùng nhiều cam kết hấp dẫn khác. "Công việc nhẹ, lương cao" tin vào điều này, không cần xác minh, nhiều thanh niên đã trốn gia đình, liên lạc với các tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội để rồi bị bọn lừa đảo sử dụng nhiều cách đưa họ vượt biên sang Campuchia bằng cả đường chính ngạch hoặc nhâp cảnh trái phép; thậm chí nhiều kẻ lừa đảo còn sẵn sàng ứng tiền công trước để dụ dỗ người lao động.
Anh T., trú tại Tp.Huế một nạn nhân cho biết, sau hơn 1 tháng bị giam lỏng tại Campuchia, do không chịu nổi cuộc sống ở đây, anh T. đã phải cầu cứu gia đình bỏ số tiền hơn 60 triệu đồng để chuộc anh về Việt Nam.
Trong khi đó, chị Th. người nhà của một nạn nhân tại Tp.Huế chia sẻ, tin lời quảng cáo trên Facebook, em trai chị đã bị lừa đưa sang Campuchia theo đường biển, lên Hà Tiên - Kiên Giang rồi sang Campuchia và bị nhốt trong tòa nhà biệt lập.
"Ngoài em trai tôi còn có rất nhiều nạn nhân khác là người Việt Nam. Mỗi ngày, các nạn nhân phải làm việc liên tục từ 15 - 16 tiếng/ngày, bị quản lý công ty đánh đập. Sau hơn 1 tháng, em trai tôi không chịu được nữa xin nghỉ thì công ty yêu cầu phải trả hơn 90 triệu đồng gọi là tiền chi phí và bồi thường hợp đồng lao động và gia đình phải chuyển tiền sang Campuchia mới chuộc đưa người về Việt Nam", chị Th. kể lại.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 10 đơn trình báo của người dân liên quan đến việc con, em mình bị lừa đưa sang Campuchia làm việc trái phép. Để ngăn chặn kịp thời, nhanh chóng chấm dứt tình trạng trên, Ban giám đốc Công an tỉnh chỉ các Công an một số đơn vị, địa phương phối hợp triển khai các phương án, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh đi nước ngoài nói chung và Campuchia nói riêng để lao động trái phép.
Cơ quan công an khuyến cáo, mong muốn tìm kiếm việc làm ổn định để mưu sinh là ước muốn chính đáng của người lao động, tuy nhiên mỗi người dân cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ các thông tin về nơi thuê lao động, liên hệ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động đã được Nhà nước cấp phép để được hướng dẫn cụ thể… để tránh sập bẫy lừa đảo việc nhẹ, lương cao để rồi tiền mất tật mang.
Công Định
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nan-nhan-tiet-lo-soc-khi-bi-lua-sang-campuchia-a559341.html