+Aa-
    Zalo

    Tịch thu phương tiện vi phạm: Đề xuất vì quá... bức xúc!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Việc này chúng tôi đề nghị vì quá bức xúc khi chứng kiến nhiều vụ tai nạn và có đến gần chục ngàn người chết/năm" - ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết.

    (ĐSPL) - "Việc này chúng tôi đề nghị vì quá bức xúc khi chứng kiến nhiều vụ tai nạn và có đến gần chục ngàn người chết/năm" - ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết.

    Những năm gần đây, con số tai nạn giao thông khiến cho bao người cảm thấy kinh hoàng, day dứt. Có lẽ vì vậy mà mới đây Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia đã đề xuất Chính phủ cho phép nâng mức xử phạt vi phạm giao thông, trong đó nặng nhất là tịch thu phương tiện. Trong khi nhiều ý kiến ủng hộ phương án này thì cũng không ít người cho rằng, bản đề xuất này thiếu căn cứ và không hợp lòng dân.

    Những phân tích, mổ xẻ của các chuyên gia giao thông, pháp lý cho thấy, có lẽ, bản đề xuất cũng nên cân nhắc kỹ trước khi được thực thi...

    Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia: Đã nghiên cứu kỹ chứ không phải bỗng dưng đề xuất

    Tôi khẳng định rằng, Ủy ban hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để đưa ra bản đề xuất trên, kiến nghị với Chính phủ. Cụ thể, hiện nay, theo quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính, tại Điều 26 đã quy định rõ: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách Nhà nước tang vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Điều 82 của luật này (quy định rõ về loại tang vật, thủ tục xử lý tang vật bị tịch thu...).

    Ông Khuất Việt Hùng.

    Việc này chúng tôi đề nghị vì quá bức xúc khi chứng kiến nhiều vụ tai nạn và có đến gần chục ngàn người chết/năm. Ủy ban ATGT Quốc gia đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng chứ không phải bỗng nhiên lại đi đề xuất như vậy. Mục tiêu của chúng tôi là đưa ra chế tài mạnh nhằm răn đe, ngăn ngừa người dân vi phạm chứ không phải mục tiêu là tịch thu xe hay bán đấu giá để sung vào công quỹ.

    Thông điệp mà Ủy ban muốn cảnh báo cho người dân là mức độ nghiêm trọng và hậu quả trước mắt, lâu dài của hành vi lái xe khi say xỉn. Người lái xe khi say xỉn không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có nguy cơ đe dọa tới an toàn tính mạng, tương lai bản thân và gia đình mình, đe dọa tới tính mạng của người xung quanh. Chính vì vậy, với bản đề xuất này, số lượng người say xỉn sẽ giảm đi, người tham gia giao thông sẽ không bị uy hiếp tính mạng. Đây là yếu tố rất nhân văn.

    Luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư Hà Nội): Phát sinh không ít hệ lụy và vấp phải phản đối của người dân

    Tôi nhận thấy đề xuất tịch thu phương tiện của Ủy ban ATGT Quốc gia có nhiều điểm chưa đảm bảo căn cứ pháp lý. Mặc dù việc xử phạt vi phạm người điều khiển phương tiện là có cơ sở nhưng nếu phương tiện đó không thuộc quyền sở hữu của người điều khiển thì sẽ vi phạm quy định về chịu rủi ro về tài sản.

    Trong Bộ luật Dân sự quy định, mọi công dân có quyền sở hữu tài sản. Luật không cấm công dân cho mượn, thuê phương tiện và thủ tục cho mượn, thuê này đúng pháp luật. Vậy, lấy lý do gì để tịch thu xe của chủ sở hữu khi họ không biết, không thể quản được người mượn, thuê xe? Lấy ví dụ rõ hơn, như tài xế taxi uống rượu, bia, bị tịch thu phương tiện là tài sản của công ty. Trong khi công ty đó quy định tài xế phải chấp hành quy định pháp luật. Nếu bị tịch thu thì rõ ràng là oan cho công ty đó. Tôi cho rằng, nếu đề xuất này đi vào thực tế, sẽ sản sinh ra không ít hệ lụy và vấp phải sự phản đối của người dân.

    Mặc dù tôi ủng hộ mục đích trong bản đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia nhằm giảm TNGT nhưng họ cũng cần phải nghiên cứu lại. Tôi cho rằng, việc hạn chế vi phạm giao thông nên phòng ngừa bằng chính sách tuyên truyền, giáo dục chứ không thể cứ đợi người dân uống rượu, bia, đi vào đường cấm, chở quá trọng tải mà thổi còi phạt, tịch thu xe của họ. Như vậy là trị bệnh “đằng ngọn”, người dân sẽ tìm cách đối phó và biết bao giờ mới làm triệt để được.

    ĐBQH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội: Không chỉ dựa vào một văn bản hướng dẫn mà áp dụng ngay được

    Theo ĐBQH Đinh Xuân Thảo, đề xuất tịch thu phương tiện nếu lái xe có nồng độ cồn cao của Ủy ban ATGT Quốc gia chưa nêu rõ được sự hợp lý. Bởi, về nguyên tắc, xử lý người vi phạm có thể phạt tiền, thậm chí tạm giữ hành chính hay có những biện pháp mạnh khác chứ không thể tịch thu tài sản của người dân được.

    Bản thân ô tô là một loại tài sản lớn, hợp pháp của cá nhân chứ không phải là phương tiện gây án ở một vụ án nào đó mà cơ quan chức năng có thể tịch thu. Hơn thế nữa, người vi phạm có thể đi xe mượn của người khác mà người cho mượn xe không vi phạm thì làm sao có thể tịch thu xe của họ. Việc tịch thu, liên quan đến luật pháp thì Quốc hội phải làm, phải bàn chứ không chỉ một vài văn bản hướng dẫn mà áp dụng ngay được.

    Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến: Đề xuất chưa đưa vào luật mà áp dụng là trái luật

    Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến.

    Theo tôi, trước khi nói đến hay dở chúng ta cần phải xem xét đề xuất tịch thu phương tiện có đáp ứng đầy đủ các điều kiện hợp pháp hay không đã. Bất cứ văn bản pháp luật nào được ban hành phải đúng thẩm quyền, các nội dung của văn bản đó không trái với các quy định đã ban hành và việc áp dụng các quy định xử phạt phải phù hợp với Hiến pháp và pháp luật...

    Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải, đường bộ được áp dụng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và trực tiếp nhất là Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng không áp dụng việc tịch thu phương tiện của người tham gia giao thông vi phạm.

    Theo ý kiến của tôi, đề xuất tịch thu phương tiện giao thông của người vi phạm để đi vào thực tế cần phải được luật hóa và như vậy sẽ phải sửa luật, bổ sung vào luật. Tuy nhiên, việc sửa đổi toàn bộ các văn bản có liên quan trước khi quy định đó được thi hành cũng không dễ dàng, bởi nhiều thủ tục trình tự và do nhiều cơ quan ban hành chứ không phải chỉ là một văn bản do một cơ quan quản lý trực tiếp ban hành và thực thi. Đề xuất chưa đưa vào trong luật mà đã ban hành văn bản và áp dụng thì rõ ràng không có căn cứ, như vậy là trái luật.

    Trong khi đó ở nước ta, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chiếm đa số, có khi vừa là phương đi lại vừa là phương tiện mưu sinh kiếm sống của nhiều người. Việc tịch thu phương tiện sung công quỹ Nhà nước đối với các trường hợp vi phạm là cần thiết, nhưng sẽ là quá nặng đối với những người vi phạm lần đầu, người không cố ý. Trong khi đó còn phát sinh nhiều vấn đề như xe không chính chủ, rồi một loạt các quy định liên quan... Đặc biệt, đề xuất này còn liên quan đến quyền sở hữu của người dân và vi phạm luật Dân sự, Hiến pháp. 

    Thủ tướng xem xét kiến nghị tịch thu xe trong tháng 3

    Chiều 6/3, Văn phòng Chính phủ gửi đến PV báo Đời sống và Pháp luật về ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến kiến nghị của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về nâng mức xử phạt đối với xe quá tải, lái xe say rượu với mức phạt cao nhất là tịch thu phương tiện. Theo đo, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông chủ trì, phối hợp với các bộ Công an, Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước ngày 31/3.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tich-thu-phuong-tien-vi-pham-de-xuat-vi-qua-buc-xuc-a86937.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan